Sự kiện hot
khoảng 1 tuần trước

Nghệ An thúc đẩy du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phối hợp triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch một mô hình liên kết du lịch cộng đồng, gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Văn bản số 9600/UBND-VX ngày 31/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đã chỉ đạo Sở Du lịch làm đầu mối, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã để triển khai đề án trên địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả và tuân thủ các quy định hiện hành.

Đề án đặt ra mục tiêu thống nhất nhận thức, định vị thương hiệu du lịch cộng đồng Việt Nam, kết hợp phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ khả năng tiếp cận nguồn lực và dịch vụ công cho các vùng nông thôn, đặc biệt ưu tiên các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thúc đẩy du lịch cộng đồng nhằm phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Ngoài ra, đề án hướng đến phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với các ngành công nghiệp văn hóa, trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, tạo nét đặc trưng riêng cho từng địa phương, vùng miền và tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, hướng đến xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng Việt Nam tham gia vào chuỗi sản phẩm văn hóa toàn cầu.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 bao gồm: bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại các điểm du lịch cộng đồng; đạt 20% số điểm du lịch có nhà sinh hoạt cộng đồng và các câu lạc bộ văn hóa truyền thống hoạt động thường xuyên, chất lượng; 30% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo về nghiệp vụ quản lý; 20% lao động du lịch cộng đồng được tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó 10% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất một người có khả năng giao tiếp ngoại ngữ.

Đề án cũng đặt mục tiêu mỗi huyện có tiềm năng du lịch sẽ phát triển ít nhất một mô hình liên kết chuỗi du lịch cộng đồng, đồng thời phấn đấu để 10% làng nghề truyền thống trong mỗi huyện có sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, 20% số điểm du lịch cộng đồng sẽ được công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia, 10% ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số cho các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc.

Để đạt được mục tiêu này, đề án đưa ra bảy nhóm giải pháp chính, bao gồm: tăng cường lồng ghép chính sách đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; nâng cấp hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; đẩy mạnh quảng bá và phát triển sản phẩm; quy hoạch và khuyến khích đầu tư; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Diễm Phước

Theo KT&ĐU

Từ khóa: