Mỗi miền quê trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta lại có những thứ đặc sản tạo nên hồn cốt riêng của địa phương đó mà nơi khác không có được. Hưng Yên quê tôi may mắn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp cho sự phát triển của cây nhãn, đặc biệt là trái nhãn lồng thơm ngọt nức tiếng một vùng xưa nay.
Có lẽ bao nhiêu tinh tuý của đất trời đã dồn tụ cho hương vị ngọt thơm hấp dẫn đến độ khó cưỡng để nhãn lồng được coi là một trong năm mươi thứ đặc sản ngon nhất Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi người dân Hưng Yên. Về quê vào những ngày nhãn đang chín rộ, một cảm giác thật tuyệt vời khi được ngắm nhìn những chùm quả trĩu nặng, đang rủ xuống, chỉ đợi bàn tay người tới hái; được thưởng thức những trái căng mọng nhất với vị ngọt sắc như dòng mật tứa ra tan chảy nơi đầu lưỡi để cảm nhận được sự đê mê sung sướng của trái ngon nhớ lâu. Lại được tham quan những cơ sở làm long nhãn truyền thống của người thân và bà con làng xóm. Bao kí ức tuổi thơ tôi lại ùa về theo dòng hồi tưởng.
Nhớ những mùa nhãn xưa…
Quê tôi xưa kia là một xã thuần nông nghèo của huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Người dân nơi đây hiền hoà, thuần hậu, chất phác, chỉ biết trông cậy vào mấy sào ruộng khoán, vụ được vụ mất. Cuộc sống còn lam lũ đói nghèo. Tuy là đất nhãn nhưng loại cây này chưa được trồng nhiều. Cũng chưa có những giống nhãn chọn lọc, cho năng suất và chất lượng như bây giờ. Các gia đình thường trồng cây nhãn thóc, nhãn nước, nhãn cùi, hiếm mới có nhãn đường phèn. Đến mùa quả chín, nhà nào có cây thì bớt lại một hai chùm thắp hương, còn lại bó thành từng túm mang ra chợ bán. Bao nhiêu thứ chi tiêu trông chờ vào đó cả. Bọn trẻ đứa nào đứa ấy hau háu thèm, chỉ biết đi tìm nhặt những quả rơi rụng sau đống cành lá hoặc “mót” lại trên cây khi người lớn vừa thu hoạch xong. Những con mắt nhìn như “thôi miên” vào những chùm quả của nhà ai đó chưa bẻ. Nhãn đã trở thành thứ xa xỉ với tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy.
Nhãn ngoài việc đem ra chợ bán, còn được dùng để làm long, một thức quà quý dùng để biếu và làm vị thuốc bồi bổ sức khoẻ xưa nay. Trong làng cũng chỉ có một số nhà làm long nhãn. Các công đoạn chủ yếu được làm hoàn toàn thủ công. Quả nhãn sau khi được sấy trong lò than hoặc củi thì dùng tay tách lớp vỏ giòn bên ngoài, tỉ mỉ, khéo léo bóc, gỡ từng chút lớp cùi màu nâu sẫm bên trong dính sát vào hạt, cho ra mâm hoặc dần, sàng, nong, nia, tiếp tục phơi thêm một vài nắng nữa rồi mới cho vào phên, đưa vào lò sấy tiếp. Cánh long khi ra lò không được tròn đẹp như bây giờ mà thường bị rách và ẹp xuống do quá trình bóc tay, lớp cùi đã cô lại, khó vẹn nguyên được. Màu sắc cũng không được vàng cánh gián mà thường có màu nâu sẫm, nhìn không “bắt mắt” cho lắm. Các chủ lò cả đợt làm được khoảng một hai tạ long là nhiều rồi. Trẻ con nghỉ hè thường theo người lớn đi bóc thuê. Ngồi miết cả ngày nóng bức cũng chỉ được vài nghìn tiền công. Thế là mừng lắm rồi, thêm thắt vào để mua sách vở, áo quần cho năm học mới.
Nhộn nhịp mùa nhãn ngày nay
Nhiều năm trở lại đây, thấy được giá trị kinh tế của nhãn nên nhiều hộ dân quê tôi đã đầu tư, chuyển đổi sang trồng loại cây này để đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, nhãn được trồng ở khắp mọi nơi, không chỉ ở vườn quê mà còn dày đặc nơi ruộng đồng, bờ bãi ven sông, triền đê, hai bên đường… Đâu đâu cũng có bóng nhãn thân thương hiền hoà bao phủ, mát rượi. Những giống nhãn ngon nhất được lựa chọn để trồng và chăm sóc cẩn thận. Đầu tiên phải kể đến nhãn lồng, được xem là “vua” của các loại nhãn, đặc biệt thơm ngon với quả to tròn, da láng, màu vàng nâu nhạt, cùi dầy trắng ngà, giòn dai, ngọt lịm, thơm mát đến lạ kì. Chẳng thế mà nhà bác học Lê Quý Đôn thời Hậu Lê thế kỉ XVIII, khi được vua ban thưởng nhãn, ông đã viết: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì ngập tận chân răng, lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”. Tiếp đến là nhãn đường phèn, giống nhãn cổ rất ngon, quả to vừa, vàng suộm, hạt nhỏ tí, có vị ngọt thơm tinh khiết như đường phèn. Rồi nhãn Hương Chi (ban đầu được trồng trong vườn nhà cụ Hương Chi ở phường Hồng Châu, thị xã Hưng Yên nên có tên gọi như vậy). Đây là giống nhãn rất đặc biệt, ra nhiều đợt hoa, năng suất ổn định, ít mất mùa. Quả đậu thành chùm nặng trĩu tới một vài kg. Khi chín, mã rất đẹp, cùi dày, giòn, ngọt đượm, thơm mát, hạt nhỏ, vỏ mỏng, dễ bóc. Giống nhãn này hiện rất được ưa chuộng không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn nhiều nơi khác trong cả nước.
