Vườn hồng cổ thụ tại xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An, đã trở thành một trong những điểm sáng về du lịch sinh thái của vùng đất xứ Nghệ. Không chỉ lưu giữ giá trị tự nhiên và văn hóa, những vườn hồng này còn mở ra hướng đi mới cho du lịch bền vững, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên.
Vườn hồng cổ thụ, tài nguyên thiên quý giá
Vườn hồng cổ thụ Nam Anh nổi tiếng với hàng trăm cây hồng có tuổi đời lâu năm, tán lá rộng, cao lớn và trĩu quả vào mùa thu. Cảnh quan rực rỡ của vườn hồng mỗi khi vào mùa chín tạo nên một không gian độc đáo, rất thu hút du khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh và tận hưởng không khí trong lành. Giá trị của vườn hồng cổ thụ không chỉ nằm ở vẻ đẹp tự nhiên mà còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống bao thế hệ người dân địa phương.
Chị Đặng Thị Tâm, chủ sở hữu của vườn hồng Đại Huệ Farm, là một trong hàng chục vườn hồng cổ thụ lớn ở xã Nam Anh đã nhận ra tiềm năng to lớn của những vườn hồng cổ thụ này. Là một người đam mê về nông nghiệp và những sản phẩm hữu cơ, khi đến đây để tham quan chị quyết định mua lại vườn hồng này của người dân địa phương kcách đây 5 năm và đầu tư phát triển để mở cửa đón khách du lịch. Từ đó, vườn hồng không chỉ đơn thuần là nơi trồng trọt, mà còn trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái, thu hút hàng ngàn du khách mỗi mùa hồng chín.
Du lịch sinh thái gắn kết với thiên nhiên
Để phát triển du lịch sinh thái từ vườn hồng, chính quyền và người dân địa phương đã xây dựng nhiều hoạt động trải nghiệm, giúp du khách hòa mình vào thiên nhiên và hiểu rõ hơn về văn hóa địa phương. Khách tham quan không chỉ được ngắm cảnh mà còn có cơ hội tự tay thu hoạch hồng, nếm thử quả hồng tươi ngọt ngào ngay tại vườn, tham gia làm bánh hồng và các sản phẩm từ hồng như mật hồng, hồng sấy.
Ngoài ra, du khách còn có thể lựa chọn nghỉ lại tại các homestay trong khu vực, trải nghiệm cuộc sống làng quê và thưởng thức những món đặc sản truyền thống của Nam Đàn. Đây là cách hiệu quả để kết nối văn hóa – ẩm thực và du lịch sinh thái, tạo ra những trải nghiệm chân thực và gần gũi, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa người dân địa phương và du khách.
Chị Hà, một du khách từ Hà Tĩnh, chia sẻ: “Tôi đã đến đây vì rất muốn trải nghiệm việc tự tay hái những quả hồng chín trên cây và lưu lại những hình ảnh đẹp của vườn hồng cổ thụ. Cảm giác thật khác biệt khi đứng giữa khu vườn xanh mướt, xung quanh là những quả hồng đỏ rực, vị hồng ngọt thanh. Đây được xem một chuyến trải nghiệm thật đáng nhớ”
Sự phát triển du lịch sinh thái tại vườn hồng không chỉ đem lại nguồn thu nhập mới cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Nam Đàn như một điểm đến du lịch thiên nhiên. Các sản phẩm từ hồng như hồng sấy, mứt hồng, và mật hồng đã trở thành món quà lưu niệm đặc sản, thu hút nhiều du khách muốn mua về làm quà. Nhờ đó, người dân địa phương có thêm cơ hội phát triển kinh tế từ việc khai thác sản phẩm nông sản và cung cấp các dịch vụ du lịch liên quan.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, mô hình du lịch sinh thái này cũng khuyến khích bảo vệ môi trường và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, tạo điều kiện để người dân gìn giữ hệ sinh thái và nâng cao nhận thức về việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Những vườn hồng cổ thụ tại Nam Anh không chỉ là tiềm năng du lịch mà còn mở ra hướng đi mới cho du lịch sinh thái ở Việt Nam. Mô hình này không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Việc duy trì và phát triển du lịch sinh thái tại những vườn hồng cổ thụ không chỉ tạo ra các trải nghiệm khác biệt cho du khách mà còn giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường và gắn kết con người với thiên nhiên.
Nhờ sự chung tay của người dân, chính quyền và những cá nhân tâm huyết như chị Đặng Thị Tâm, vườn hồng cổ thụ Đại Huệ Farm tại Nam Anh đã và đang trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch sinh thái Việt Nam, thu hút sự chú ý của du khách yêu thiên nhiên và văn hóa truyền thống.
Diễm Phước
Theo KT&ĐU