Nghỉ học, trẻ ở nhà dài ngày, thiếu sự tương tác với bạn bè, mất kết nối với môi trường xung quanh, lạm dụng thiết bị điện tử… khiến các nguy cơ mất cân bằng tâm lý ở trẻ độ tuổi mầm non diễn ra, nếu phụ huynh không phát hiện và có giải pháp thích hợp, có thể hậu quả sẽ nặng nề.
Chị N. L tại thành phố Hà Nội chia sẻ: Nhà mình có 2 bé trai 5 tuổi và 3 tuổi đang trong thời gian học mầm non, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh, bé đã nghỉ ở nhà từ hơn 6 tháng nay; Thời gian đầu bố mẹ đi làm nên chủ yếu để bé ở nhà, do không gian nhà nhỏ, không có chỗ để bé vui chơi nên chủ yếu bé xem tivi và điện thoại là nhiều.
Thời gian gần đây, gia đình nhận thấy bé có biểu hiện dễ cáu giận, mất bình tĩnh khi nói chuyện với bố mẹ hoặc khi hai anh em chơi với nhau. Bé có xu hướng ít nói chuyện với bố mẹ hơn, lười ăn uống và chủ yếu ngồi một góc để xem tivi. Gia đình có cảm giác bé không vui vẻ, hòa đồng và thể hiện tình cảm như thời gian trước đi học về.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà - Giảng viên Đại học Thủ Đô Hà Nội, Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm giáo dục trẻ em Ngày Mới, Trưởng nhóm dự án “Tư vấn tâm lý miễn phí cộng đồng” chỉ điểm một số biểu hiện và đưa ra lời khuyên nhằm giúp phụ huynh nhận biết những cảm xúc và phản ứng thường gặp ở trẻ và những giải pháp hỗ trợ tâm lý hiệu quả cho bé.
Trẻ dễ cáu giận, mất bình tĩnh và hiếu động
Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng, “không thể quản được trẻ khi ở nhà”, “sao trẻ có thể chạy nhảy được cả ngày”, “không thể ngồi yên được một lúc khi ở nhà” và “việc ở nhà trông trẻ là công việc cực nặng nhọc so với đi làm”,…
Ở nhà dài ngày, nhiều trẻ có cảm giác bị “giam lỏng” trong giới hạn ngôi nhà của chính mình. Và đây là trải nghiệm không dễ dàng gì đối với trẻ. Trẻ có thể tức giận với người lớn khi mọi việc không diễn ra theo ý của trẻ, trẻ dễ có những hành động mất bình tĩnh như nói to, ném đồ chơi hoặc la hét, hoặc ăn vạ, cáu giận hoặc thường xuyên nghịch phá, không nghe lời người lớn…
Trẻ có thể hờn dỗi và khóc lóc với các sự việc rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày như bị mẹ nhắc nhở do ngủ dậy muộn hoặc không được xem các chương trình mình yêu thích trên tivi.
Phụ huynh cần thấu hiểu những căng thẳng của trẻ trong giai đoạn này để có cách ứng phó phù hợp. Trẻ chưa có khả năng nhận diện rõ ràng về cảm xúc nên phụ huynh có thể giúp trẻ gọi tên cảm xúc, nói về cảm xúc của chính mình một cách trung thực mà không cần giấu giếm, phân tích để con hiểu những cảm xúc tiêu cực và ứng xử hiệu quả với các cảm xúc bột phát đó.
Hình tượng hóa các cảm xúc của trẻ thông qua việc sử dụng các biểu tượng mặt cười, mặt khóc, mặt tức giận; vẽ tranh cảm xúc bằng sáp màu hay sử dụng những câu chuyện xã hội nhằm hướng dẫn trẻ cách xử lý cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra phụ huynh có thể giải thích và cung cấp thông tin đúng cho trẻ về những gì đang diễn ra liên quan đến dịch bệnh, từ đó giúp trẻ có khả năng chấp nhận và dễ dàng thích nghi với điều kiện sống mới.
Trẻ uể oải, thiếu hứng thú với các việc thường ngày
Trẻ có thể cảm thấy không có hứng thú với các hoạt động hàng ngày, ví dụ như làm việc nhà, đọc sách hay trò chuyện cùng các thành viên khác.
Trẻ từ chối cả các hoạt động vận động hàng ngày trẻ vẫn thích như trượt ván, đi xe scooter hay các hoạt động chơi như ghép hình, lego, chơi đồ hàng, đọc sách... Có một số trẻ có dấu hiệu “nghiện” các thiết bị điện tử như ipad, tivi, điện thoại và cả ngày chỉ chú ý nhìn vào màn hình khiến cho cơ thể thiếu linh hoạt.
Khi tham gia các hoạt động khác trẻ có xu hướng mất tập trung, dễ bị xao nhãng vì môi trường xung quanh. Trẻ có biểu hiện phớt lờ khi người lớn yêu cầu, hoặc nói “con mệt” khi bị yêu cầu làm các việc thường ngày.
Để cải thiện điều này, việc xây dựng cho trẻ một thời gian biểu trong ngày với các hoạt động cụ thể, các phần thưởng con có thể đạt được khi hoàn thành công việc trong ngày. Có những lịch biểu cụ thể bằng hình ảnh vui nhộn và sinh động, gắn với các đồ vật, con vật mà trẻ thích. Cả bố mẹ cùng khen ngợi và tổng kết phần thưởng mỗi ngày cho bé.
