Sự kiện hot
8 tháng trước

Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm: Một đời tâm huyết với nghề ướp trà sen ở Tây Hồ

Đến phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) chỉ cần nhắc đến Nghệ Nhân Ngô văn Xiêm hay “Chè Sen bác Xiêm” là không ai không biết. Nghệ Nhân Ngô Văn Xiêm là một trong những người đi tiên phong trong nghề làm chè ướp sen và đến giờ là một trong số hộ gia đình hiếm hoi còn làm nghề chè ướp hương sen ở vùng đất được coi là “ Thánh Địa” của sen.

Ba thế hệ trong gia đình ông Xiêm gìn giữ bản sắc nghề ướp trà sen Tây Hồ.
Ba thế hệ trong gia đình ông Xiêm gìn giữ bản sắc nghề ướp trà sen Tây Hồ.

Người thổi hồn vào trà sen

Được giới trong nghề tôn vinh nghệ nhân  Ngô Văn Xiêm là “Kỳ Nhân Chè Sen số 1 Hà Thành”, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng gia  đình nghệ nhân gặp ông Ngô Văn Xiêm vào một sáng cuối tháng 8 dương lịch. Khi trời còn hơi sương, ông Xiêm đã chở hoa sen vừa hái ở đầm về. Khi đó người nhà và thợ nhanh nhẹn xúm vào tách cánh hoa. Ai nấy đều làm mau lẹ để lấy được gạo của nhụy hoa một cách nhanh nhất.

Không biết nghề ướp trà sen có từ bao giờ ở Hà Nội, nhưng ông sinh ra và lớn lên đã gắn bó với nghề ướp trà sen truyền thống của gia đình từ tấm bé. Ông Xiêm kể, đến đời con ông, gia đình ông đã có 5 đời làm trà sen. Xa xưa các cụ chỉ ướp trà để uống, đãi bạn và làm quà biếu. Khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều người tìm đến trà sen như một món quà quý của Hà Nội để làm quà biếu, nhu cầu tăng cao nên ông mới phát triển nghề của gia đình. Để có nguồn sen đảm bảo ổn định ông Xiêm đã thuê 10.000 m2 đầm để canh tác sen bách diệp. Cây sen ưa nguồn đất và nước sạch mới sống được. Vì thế nguyên liệu ướp trà sen cũng sạch.

Để làm ra một bông sen trà tinh túy, ấm trà đậm hương sen thì công đoạn từng bước rất tỷ mỉ không giống như mọi người tưởng tượng. Đầu tiên là việc chọn trà để ướp hương sen, trà được chọn phải là trà mộc, loại tốt được trồng ở mạn Hà Giang,Thái Nguyên. Khi mua về, việc đầu tiên là phải sấy trà thật khô. Sau đó, đưa trà ướp với những cánh hoa sen nhỏ. Công đoạn này gọi là để trà ngậm hoa hoặc vào hương. Sau hai ngày ngậm hoa thì trà mới được mang ra sấy và bắt đầu ướp với gạo sen. Để ướp được 1kg trà sen phải cần tới trên 1000 bông hoa sen và để mẻ trà đượm hương sen, ông Xiêm phải mất đúng 21 ngày với 7 lần vào hương ( mỗi lần 3 ngày) và 7 lần sấy ( mỗi lần sấy 1 đêm). Trà sen kén người làm và kén cả người uống. Những người tính khí nóng vội rất khó để uống vì chén trà sen chỉ nhỏ như hạt mít. Những người quen uống trà mạn đặc cũng khó mà uống được trà sen bởi uống đặc quá hương sen không chỉ nồng mà ấm trà còn bị chuyển vị, trở nên chát và đắng.

Tách gạo sen chuẩn bị cho công đoạn ướp hương.
Tách gạo sen chuẩn bị cho công đoạn ướp hương.
Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm - Trọn tâm với nghề truyền thống của gia đình.
Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm - Trọn tâm với nghề truyền thống của gia đình.

Đến nay, cùng ông làm nghề không chỉ có vợ, con mà cả các cháu cũng tham gia và các công đoạn làm trà. Gắn bó với nghề truyền thống đã mấy chục năm, đến nay mong ước của ông là con cháu mình sẽ tiếp nối cha ông, giữ cho nghề truyền thống không bị mai một, thất truyền. Cũng vì thế, ông đã cùng các nghệ nhân của làng đăng ký thành công thương hiệu “Chè sen Quảng An”. Với thương hiệu này, những hộ theo nghề sẽ phải tuân thủ chặt chẽ quy trình ướp trà theo bí quyết cổ truyền.

“Ngay từ nhỏ, tôi đã biết tách cánh, phơi nhụy, xem bố mẹ ướp trà. Cứ thế, nghề ướp trà “ngấm” vào tôi lúc nào không biết. Đến giờ, tôi làm trà sen vì đam mê chứ không đặt nặng chuyện kinh doanh lỗ, lãi. Nghề này vốn nhiều vất vả, thức khuya, dậy sớm, phải nâng giấc cho từng mẻ trà sấy bằng phương pháp thủ công, những ngày nắng nóng, ít người chịu được sức nóng trong lò sấy than củi để sấy trà, bởi vậy nhiều hộ đã bỏ nghề. Nếu không tâm huyết thì không thể theo đuổi được nghề này. Biết nghề nhiều vất vả nhưng tôi vẫn muốn giữ nghề của gia đình, hiện tại tôi truyền bí quyết làm trà cho hai con trai và con dâu để các con tiếp tục gìn giữ”, nghệ nhân Xiêm chia sẻ.

