Để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI đã gửi cho khách hàng với nội dung “thông báo về việc lãi xuất vay vốn bằng vàng".
Thời gian gần đây, người dân đặc biệt quan tâm đến văn bản thông báo về việc lãi xuất vay vốn bằng vàng vào tháng 9/2015, do bà Trần Như My - Giám đốc Kinh doanh vàng của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI ký gửi cho khách hàng với nội dung “thông báo về việc lãi suất vay vốn bằng Vàng”.
Theo đó, để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI thông báo, kể từ ngày 14/9/2015 cho đến khi có thông báo mới, DOJI thực hiện vay vốn bằng vàng của khách hàng theo hợp đồng vay vàng với lãi suất thỏa thuận, nhưng tối đa không quá các mức lãi suất và theo các quy định.
Cần kiểm tra hoạt động vay vốn bằng vàng - có lãi của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI
Trong đó tập đoàn trên quy định rõ như: Mức DOJI vay tối thiểu 5 lượng vàng SJC đối với một Hợp đồng vay vốn; khách hàng không thanh lý hợp đồng trước thời hạn; khách hàng có trách nhiệm đến các địa điểm giao dịch của DOJI để thanh lý Hợp đồng vay vàng; ngoài ra còn một số điều khoản khác…
Tuy nhiên, theo khoản 9, điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã quy định rõ: Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6, 7, 8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
Theo một số luật sư cho biết, việc huy động vàng - trả lãi của DOJI nếu đúng như phản ánh trong khi chưa có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép, thì doanh nghiệp này đã vi phạm Điều 12 và Điều 16, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Mặc dù chưa được Thủ tướng đồng ý, Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhưng DOJI đã huy động vàng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Hồng Vân, chuyên viên truyền thông của Công ty tập đoàn vàng bạc đá quý DOLI cho biết, việc vay vốn bằng vàng không phát sinh ra lợi nhuận, chỉ để phục vụ cho kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.
“Việc vay vốn bằng vàng đối với các tổ chức tín dụng đã bị cấm từ năm 2011, thông qua Thông tư 11. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, họ huy động nguồn vốn theo quy định của luật doanh nghiệp là doanh nghiệp có quyền quyết định vay vốn bằng các hình thức khác nhau của các tổ chức, hoặc cá nhân. Việc vay mượn với nhau thì theo luật dân sự.
Việc vay vốn bằng vàng, thì đôi khi vay phải trả lãi chứ không thu phí, mà cũng không giữ hộ vàng cho người dân, việc vay nguồn vốn đấy để phục vụ cho hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Bản thân việc đấy cũng không phát sinh lợi nhuận”, bà Vân cho biết.
Bà Vân cho biết thêm, đây là hoạt động bình thường và không đến mức nghiêm trọng, bất thường như một số thông tin đồn thổi.
“Tôi nghĩ đây là hoạt động hoàn toàn bình thường, chứ không có gì bất thường ở đây cả. Đây không phải là việc làm sai trái như một số thông tin đã phản ánh”, bà Vân biện minh.
Khi phóng viên đề cập đến giấy phép hoạt động với hình thức vay vốn bằng vàng thì bà Vân cho biết, sẽ cung cấp và trả lời bằng văn bản sau.
Trước hoạt động liên quan đến vay vốn bằng vàng – có lãi, dư luận nghi ngờ rằng Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI hoạt động như trên khi chưa được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép là vi phạm pháp luật.
Đồng thời, sự việc trên không được chấm dứt sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng khi giao dịch với DOJI.
Chí Nhân
theo GDVN