Sự kiện hot
9 tháng trước

Nghệ An: Mưa lớn khiến nhiều huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng

Tình hình mưa lớn kéo dài khiến cho nhiều huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông.

Nhiều điểm ở huyện miền núi Kỳ Sơn bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo đó, trong nhiều ngày vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Đồng thời, lượng nước từ bên Lào đổ về lớn nên đã gây ra hiện tượng sụt lún, sạt lở đất, sạt lở giao thông, thiệt hại nhà cửa, tài sản của người dân và công trình cơ sở hạ tầng.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cho biết: Mưa lớn đã làm cho tuyến đường Tỉnh lộ 543D đoạn qua xã Mường Típ bị sạt lở bốn điểm taluy dương. Đặc biệt, khu vực bản Xốp Típ, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông, làm cho xe cộ không thể qua lại. Ngoài ra, đoạn đường qua bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhà dân.

Để khắc phục, địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng Mường Ải cho người xuống cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết, khẩn trương gia cố bờ sông bằng bạt, cọc tre, bao tải cát.

Theo lãnh đạo huyện, Kỳ Sơn có địa hình dốc, địa chất thiếu sự kết dính nên mưa lớn kéo dài dẫn đến nguy cơ sạt lở cao. Chính quyền địa phương đã kiểm tra thực tế tại các khu vực sạt lở, khu vực trọng điểm xung yếu để đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hạn chế đi qua tuyến đường bị sạt lở

Đồng thời, lãnh đạo địa phương cũng đề nghị các lực lượng chức năng nhanh chóng đặt biển cảnh báo, kiểm tra chặt chẽ các khu vực xung yếu, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân; thường xuyên theo dõi chặt chẽ, không được chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến bất thường của thời tiết.

Để chủ động ứng phó các diễn biến phức tạp của tình hình mưa, sạt lở đất, lũ quét, ngập cục bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An đề nghị các cơ quan, các địa phương phải huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp; khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở.

Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, ban ngành cần túc trực, và báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - TKCN và PTDS tỉnh.

Diễm Phước
Theo KT&ĐU

Từ khóa: