Sự kiện hot
13 năm trước

Nghi vấn giấu lỗ của SBS

Vào thời điểm khó khăn nhất của thị trường chứng khoán (CK), Công ty cổ phần (CP) CK Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) vẫn công bố lãi 100 tỉ. Nhưng đến thời điểm CK phục hồi mạnh đầu năm 2012, SBS đột ngột công bố con số lỗ gây sốc, lên trên 1.424 tỉ đồng.

Vào thời điểm khó khăn nhất của thị trường chứng khoán (CK), Công ty cổ phần (CP) CK Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) vẫn công bố lãi 100 tỉ. Nhưng đến thời điểm CK phục hồi mạnh đầu năm 2012, SBS đột ngột công bố con số lỗ gây sốc, lên  trên 1.424 tỉ đồng.

Lỗ gây sốc

Từ năm 2009 - 2010, SBS liên tục công bố lãi, gần đây nhất là cuối năm 2010, SBS vẫn công bố đạt lợi nhuận 101,25 tỉ đồng và các cổ đông vẫn được chia cổ tức 6%. Tuy nhiên đến hết năm 2011, SBS báo cáo lỗ hơn 788 tỉ đồng. Khi đó, ông Nguyễn Hồ Nam - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty (CT) SBS giải thích “do điểm rơi của thị trường không đúng với dự tính” nên theo các cổ đông này vẫn chấp nhận vì thực tế tình hình thị trường CK ảm đạm. Hơn nữa, họ tin rằng SBS đã và đang là một trong những CTCK lớn trên thị trường và có định hướng tiến lên thành một tổ chức đầu tư tài chính. Đằng sau SBS còn là một ngân hàng mạnh như Sacombank nên nhiều nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phiếu (CP) này trong thời gian khá lâu, từ mức giá bình quân cao ngất ngưởng là 35.000 đồng/CP.

Thế nhưng đến hết 3 tháng đầu năm nay, SBS tiếp tục công bố lỗ thêm gần 800 tỉ đồng khiến tổng số lỗ lũy kế lên hơn 1.424,138 tỉ đồng, cao hơn vốn điều lệ 1.266 tỉ đồng. Nghĩa là SBS đã bị mất hết vốn. Đang là 1 trong 5 CTCK lớn nhất, SBS trở thành công ty có mức thua lỗ nặng nề nhất trong 700 công ty niêm yết trên thị trường. Cựu Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Hùng trong công văn gửi Sở Giao dịch CK TP.HCM (HOSE) giải thích, thị trường năm 2011 khó khăn khiến doanh thu sụt giảm; tăng dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn và dài hạn; tăng chi phí hoạt động doanh nghiệp... Trên thực tế, những lý do này không có gì mới và là vấn đề của tất cả các công ty đều phải đối mặt.

Việc đang từ lãi chuyển sang lỗ quá mạnh, trong một thời gian ngắn như SBS đang gây bức xúc cho các cổ đông. Nghi án SBS chủ trương giấu lỗ đang được đặt ra. Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, các doanh nghiệp có thể giấu lỗ thông qua các bút toán trên báo cáo tài chính như giảm trích lập dự phòng đầu tư tài chính, thực hiện động tác bán ra rồi mua lại sau,... Trong khi đó, Ban kiểm soát đã không làm tròn chức năng và không phát huy được vai trò độc lập. Ban điều hành đã cố tình giấu lỗ thì Ban kiểm soát cũng khó có thể phát hiện.

Các nhà đầu tư nhỏ đang nắm giữ CP SBS ngồi trên lửa - Ảnh: TTXVN

Nguy cơ trắng tay

Việc lỗ, lãi bất thường của SBS gây thiệt hại cực lớn cho các cổ đông. Nguy cơ trắng tay đối với họ là hoàn toàn có thể xảy ra. Tính ở các phiên giao dịch cuối năm 2010, khi công ty này vẫn công bố lãi, giá CP của SBS là 34.000 đồng/CP. Nếu nắm giữ đến giữa tháng 6.2011, khi giá SBS giảm chỉ còn 10.000 đồng/CP, nhà đầu tư sẽ mất đi 70% số tiền trên. Tính đến kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá CP SBS chỉ còn 3.900 đồng/CP, tỷ lệ lỗ của nhà đầu tư lên tới hơn 90%. Với con số lỗ đã lớn hơn vốn điều lệ như công bố của SBS nói trên, coi như vốn góp của cổ đông đã hoàn toàn biến mất. Đó là chưa kể SBS hoàn toàn có khả năng bị hủy niêm yết trong thời gian tới thì nhà đầu tư cũng sẽ hoàn toàn trắng tay bởi khi đó CP chỉ là những tờ giấy lộn.

Điều đáng nói là, trong những tháng đầu năm nay khi các con số thua lỗ của SBS lần lượt được công bố, nhiều thành viên Ban điều hành và HĐQT của SBS đã bán ra toàn bộ số CP đang nắm giữ tại SBS. Cụ thể ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT, đã bán ra toàn bộ 446.380 CP từ ngày 30.3 - 23.5. Ông Đinh Hoài Châu - Phó chủ tịch HĐQT, đã bán ra toàn bộ 204.913 CP từ ngày 30.3 - 25.5. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Tổng giám đốc SBS, đã bán 175.000 CP (chỉ còn lại 32.000 CP) từ ngày 30.3 - 5.4. Ông Mạc Hữu Danh - Phó chủ tịch HĐQT cũng bán ra 144.000 CP và còn giữ lại 100.000 CP... Cũng vào tháng 11.2011, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) - thành viên sáng lập của SBS đã công bố bán 48,13 triệu CP (tương đương 38% vốn điều lệ SBS) và chỉ còn nắm giữ 13,87 triệu CP (tương đương 10,95% vốn của SBS). 

Có gì liên quan giữa việc thoái vốn này và nghi án giấu lỗ của SBS ?

Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty luật Basico, cho rằng luật Doanh nghiệp đã quy định rõ trách nhiệm của những người điều hành công ty, trong đó có thể phải bồi thường thiệt hại nếu trường hợp làm sai hay cố tình gây thua lỗ cho công ty. Trong trường hợp SBS, các cổ đông có quyền yêu cầu HĐQT mới tiến hành làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan hoặc khởi kiện để yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên điều đó tùy thuộc vào việc HĐQT mới có thực hiện quyền đó hay không? Vì theo quy định, các cổ đông bên ngoài không thể đơn phương đứng ra khởi kiện ban điều hành cũ được mà phải là đại diện của doanh nghiệp. Nếu không khởi kiện hay yêu cầu bồi thường, HĐQT mới phải có trách nhiệm giải thích rõ với các cổ đông về những thua lỗ trong thời gian qua.

Để làm sáng tỏ những nghi vấn xoay quanh việc có hay không “giấu lỗ trong thời gian dài”, hôm qua, SBS cho biết đã chọn Công ty kiểm toán Ernst & Young - là đơn vị chưa bao giờ kiểm toán tại SBS trước đây, tiến hành việc “kiểm toán soát xét đặc biệt” nhằm phân tích và đánh giá thực trạng tài chính của SBS tại thời điểm ngày 30.6.2012. Thời gian kiểm toán dự kiến 2 tháng bắt đầu từ ngày 1.7. Sau khi có kết quả, SBS sẽ công bố thông tin về thực trạng tài chính, định hướng tồn tại và phát triển của SBS.

Theo Thanhnien

Từ khóa: