Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố luật sáng 16/7) của văn phòng Chủ tịch nước, với 6 luật và luật sửa đổi, đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố luật sáng 16/7) của văn phòng Chủ tịch nước, với 6 luật và luật sửa đổi, đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Các luật được công bố gồm: Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. 4 luật còn lại, gồm: Luật Giáo dục đại học; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Công đoàn (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
|
Nghỉ thai sản 6 tháng sẽ được áp dụng vào thời điểm luật có hiệu lực - (Ảnh minh họa)
|
Luật giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ khắc phục nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách và tác động tích cực để đổi mới hệ thống giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước. Luật quy định 4 vấn đề mới cơ bản, gồm: Phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và vấn đề kiểm soát chất lượng đào tạo.
Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao gói hoặc điếu thuốc lá; buôn bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng.
Bộ Luật lao động (sửa đổi) có những quy định tiến bộ về tuổi nghỉ hưu, mức lương tối thiểu, chế độ nghỉ thai sản, tiền làm thêm giờ và số giờ làm thêm của người lao động…
Điểm mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) là tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng nhưng lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất đươc 4 tháng. Tuy nhiên, không phải đợi đến sau ngày 1/5/2013 mới áp dụng mà vào thời điểm luật có hiệu lực, lao động nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản từ trước vẫn được nghỉ 6 tháng theo quy định mới.
Luật quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá hai tháng.
Bên cạnh nội dung nghỉ thai sản cho lao động nữ, quy định về nghỉ lễ, tết cũng là nội dung đáng chú ý. Theo luật mới, sẽ có thêm 1 ngày nghỉ Tết, nếu ngày nghỉ trùng vào cuối tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, quy định có thêm 1 ngày nghỉ Tết chỉ được áp dụng khi hiệu lực thi hành luật mới được ấn định, tức là từ ngày 1/5/2013.
Các dịp nghỉ lễ của người lao động vẫn duy trì 1 ngày tết dương lịch, 1 ngày giải phóng miền Nam 30/4, 1 ngày quốc tế lao động 1/5, 1 ngày quốc khánh 2/9 và 1 ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch. Người lao động được phép nghỉ và hưởng nguyên lương trong trường hợp: kết hôn (3 ngày), con kết hôn (1 ngày), bố mẹ đôi bên, vợ chồng, con chết (3 ngày). Luật mới cũng quy định thêm 1 ngày nghỉ nhưng không hưởng lương khi ông bà, anh chị em ruột chết, bố mẹ hoặc anh chị em ruột kết hôn.
Với chế độ nghỉ phép, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương 12 ngày trong điều kiện công việc bình thường, 14 ngày với người làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 16 ngày với công việc đặc biệt nặng học, độc hại hoặc nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.
Cứ 5 năm làm việc, số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm 1 ngày. Người lao động có thể thỏa thuận để nghỉ hàng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm/lần.
Luật cũng giữ nguyên số giờ làm thêm người lao động là không quá 200 giờ/năm. Một số trường hợp đặc biệt, số giờ làm thêm được đẩy lên nhưng không quá 300 giờ/năm, do Chính phủ hướng dẫn.
Với luật lao động sửa đổi, sẽ có khoảng 15 triệu lao động chịu tác động.
Lan Anh
Theo Infonet