Mặt khác, việc xem vô tuyến, điện thoại nhiều cũng dễ gây ra căng thẳng, lo âu cho trẻ. Vì vậy việc điều chỉnh lịch sinh hoạt, coi việc xem tivi chỉ là những phần thưởng khi con làm được những việc tốt như quét nhà giúp mẹ, lau bàn ghế giúp mẹ, hoặc chăm em giúp mẹ…. khiến trẻ có ý thức làm việc và giúp giải tỏa năng lượng tiêu cực hiệu quả hơn là cứ để cho trẻ xem thoải mái như là việc làm hiển nhiên của trẻ.
Trẻ thu mình, ngại giao tiếp và nói chuyện với người lớn
Sau thời gian ở nhà, nhiều trẻ có dấu hiệu trầm ngâm, ít nói và thường lảng tránh khi bố mẹ trò chuyện cùng con. Trẻ thu mình và gặp khó khăn trong việc diễn tả tâm trạng của mình, trẻ tỏ ra thiếu hợp tác nếu bố mẹ muốn tâm sự hoặc khơi gợi các câu chuyện nhằm giao tiếp với trẻ.
Trẻ không thích người khác động vào đồ chơi hay những đồ vật trẻ yêu thích và có xu hướng thích ở trong phòng riêng. Có một số trẻ có thể cảm thấy sợ hãi không hiểu mình đang gặp vấn đề gì.
Tâm trạng trẻ thay đổi nhanh chóng và thất thường. Khi có các tình huống xung đột xảy ra trẻ thiếu sự bình tĩnh để đưa ra cách giải quyết phù hợp, trẻ cảm thấy thật khó để đối thoại và diễn đạt những điều mình nghĩ.
Khi trẻ đang có những sự bất ổn về mặt tâm lý, kiệm lời và thiếu hoạt bát hơn so với ngày thường, phụ huynh cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn với con. Phụ huynh nên sử sụng nhiều thời gian để vui chơi cùng trẻ. Phụ huynh cần duy trì hoạt động giao tiếp thường xuyên với trẻ, nói với con những lời yêu thương và dành cho con nhiều sự quan tâm, vỗ về hơn.
Phụ huynh khuyến khích con nói chuyện với bố mẹ về bất kỳ vấn đề con có thể gặp phải và luôn sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của con một cách nghiêm túc nhất. Một số trẻ ngại nói chuyện trực tiếp thì có thể thông qua viết thư hoặc sổ nhật ký chung của cả nhà để kể ra câu chuyện của mình.
Ngoài ra phụ huynh có thể tạo cơ hội để con tự tin hơn thông qua việc giao nhiệm vụ vừa sức cho con như sắp xếp sách vở, dọn phòng hay làm việc nhà. Khi con hoàn thành nhiệm vụ bố mẹ có thể khen ngợi hoặc tặng thưởng cho con vì sự nỗ lực đó.
Trẻ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhịp sinh học
Việc ở nhà quá dài khiến cho nhiều gia đình bị đảo lộn nhịp sinh học, một số trẻ em gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giấc ngủ hàng ngày. Trẻ khó đi vào giấc ngủ, hay trằn trọc vào ban đêm.
Việc ngủ quá muộn vào buổi tối có thể dẫn đến khó khăn trong việc thức dậy vào ngày mai. Với những gia đình không chủ động điều chỉnh lại lịch sinh hoạt của toàn gia đình thường khiến trẻ có xu hướng ngủ rất muộn và thực dậy muộn…
Ngoài ra việc ít được vận động ban ngày hoặc vận động quá nhiều vào ban ngày cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ. Một số trẻ nhỏ còn có các dấu hiệu như ngiến răng hoặc đái dầm khi ngủ. Hoặc trẻ bị rối loạn vấn đề ăn uống như chán ăn, không muốn ăn hoặc ăn quá nhiều, có một số trẻ thường có dấu hiệu thèm ăn thường xuyên đặc biệt là ban đêm.
Chính vì vậy để điều chỉnh nhịp sinh học của trẻ phụ huynh nên xây dựng lịch sinh hoạt khoa học cho gia đình mình trong thời gian giãn cách, ngoài ra cần định hướng cho trẻ các hoạt động vận động trong nhà phù hợp cho trẻ tham gia.
Buổi tối nên khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động vận động nhẹ nhàng như đọc sách, nghe nhạc, hay ngồi thiền cùng bố mẹ. Phụ huynh cũng cần lưu ý lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh cho trẻ, hạn chế các loại thực phẩm công nghiệp, đồ ăn chiên rán và các thực phẩm chứa quá nhiều đường.
Để giúp trẻ thích nghi với những thay đổi, vượt qua sự căng thẳng, lo lắng là một thử thách lớn cho phụ huynh trong giai đoạn này. Hơn bao giờ hết, trẻ cần sự đồng hành, thấu hiểu và quan tâm sát sao từ phụ huynh để có thể vững vàng vượt qua căng thẳng và cân bằng tâm lý.
Thu Trang
Theo KTDU