Sự kiện hot
6 tháng trước

Nghệ An: Mô hình “tổ đổi công” hái chè cùng nhau phát triển kinh tế

Vừa tăng tình làng nghĩa xóm, kịp thời thu hoạch đúng thời vụ, lại giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều vùng núi ở Nghệ An đang thực hiện mô hình “tổ đổi công” rất hiệu quả.

Tổ đổi công thu hoạch chè ở huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Thời gian vừa qua để giải quyết bài toán thiếu lao động ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng nông nghiệp miền núi tỉnh Nghệ An đang nhân rộng mô hình “tổ đổi công” trong sản xuất nông nghiệp, dịch vụ.

Các gia đình hỗ trợ lẫn nhau, sản xuất xoay vòng cho đến khi hết mùa vụ. Vừa thắt chặt tình đoàn kết, vừa tạo động lực thúc đẩy sản xuất giúp nhau thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, việc trồng chè và thu hái chè cần nhiều nhân công để kịp thời vụ, bán được giá. Nhưng vì lao động địa phương lại thiếu hụt, giá nhân công cao nên việc thành lập tổ đổi công đã giải quyết được những khó khăn cho người trồng chè nơi đây đang được thực hiện và bước đầu đạt được nhiều kết quả tốt.

Như gia đình chị Hiền ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, gia đình trồng gần 2ha chè, để kịp thu hoạch chè gia đình chị thường phải thuê thêm nhân công để thu hái. Nhưng từ khi có mô hình “tổ đổi công” gia đình chị đỡ thêm một khoản rất nhiều.

Theo đó, mỗi tổ gồm 5-7 lao động tập hợp lại với nguyên tắc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Vào vụ thu hái chè, cứ luân phiên, hộ nào đến lứa cắt chè thì các thành viên trong tổ tập trung đến giúp, vận chuyển chè xuống chân đồi.

Trồng hơn 1,5 ha cây chè đồi, cứ đến mùa thu hoạch gia đình bà Vi Thị Xưa (trú tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) lại phải thuê nhân công. Từ khi hình thành mô hình tổ đổi công ở trên địa bàn xã Ngọc Lâm, gia đình bà liền đăng ký tham gia.

Bà Xưa chia sẻ, việc nằm trong tổ đổi công thì các hộ sẽ cùng nhau thu hoạch chè, hết hộ này xong đến hộ khác, nhà nào có lịch trước thì làm trước, cứ làm xoay vòng cho đến khi thu hoạch xong.

Tham gia tổ đổi công ngoài việc tiết kiệm được chi phí thu hái các thành viên luôn nêu cao ý thức thu hái chè đạt tỷ lệ cao góp phần nâng cao giá trị kinh tế việc phát triển cây chủ lực của xã, chung tay xây dựng thương hiệu chè Thanh Chương.

Anh Lô Văn Cả, cán bộ nông nghiệp của xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An đồng thời chính gia đình anh cũng tham gia vào mô hình tổ đổi công này cho hay: Từ năm ngoái lại nay gia đình anh cùng 3 hộ nữa góp tiền lại mua một máy cắt chè, từ đó các hộ cứ thay phiên nhau sử dụng và giúp đỡ nhau thu hái.

Theo anh Cả thì đây chỉ mới là mô hình tự phát của bà con nhưng mang lại hiệu quả rất cao. Vì để đầu tư một một máy cắt chè chi phí khá cao, trong khi nếu 4 - 5 nhà góp tiền lại mua một chiếc máy thì sẽ giảm chi phí xuống, đồng thời mỗi người đều có ý thức để bảo vệ tài sản chung của mình. Nhờ vậy công việc cũng trở nên hiệu quả hơn.

Ông Lữ Đương, chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: Diện tích trồng chè trên địa bàn xã Ngọc Lâm hơn 300ha, hiện nay số lao động trong độ tuổi lao động ở địa phương chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, còn số lớn họ đến các thành phố lớn để làm việc nên lao động phổ thông rất kham hiếm. Việc thành lập các tổ đổi công này dù chỉ mới tự phát nhưng mang lại hiệu quả rất cao, mong rằng mô hình này sẽ phát triển để người dân trên địa bàn giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế.

Không chỉ riêng ở Thanh Chương mà ở nhiều địa phương khác tại Nghệ An như Anh Sơn, Quế Phong,… cũng có mô hình tổ đổi công, mô hình này ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Họ không chỉ giúp nhau trong việc đồng áng, mà việc gia đình cũng có sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ nhau làm du lịch,… Thông qua mô hình này, người dân cùng nhau từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu, đồng thời xây dựng tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.

Diễm Phước – Trí Thức

Theo KT&ĐU

Từ khóa: