Sự kiện hot
13 năm trước

Ngôi làng làm giàu bằng nghề nấu cao... dỏm

Để nấu một con trăn nặng cỡ 30kg thì chỉ được độ 3kg cao nguyên chất. Tuy nhiên, với lượng cao thu được như thế sẽ không bán được vì giá sẽ rất cao. Để hạ giá thành, thì phải có chiêu trò. Người Phú Cường nấu con trăn 30kg, sẽ cho ra nồi khoảng… 35 đến 40kg cao!

Để nấu một con trăn nặng cỡ 30kg thì chỉ được độ 3kg cao nguyên chất. Tuy nhiên, với lượng cao thu được như thế sẽ không bán được vì giá sẽ rất cao. Để hạ giá thành, thì phải có chiêu trò. Người Phú Cường nấu con trăn 30kg, sẽ cho ra nồi khoảng… 35 đến 40kg cao! 

Cao hổ được cho là một loại dược liệu quý hiếm, có tác dụng bồi bổ cơ thể rất tốt, chính vì vậy mua được cao hổ đích thị là rất khó, thậm chí có nhiều tiền cũng không mua nổi. 

Ở nước ta, hổ ngoài tự nhiên gần như đã tuyệt chủng. 

Hổ là một loài động vật đã được ghi trong sách đỏ, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Theo ghi nhận, ở nước ta chỉ còn vài chục con hổ hoang dã. Ấy vậy mà, theo lời đồn, ở làng Phú Cường (Lãng Công, Sông Lô, Vĩnh Phúc) lại có nguồn nguyên liệu xương hổ rất dồi dào để nấu cao phục vụ cho hàng vạn người chữa bệnh(?!).

Câu chuyện nấu cao hổ ở ngôi làng này cứ hư hư thực thực lan truyền khắp cả nước.

Lật tẩy trò lừa

Một lần, đến nhà người quen buôn bán thuốc Bắc ở phố Lãn Ông, tôi gặp một đội quân gồm 4 người đi xe máy, chở sau là hộp các-tông cỡ lớn. Họ dựng xe trước một cửa hàng Đông dược và trò chuyện với ông chủ. Tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng họ trao đổi, đại để có những từ “hổ, cao...”. 

Xương hổ?

Anh bạn tôi, chủ hiệu thuốc mời họ vào nhà. Hóa ra họ đang rao bán… xương hổ! Để người mua tin đó là cao hổ thật, họ đã chở cả bộ xương hổ nguyên vẹn đến tiếp thị rồi tuyên bố sẽ nấu ngay tại chỗ. 

Chỉ một loáng, những chiếc xương sườn, xương sống, xương chân... của một “con hổ” đã được dựng lại y nguyên, có cả răng nanh và đuôi. 

Anh bạn tôi xem xét từng mẩu xương, rồi nhặt lấy một mảnh. Anh bôi chút hóa chất lạ vào mảnh xương đó, rồi cho tiếp xúc với ngọn lửa nhỏ. Anh bạn tôi ném khúc xương trả lại. Anh bảo: “Số xương này gồm xương trâu, xương bò, xương gấu, xương sơn dương, xương chó”. 

Ảnh: Hoàng Anh Sướng 

Nghe anh bạn tôi, một chuyên gia nấu cao hổ lâu năm nói thế, nhóm thanh niên kia tái mặt, dọn hàng rồi chuồn thẳng. Anh bảo, mấy ông bán “xương hổ” dạo kiểu lừa đảo này toàn là dân làng Phú Cường. Làng ấy có truyền thống nấu cao hàng trăm năm nay. Nhưng giờ biến chất rồi, toàn nấu cao giả.

Nghe anh bạn nói thế, tôi tìm đường đến làng Phú Cường.

Bao nhiêu cao hổ cũng có

Làng Phú Cường khá giàu có, sầm uất, nhà cao tầng mọc san sát. Theo một số người dân, nấu cao là nghề truyền thống đã có từ nhiều đời nay ở Phú Cường.