Thương hiệu trà sen Tây Hồ

Năm nay nghệ nhân Ngô Văn Xiêm đã bước sang tuổi 77, gắn bó với nghề ướp trà sen mặc dù trải qua những vất vả nhưng chưa khi nào ông cảm thấy chán nản công việc hay mất đi tình yêu nghề. Theo lời kể của ông, tôi nhận thấy trong ông luôn có một niềm tự hào, hãnh diện về nghề với những cảm xúc khó có thể đo, đếm được. Ông như bị nghiện vị đậm chát của trà và bị say hương sen thanh khiết mà mê đắm gắn bó trọn đời. Với ông, làm trà sen là để gói những nét tinh hoa, đặc trưng của Hồ Tây gửi tới khách hàng trong nước và quốc tế để quảng bá thức trà nổi tiếng của làng Quảng An.

Bà Lưu Thị Hiền vợ nghệ nhân Ngô Văn Xiêm (người ướp trà sen số 1 Hà thành) đang cùng ông tách cánh hoa ra khỏi bông sen.
Bà Lưu Thị Hiền vợ nghệ nhân Ngô Văn Xiêm (người ướp trà sen số 1 Hà thành) đang cùng ông tách cánh hoa ra khỏi bông sen.

Nói về bí quyết để tạo ra những ấm trà sen mang hương vị đặc biệt của người Quảng An, nghệ nhân Ngô Văn Xiêm bộc bạch: “Làm trà sen đã lắm công phu, nhưng thưởng trà cũng phải đúng cách mới thấy hết hương thơm và sự đượm nồng của trà. Theo tôi để pha được ấm trà sen ngon thì phải chế vào ấm đất, ra lươn, nhỏ bằng nắm đấm tay. Khi pha cho một lượng trà vừa phải bằng cách chia một lạng trà pha ra được 14 ấm. Cứ như vậy sẽ có một tỉ lệ trà pha chế hợp lý. Tiếp đến là việc ướp sen trà, sen hái tốt nhất lúc trời vừa ửng sáng. Sen vừa nở, hương chưa kịp tỏa, sắc hoa thuần khiết. Bông sen quý nhất ở phần gạo sen, nằm bên trong cùng của bông hoa. Người làm phải nhẹ nhàng tách từng cánh to, một người khác tách từng cánh nhỏ, lại một người tách tua sen khỏi đài, lại một người đãi lấy phần gạo sen trắng muốt”.

Phóng viên trao đổi với bà Lưu Thị Hiền về quy trình ướp trà sen Tây Hồ.
Phóng viên trao đổi với bà Lưu Thị Hiền (vợ nghệ nhân Ngô Văn Xiêm) về quy trình ướp trà sen Tây Hồ.

Mỗi một mùa sen đi qua là thêm những trải nghiệm với nghề, không phải lúc nào cũng dễn dàng như mọi người nghĩ. Cũng chân nấm tay bùn, cũng gù lưng mỏi gối, cũng mắt mờ tay run với từng cánh hoa, nhụy hoa mới cho ra được hương vị tinh túy cho người đời thưởng thức. Không phải cứ truyền dạy bí quyết trên một hai trang giấy có thể nói hết về nghề. Muốn thành công thì trước hết phải tận tâm với nghề và sống với nó như máu thịt, nghệ nhân Ngô Văn Xiêm chia sẻ. Sen Hồ Tây mỗi năm chỉ nở một mùa, nhưng tiếng thơm của trà ướp hương sen Hồ Tây cùng người làm ra nó thì thơm mãi muôn đời.

Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm: Một đời tâm huyết với nghề ướp trà sen ở Tây Hồ - Ảnh 1
Nghệ nhân Ngô Văn Xiêm: Một đời tâm huyết với nghề ướp trà sen ở Tây Hồ - Ảnh 2
Sản phẩm trà sen Tây Hồ.
Sản phẩm trà sen Tây Hồ.

Phải nói, từng khâu để ra được thành phẩm là sen trà rất tỉ mỉ, nếu không xem tận mắt, mọi người khó mường tượng ra. Chính vì thế, mỗi cân trà sen hiện có giá bán 7 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Xiêm còn sản xuất trà bông sen. Giá mỗi bông dao động từ 35.000-50.000 đồng/bông. Với những tâm huyết trong nghề, đến nay trà sen của gia đình ông Xiêm đã được người tiêu dùng đánh giá cao. Sản phẩm đã được lựa chọn, cho phép phục vụ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Thủ đô Hà Nội năm 2019. Sau Hội nghị, ông Xiêm đã được Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phục vụ tại Hội nghị.

PHI LONG

Theo Kinh tế và đồ uống

Từ khóa: