Trong những năm gần đây, lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng liên tục với tốc độ khá nhanh ở mức 11-70% mỗi năm, trung bình đạt xấp xỉ 20%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng, trong khi đó, năng suất lao động vẫn còn thấp.
Tại Hội thảo “Tiền lương và Năng suất Lao động ở Việt Nam” diễn ra sáng 13/9, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng nhanh hơn năng suất lao động v có khả năng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, và quan trọng hơn làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Lương vượt năng suất lao động
Theo đại diện VEPR, từ kết quả nghiên cứu thực chứng về các xu hướng gần đây của lương tối thiểu, lương trung bình và năng suất lao động có thể thấy, trong giai đoạn 2007-2015, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động.
Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã dãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, trong vòng 8 năm (tính đến năm 2015) lương trung bình tại Việt Nam tăng 1,5 lần.
Đáng chú ý, lương trung bình tăng nhanh đến năm 2010 nhưng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2010-2014, phần nào phản ánh sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo thời gian.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Ông Thành cho rằng, mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghịch lý do đâu?
Nhóm nghiên cứu nhận định, đối với người lao động làm công ăn lương (không bao gồm công nhân viên chức, cũng như các đối tượng làm việc tại cơ quan hành chính sự nghiệp của Nhà nước) từ đủ 15 tuổi trở lên, nghiên cứu cho thấy, một bộ phận lớn người lao động làm việc tại các hộ gia đình, hay hộ sản xuất và kinh doanh cá thể nhận lương thấp hơn mức lương tối thiểu vào năm 2014.
Đối với người lao động làm công ăn lương, có hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, nhà nước và FDI (khu vực chính thức), tỷ lệ người lao động có thu nhập cao hơn lương tối thiểu là cao. Mức tỷ lệ này còn cao hơn đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành chế biến, chế tạo.
Nghiên cứu của VEPR chỉ ra rằng mức tăng lương tối thiểu vùng đang cao hơn tốc độ tăng trưởng năng suất lao động
Phân tích về xác suất một cá nhân có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu, VERP đã chỉ ra rằng, nhìn chung, lao động trẻ tuổi (hoặc lớn tuổi), có trình độ học vấn tương đối thấp, người làm việc không có hợp đồng (không được tham gia vào bảo hiểm xã hội) là những người có khả năng cao bị trả dưới mức lương tối thiểu.
Thêm vào đó, hệ thống lương tối thiểu hiện nay dường như không bao hàm đầy đủ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Điều này cho thấy việc áp dụng lương tối thiểu như một chính sách bảo trợ xã hội (nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và giảm nghèo) có thể không phát huy tính hiệu quả.
Ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần có một cơ quan giám sát và thúc đẩy năng suất cho toàn bộ nền kinh tế. Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động.
“Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn”, ông Fujita Yasuo nói.
Thanh Hoa - Tương Mai