Xưa kia, làng chuyên nấu cao trăn. Người Phú Cường lang bạt khắp nơi để bán loại cao này. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, cao giả xuất hiện nhiều, người tiêu dùng mất niềm tin, nên người Phú Cường phải mang theo trăn đi khắp nơi, cho khách hàng mục sở thị hình dáng con trăn rồi mới nấu trước sự chứng kiến của mọi người. 

Xẻ thịt hổ để nấu cao. Ảnh: Hoàng Anh Sướng.

Thế nhưng, trăn thì đắt, cao thì rẻ, làm thế nào để có lãi? Dân Phú Cường buộc phải nghĩ cách kiếm lời. Thế là sinh ra các trò lừa đảo.

Tôi tạt vào một ngôi nhà 4 tầng to vật vã nằm ngay đầu làng. Gian nhà thật to song chỉ bán vài thứ hàng tạp phẩm và nước mía.

Tôi gọi cốc nước mía và tiếp chuyện với bà chủ. Tôi hỏi: “Ở đây có bán cao không?”. Bà chủ quán nhìn tôi như dò xét rồi nói: “Không có”. 

Xương hổ được cho vào nồi để nấu. Ảnh: Hoàng Anh Sướng. 

Tôi giới thiệu là chủ của một đại lý Đông dược rất lớn ở Hà Nội, mỗi tháng cần trên dưới tạ cao trăn nguyên chất, và rất muốn tìm người am hiểu thu gom giúp.

Nghe tôi nói thế, bà liền thay giọng, rồi sán lại gần tôi tiếp thị: “Chú tìm đúng điểm mua rồi đấy. Nhà tôi đã 10 đời làm cao và có uy tín nhất làng. Loại cao tôi nấu là trăn rừng đặt mua của người dân tộc chuyên đi săn. Những nhà khác toàn cao pha chế, trăn mua ở Hà Nội chuyển lên, nuôi theo kiểu công nghiệp nên chất lượng thua xa”.

Bà ta thao thao kể về chất lượng, tính năng cũng như giá cả rất mềm và phục vụ tận tình. Nếu đặt mua đều và với số lượng lớn thì bà ta có thể mang về tận Hà Nội miễn phí. 

Cao hổ!

Nói dứt lời, bà đi vào trong nhà và lát sau mang ra một bọc to đùng được gói cẩn thận bằng giấy báo. Những miếng cao trăn to như viên gạch có màu thẫm được gói một lượt bằng lớp nilon mỏng.

Bà ta cắt một miếng nhỏ và cho vào chén rượu. Lát sau miếng cao tan vào rượu và có màu đục nhờ nhờ như màu nước gạo. Bà ta nói rằng đó là cao nguyên chất.

Tôi hỏi giá cả thế nào, bà đon đả: “Em mua nhiều thì chị lấy giá hữu nghị thôi, 150 ngàn/lạng”. Nghe người phụ nữ này phát giá cao trăn mà tôi choáng. Trăn hơi có giá 300 đến 500.000 đồng/kg. Mỗi kg trăn chỉ nấu được 1 lạng cao. Nếu bán với giá 150.000 đồng/lạng, thì không hiểu lãi thế nào?

Cao lông để xẻ thịt. Ảnh: Hoàng Anh Sướng.

Tôi ngỏ ý muốn tìm nguồn cao hổ để chế vài loại thuốc quý phục vụ khách VIP. Ban đầu bà ta lắc nguây nguẩy kêu không thể kiếm được cao hổ. Tuy nhiên, tôi cố tình thuyết phục rằng, chỉ cần có cao thật, giá cả không quan trọng, thì bà ta lại chạy vào nhà trong lôi ra một gói cao thâm sì, to bằng nửa viên gạch. Bà nói rằng đây là cao hổ, sản phẩm độc nhất vô nhị ở làng này.

Bà ta khoe rằng, tháng trước 3 anh em nhà chồng chung tiền mua một bộ xương hổ cỡ 20kg, đưa từ Lào về. Giá mỗi kg xương là 20 triệu, mỗi kg nấu được 2 lạng cao.

Bà bảo rằng chồng bà không muốn bán, để bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tôi cần thì bà ta châm chước, để cho với giá 10 triệu đồng/lạng.

