Tuy không quen uống chè Tà Xùa nhưng Chum trà mang lại cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Chum trà làm tôi gợi nhớ đến cảnh các đạo sỹ ngồi thưởng trà bên cạnh suối ở những nơi non xanh nước biếc, trong khung cảnh thanh bình, tĩnh mịch. Có lẽ người tặng chè cho tôi cũng nghĩ vậy nên hộp chè được tặng với thái độ rất trân quý kèm theo lời dặn “Chè này để lâu là thành thuốc đấy”.
Tết vừa rồi, tôi được tặng một Chum Trà mang nhãn hiệu Bạch trà mây. Chè được đựng trong một hộp giấy rất to, cao 25 cm in cảnh rừng núi với màu sắc theo gam trầm. Trong hộp là một cái chum cao gần 20 cm. Một cái chum sành chính hiệu mầu sám sẫm, để mộc, không tráng men. Tôi nghĩ nếu thêm vào đây một tý đất bùn thì nó như được đào lên từ vùng đồi Phú Thọ cổ xưa. Quanh chum có lưới đan bằng dây gai giống như lưới ta làm để đựng quả thị. Sợi gai vẫn giữ mầu sắc nguyên bản, không tẩy trắng, được bện đơn giản, lỏng tay, trông hơi sù xì, tạo cảm giác như gặp một sợi dây gai của thời Lý, Trần. Phần giới thiệu sản phẩm được in trên giấy mỏng, màu vàng, loại giấy làm theo công nghệ của thế kỷ XIX, hơi giống giấy trong các sắc phong của nhà vua làm tôi nhớ đến câu thơ “Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Trong chum đựng 80 gam chè, theo giới thiệu thì đây là chè được thu hái từ các cây chè cổ thụ có tuổi đời vài trăm năm ở vùng Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La. Chè được sao tẩm theo một công nghệ riêng nên ta vẫn nhìn thấy cánh chè và có những ánh bạc ở lá chè, trông rất lạ mắt. Khi pha uống, tôi vẫn để vài phút chứ không phải 30 giây như trong hướng dẫn. Nước chè có mầu hơi đỏ, hương thơm nhưng không có vị chát. Do đã quen với gu chè Thái nên tôi giành chè này cho phái nữ trong nhà vì nghe nói uống chè này giúp cho ngủ tốt hơn.
Tuy không quen uống chè Tà Xùa nhưng Chum trà mang lại cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Toàn bộ phần bao gói thật giản dị, thanh nhã, tất cả đều có gam trầm, không ni lông, giấy thiếc với những chi tiết được tẩy trắng, mịn màng, sáng choang, dấu ấn của công nghiệp hiện đại. Chum trà làm tôi gợi nhớ đến cảnh các đạo sỹ ngồi thưởng trà bên cạnh suối ở những nơi non xanh nước biếc, trong khung cảnh thanh bình, tĩnh mịch. Có lẽ người tặng chè cho tôi cũng nghĩ vậy nên hộp chè được tặng với thái độ rất trân quý kèm theo lời dặn “Chè này để lâu là thành thuốc đấy”.
Tôi không biết giá hộp chè là bao nhiêu nhưng chắc là đắt. Đắt không phải chỉ ở giá trị của chè được thu hái từ những cây chè cổ thụ mà đắt ở đây còn ở sự sáng tạo trong bao bì sản phẩm, một bao bì đem lại cho người dùng cảm giác mộc mạc, nhẹ nhàng, thanh thản, gần gũi với thiên nhiên, với cội nguồn trong khung cảnh ồn ào, đầy chất hóa học của cuộc sống hiện đại. Vì vậy, dù biết là đắt nhưng tôi sẽ mua để làm quà tặng khi cần.
Sự sáng tạo trong bao bì của người sản xuất Chum trà đã làm tăng giá trị của sản phẩm lên hàng chục lần. Thật đáng khâm phục. Nhưng còn đáng khâm phục hơn vì đây là sự sáng tạo của bà con dân tộc trong Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc đóng ở Tà Xùa, Sơn La xa xôi, một trong những vùng nghèo nhất nước ta.
Việt Nam có hàng nghìn sản phẩm truyền thống của các địa phương, với sức sáng tạo vô hạn của những người yêu nghề, tôi tin rằng sẽ có ngày càng nhiều đổi mới về mẫu mã, bao bì, kiểu dáng… Đặc biệt là chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của người tiêu dùng, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho các làng nghề.
Nhất định sẽ là như thế!
Nguyễn Khắc Thịnh - Xuân Quý Mão
Theo: https://kinhtedouong.vn/nghe-thuat-nang-cao-gia-tri-san-pham-che-94152.html