Về quê vào mùa nhãn chín thật là tuyệt vời, khác hẳn những năm tuổi thơ của chúng tôi trước đây. Vừa được ngắm nhìn “đã mắt”, vừa được thưởng thức những trái tươi ngon tuyệt đỉnh khi vừa hái xuống. Thời điểm nhãn chín rộ là vào khoảng từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 âm lịch, cũng đúng lúc học sinh được nghỉ hè nên có thời gian phụ giúp gia đình. Từ sáng sớm, trên các đường làng ngõ xóm đã đông người qua lại. Chủ nhà, thương lái cùng thợ bẻ nhãn tấp nập xung quanh các vườn cây sai trĩu quả, vừa tới “nước” (theo con mắt “nhà chuyên môn”) để bắt đầu thu hoạch. Những chùm quả căng bóng, màu vàng tươi hoặc nâu thẫm được nhẹ nhàng cắt/ bẻ xuống, còn lẫn cả lá xanh, xếp thành từng đống gọn gàng. Sau đó, những quả được chọn lọc, phân loại để đưa vào sọt, vào xe máy, xe thồ, quang gánh để bán buôn, bán lẻ ở các chợ lớn, chợ nhỏ, đầu dốc, dọc đường đi… Chỗ nào cũng ăm ắp nhãn. Hương thơm thanh khiết dịu ngọt lan toả khắp không gian như mời gọi, như níu chân người đi. Bàn tay của những người bó nhãn, xếp nhãn thật khéo léo để lộ những chùm quả to đều chằn chặn như cái chén con, nhìn mà thích mắt! Người bán người mua nhộn nhịp, hể hả. Khách thoải mái được thưởng thức những trái nhãn tươi ngon nhất để lựa chọn mua làm quà. Một thức quà biếu đầu bảng, đậm tình quê hương.
Chẳng thế mà các cụ ta xưa đã đúc kết “Thứ nhất quà nhãn, thứ nhì quà na, thứ ba quà hồng”. Cũng bởi nhãn thơm ngon bổ dưỡng, rất tốt cho hệ thần kinh, giúp ngủ sâu, người già khoẻ mạnh, minh mẫn nên tục ngữ đã có câu “Trẻ ăn na, già ăn nhãn” là như vậy. Thật tự hào về một loại quả quý đã làm đẹp thêm danh tiếng của một vùng đất và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, làm giàu cho quê hương.
Mùa nhãn quê tôi còn đông vui nhộn nhịp hơn bởi những cơ sở làm long sấy gia truyền đến mấy đời trong làng xã. Số hộ làm nghề cũng tăng lên. Các phương tiện, máy móc được đầu tư hơn hẳn trước đây. Lò sấy điện sạch sẽ, tiện dụng đã thay thế cho các lò sấy bằng than hoặc củi. Chỗ ngồi mát mẻ, có điều hoà hoặc quạt công nghiệp quay vù vù. Tiếng nói cười râm ran, chuyện trò vui vẻ, gắn kết làng trên xóm dưới. Người lớn, trẻ con xoáy long nhoay nhoáy bằng công cụ chuyên dụng (bút xoáy). Không còn cảnh bóc tay như trước nữa. Những cùi nhãn trắng muốt, tròn trịa, đều tăm tắp được cho vào các khay inox để sấy. Ai cũng thi nhau làm nhanh và khéo nhất, được nhiều sản phẩm nhất. Bình quân mỗi người một ngày bóc được từ 25 - 50 kg quả, tương ứng với 100 - 200 ngàn đồng. Không khí làm việc thật vui tươi, đầm ấm mà không kém phần tấp nập, khẩn trương tại những nhà chủ lò.
Đã bao mùa nhãn như thế đi qua trong cuộc đời của mỗi người dân quê tôi. Ngọt ngào và nhớ thương. Sâu nặng và nghĩa tình. Có đi đâu, ở đâu cũng luôn tự hào về một loại cây đặc sản đã làm nên thương hiệu độc quyền của quê hương và góp phần đưa cuộc sống đi lên. Lại nhớ đến câu ca dao xưa: “Dù ai buôn Bắc bán Đông/ Cũng không quên được nhãn lồng Hưng Yên”.
Phạm Thị Hường
Theo KTĐU