Tôi ngỏ ý muốn có cao thật và khi nào có sẽ mua với số lượng lớn, tức thì bà ta mừng ra mặt và hứa sẽ cung cấp đầy đủ cao hổ nguyên chất. Bà ta còn khẳng định, muốn tận mắt chứng kiến xương hổ và theo dõi quá trình nấu cao thì bà ta sẽ sẵn sàng phục vụ. 

Ảnh: Hoàng Anh Sướng.

Thế rồi bà ta dẫn tôi đi xem khu bếp hóa kiếp trăn, hổ thành cao. Ngoài cái giá chứa xoong nồi, chai lọ đựng đủ thứ nguyên liệu đen sì thì chỉ có một chiếc nồi gang cỡ lớn đặt trên chiếc bếp than to đùng dùng để ninh xương.

Trước khi rời nhà bà ta, tôi còn để lại một lời hứa suông rằng vài hôm nữa sẽ đưa chuyên gia lên xác định chất lượng cao hổ. Bà ta hào phóng cắt tặng tôi miếng cao hổ to bằng quả nhót, tính ra giá tiền cũng phải bạc triệu. Bà cũng cho tôi số điện thoại, địa chỉ liên lạc. Bà bảo ở tỉnh Vĩnh Phúc này, nhắc đến Kỳ - Mậu, tên bà và chồng, thì nhiều người biết, bởi gia đình bà nổi đình nổi đám về nấu cao hổ!

30kg trăn nấu được… 40kg cao!

Làng Phú Cường hiện có khoảng 30 gia đình chuyên nấu “cao hổ” và có đến cả trăm người ở làng này chuyên vác xương hổ đểu đi khắp đất nước để lừa đảo người dễ tin.

Quả thực, với người hiểu biết chút ít thì khó có thể tin được ở đây có cao hổ và cao trăn nguyên chất, bởi vì với giá bán 150.000/lạng cao trăn và 10 triệu đồng/lạng cao hổ, người nấu cao lỗ là cái chắc.

Theo Tuấn, một tay từng làm nghề nấu cao tha hương thì trò lừa cao hổ là một nghệ thuật siêu đẳng và nấu cao trăn với giá rẻ mà có lãi là cả một quá trình tìm tòi của cả làng và nó trở thành bí quyết của họ.

Một con trăn 30kg nấu được... 40kg cao! 

Tuấn cùng vài người nữa từng lang bạt kỳ hồ, lừa đảo khắp đất nước, biến xương trâu xương chó thành xương hổ. Tuy nhiên, người đời ngày càng khôn, khó lừa, nên gã đã bỏ nghề từ mấy năm nay. Hiện tại, Tuấn mở xưởng làm kem và sống tạm với nghề. Giờ gã chẳng giấu giếm bí quyết nấu xương trâu, xương chó ra cao hổ nữa.

Tuấn bảo rằng, để nấu một con trăn nặng cỡ 30kg thì chỉ được độ 3kg cao nguyên chất. Tuy nhiên, với lượng cao thu được như thế sẽ không bán được vì giá sẽ rất cao. Để hạ giá thành, thì phải có chiêu trò. Người Phú Cường nấu con trăn 30kg, sẽ cho ra nồi khoảng… 35 đến 40kg cao!

Để có được nồi cao lạ lùng như thế, người Phú Cường phải tống nhiều loại cây cỏ trong rừng vào nồi cao. Mùi hương của cao chính là hương hồi, hương chi. Mật ong sẽ giữ nguyên màu đen, tạo độ cứng cho bánh cao.

Cao trăn chủ yếu được nấu từ thịt. Họ không hề nấu xương trăn, mà nghiền xương thành bột mịn rồi trộn vào cao thịt cùng lá thuốc cho được nhiều.

Xương hổ được làm giả từ rất nhiều loại xương như xương trâu, xương bò, xương ngựa, kể cả xương lợn, tuy nhiên xương gấu khiến chuyên gia về lĩnh vực nghiên cứu động vật cũng khó có thể phát hiện ra được.

Xưa kia, làng Phú Cường nổi tiếng với nghề nấu cao xịn, thì giờ đây, người Phú Cường đang làm giàu với nghề nấu cao… dỏm.

An Thái Duy
Theo VTCNews


Từ khóa: