Một nhà khoa học đã phát minh ra ngón tay robot (ngón thứ 6 trên bàn tay), có thể thêm chức năng cho người thường.
Trường hợp đầu tiên sử dụng chi giả được ghi nhận cách đây 5.000 năm khi một chiến binh Ấn Độ quay lại chiến trường bằng chân sắt mặc dù bị thương, theo văn bản tiếng Phạn cổ đại còn lưu lại.
Từ đó tới nay, chi giả đã được sử dụng để thay thế các bộ phận bị mất do chấn thương hoặc bệnh tật. Tuy nhiên, nhà phát minh Dany Clode quyết định sử dụng chi giả theo cách khác: khám phá chức năng mới của cơ thể con người.
Bà vừa cho ra mắt ngón tay robot có tên "Ngón cái thứ 3", người dùng có thêm khả năng nắm quả bóng rổ, bắt tay, vươn ngón tới những nốt khó chơi của hợp âm guitar.
Ngón cái thứ ba có nhiệm vụ thay đổi cách nhìn của mọi người về chi giả, bằng cách chuyển sự tập trung từ "sửa chữa" khuyết thiếu sang "mở rộng khả năng" của cơ thể, Dany Clode cho biết.
Sản phẩm được gắn vào bàn tay và kết nối với một cặp mô-tơ nhỏ buộc cổ tay. Những mô-tơ này cho phép ngón tay cầm nắm vào xoay.
Người dùng điều khiển ngón tay sử dụng cảm biến lực tích hợp trong giày. Những cảm biến được kết nối tới mô-tơ ở cổ tay qua Bluetooth, cho phép điều khiển ngón tay robot bằng hệ thống dây tương tự phanh xe đạp.
Tác giả cho biết những cảm biến lực cho phép người dùng dễ dàng điều khiển ngón tay do chúng là điện trở biến đổi, phản ứng tốt với những thay đổi về áp suất cũng như tốc độ.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất mà nhà nghiên cứu phải đối mặt đó là tìm ra chất liệu phù hợp cho sản phẩm. Sau nhiều thử nghiệm, ngón tay robot được tạo ra trong máy in 3D từ chất liệu sợi tổng hợp cứng nhưng linh hoạt có tên NinjaFlex.
Việc sử dụng chân để điều khiển ngon tay robot nghe khó thực hiện nhưng tác giả chỉ ra rằng mọi người hầu như luôn dùng cả hai bộ phận này cùng lúc, ví dụ như khi lái xe, dùng máy khâu hay chơi piano.
Dany Clode, người New Zealand hiện sinh sống tại London, vừa tốt nghiệp thạc sỹ ngành thiết kế sản phẩm tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Anh. Đây cũng là cái nôi của những sáng tạo khoa học có ứng dụng cao trong cuộc sống như xe đạp leo tường, quần áo lớn theo người dùng, thiết bị nghe nhạc gắn trên da, các loại bát đĩa silicon...
Hoàng Phương
Theo ĐSPL, Vietnammoi