Sự kiện hot
9 tháng trước

Ngôi chùa duy nhất thờ tự hơn 500 nhà báo cách mạng Việt Nam

Chùa Âu Lạc (Chùa Da) một ngôi chùa cổ linh thiêng tồn tại theo lịch sử, là nơi duy nhất lập nên một ban để thờ tự 511 liệt sỹ nhà báo, phóng viên trên cả nước hi sinh trong thời chiến và thời bình.

Ngôi chùa linh thiêng

Chùa Âu Lạc tọa lạc ở làng Lộc Đa trước đây, nay thuộc xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc, TP. Vinh, Nghệ An. Đây được xem là ngôi chùa cổ với những trầm tích giá trị lịch sử lớn, linh thiêng. Chùa nằm trên khuôn viên có diện tích 10.000m2, chùa Âu Lạc từng có 03 gian làm bằng gỗ lim, lợp ngói âm dương. Năm 1964, chùa bị tháo dỡ, các tượng Phật, đồ tế khí đều bị thất lạc, chứng tích còn lại là giếng nước và nền móng của ngôi chùa cổ...

Chùa Âu Lạc được phục dựng lại để du khách thập phương đến thắp hương, vãn cảnh

Chùa Âu Lạc còn có tên gọi là Âu Lạc Cổ Tự hay chùa Da. Chùa được xây dựng vào thời vua Thành Thái (1889 - 1907). Tên cũ là chùa Âu Lạc nhưng do ở cạnh cây Da cổ thụ, bên một giếng cổ, nên nhân dân gọi nôm là chùa Da.

Đặc biệt trong phong trào Xô Viết, các ông Hoàng Văn Bá, Dương Xuân Kiên là các đảng viên Chi bộ Lộc Đa đã lấy chiếc trống đại trong chùa đưa đi đánh, cổ vũ tại cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Bến Thủy. Sau này, chiếc trống trở thành hiện vật lịch sử, giờ đang được lưu trữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trải qua bao thăng trầm của đất nước vì sự linh thiêng của ngôi chùa, những dấu tích của ngôi chùa cũng bị bào mòn theo thời gian, với mong muốn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân xung quang, và cũng có nơi để lưu giữ các chứng tích lịch sử mà ngôi chùa đã được phục dựng lại.

Bức tượng phật linh thiêng vừa mới được phục dựng, là nơi để mọi người đến xin thẻ xăm đầu năm cầu cho một năm may mắn

Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4927/QĐ-UBND.NV ngày 19/10/2017 cho phép khôi phục, tôn tạo chùa Âu Lạc (chùa Da), do Đại đức Thích Đồng Quế trụ trì. Đến nay ngôi chùa đã được trang hoàng khang trang, sạch sẽ, thu hút các tăng ni, phật tử, du khách thập phương về thắp hương, vãn cảnh.

Thờ tự 511 nhà báo cách mạng Việt Nam

Đến với chùa Âu Lạc du khách không chỉ được chiêm ngưỡng không gian trang trọng, yên tĩnh của chùa mà đây còn là nơi duy nhất của cả nước có bàn thờ tự lập riêng để thờ tự 511 liệt sỹ là nhà báo, phóng viên trên cả nước đã hi sinh trong hai cuộc chiến tranh khốc liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Nơi thờ tự 511 nhà báo cách mạng Việt Nam tại chùa Âu Lạc

Đây là hơn 500 liệt sỹ được nhà báo Trần Văn Hiền- Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An đã tìm, lên danh sách và được sư trụ trì Thích Đồng Quế đích thân tổ chức buổi đại lễ cầu siêu để đưa các liệt sỹ về chùa Âu Lạc để thờ tự.

Mong cho các anh, những người lính, những người chiến sỹ có nơi để các thế hệ con cháu mai sau tưởng nhớ, biết ơn những người đã mang đến những thông tin, tư liệu, hình ảnh từ chiến trường chân thực và sống động nhất lưu lại để chúng ta, những thế hệ đi sau biết đến một thời kỳ bom đạn ác liệt, những hi sinh mất mát của đồng bào để bảo vệ lấy sự bình yên cho đất nước hôm nay.

Được biết, Trong 511 liệt sỹ là nhà báo, phóng viên trong cả nước được thờ phụng tại đây chỉ có 15 liệt sỹ được tìm thấy phần mộ...

Hình ảnh một số nhà báo cách mạng Việt Nam được lưu giữ tại chùa Âu Lạc

Chùa Âu Lạc không chỉ là nơi thờ các liệt sỹ mà còn là nơi trưng bày nhiều kỷ vật thiêng liêng của các phóng viên, nhà báo như bút, máy ảnh, mũ… Trong đó có 01 chiếc bút Kim Tinh của một phóng viên hy sinh năm 1963 để lại; 01 chiếc máy ảnh của một nhà báo trước lúc hy sinh gửi lại đồng đội cất giữ.

Từ sau khi các liệt sỹ nhà báo, phóng viên được thờ tự ở đây hàng năm đến ngày 21/6 Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các cơ quan quản lý báo chí và các phóng viên, nhà báo thường đến đây để thắp hương tỏ lòng thành kính đối với những liệt sỹ đã hi sinh.

Ngoài ra, đến ngày thương binh liệt sỹ 27/7 hàng năm chùa Âu Lạc cũng tổ chức đại lễ cầu siêu cho 511 nhà báo cách mạng Việt Nam đã anh dũng hy sinh.

Diễm Phước

Theo KT&ĐU

Từ khóa: