Sự kiện hot
6 năm trước

Ngược miền trung du nghe điệu hát xoan Phú Thọ

Ngược dòng về miền trung du đất Tổ, lắng nghe những câu chuyện của người đi trước, hiểu hơn về điệu thức hào hùng của cha ông…

Phú Thọ là nơi có kho tàng tri thức dân gian phong phú về mỹ thuật, nghề thủ công, y học, ẩm thực... và độc đáo hơn cả là hệ thống các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn dân tộc. Lễ hội ở Phú Thọ mang nhiều yếu tố của lễ hội người Việt nhưng lại mang những sắc thái văn hóa cổ đặc sắc của vùng trung du với những nét văn hóa gốc. Với tổng số gần 100 lễ hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có 47 lễ hội được thường xuyên tổ chức, mỗi dịp xuân mới đã thu hút hàng chục vạn đến vài triệu lượt người tham gia trẩy hội đất cội nguồn.

Những ngày cuối năm, theo chân đoàn khách du lịch cội nguồn, chúng tôi tìm về Hùng Lô ngôi làng cổ nằm trên địa bàn Kinh đô Văn Lang - Trung tâm của Trang Khổ Lãm cổ xưa mang tên An Lão nay là xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, Phú Thọ để được hòa mình vào những phiên chợ quê tấp nập, thăm những ngôi nhà cổ, được trải nghiệm cách làm bánh chưng. Nhưng đặc biệt hơn cả là lắng nghe những điệu hát xoan ngọt ngào vừa thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa của nhân loại.

Tương truyền, Hoàng hậu của vua Hùng mang thai, đến kỳ sinh nở đau bụng mãi mà không sinh được. Người hầu nữ thấy vậy tâu rằng: Có nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi nên đón về múa hát để Hoàng hậu đỡ đau và có thể sinh nở được. Khi ấy, vợ Vua Hùng đang lên cơn đau đẻ dữ dội, bà gọi Quế Hoa vào cạnh giường và múa hát. Quế Hoa trổ tài hát hay, múa dẻo, tay uốn, chân đưa, người mềm như tơ, Hoàng hậu và mọi người đều rất say mê. Vợ vua Hùng trong khi mải xem nàng Quế Hoa múa hát nên quên cả đau đẻ và đã sinh hạ được ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Vua Hùng thấy thế, hết lời khen ngợi Quế Hoa và truyền cho các mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy để hát mừng trong dịp lễ hội mùa xuân vì thế được gọi là hát Xuân và gọi lái sang là hát Xoan.

Nghệ sỹ nhân dân hát xoan Nguyễn Thị Lịch - phường xoan An Thái chia sẻ: “Hát xoan hiện nay có 31 điệu xoan cổ được chia thành ba chặng hát: Hát nghi lễ - Hát quả cách – Hát hội. Trong đó, chặng hát thứ nhất và thứ hai người ta hay gọi là hát muôn đình vì hát ở cửa đình. Nhạc cụ chỉ có trống và phách, các nghệ sỹ tự tạo bài hát thành nhạc để hát.

Khi trống và phách cất lên, đào hát tay uốn, chân nhón, mắt đưa, mắt hướng thẳng vào Thượng cung. Tất cả phải hòa quyện nhịp nhàng, nếu chỉ có một phách sai là coi như bài xoan không còn giá trị nữa. Các nghệ sỹ cũng không thể tiếp tục biểu diễn. Đó là nét đặc biệt nhất của Xoan. Trang phục của Xoan cũng đơn giản, áo tứ thân màu sậm, váy đụp và chít khăn mỏ quạ. Trùm phường xoan sẽ tìm người kế cận để truyền lại phải là người thấu hiểu, có uy tín trong dòng tộc mới được trao là “Trùm hát”.

Khi cái rét ngọt xen lẫn những làn mưa xuân nhè nhẹ hiện hữu nơi trung du, phường Xoan chuẩn bị những canh hát thể hiện những ước vọng về sự đủ đầy và ngập tràn hạnh phúc. Người nghe được đắm mình trong những khúc hát cổ, cảm nhận được tấm lòng thành kính của con dân Lạc Việt ngàn năm với Vua Hùng, Tổ tiên.

Bên cạnh những điệu hát xoan, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng 5 cỗ kiệu cổ tại đình Hùng Lô, tham quan các ngôi nhà cổ. Hiện nay, Hùng Lô có 50 ngôi nhà cổ còn được gìn giữ, nhà cổ đặc biệt với kiến trúc được xây dựng đã lâu, tất cả đều bằng các loại gỗ quý như mít, nghiến, lim,... tạo nên sự kết hợp hài hòa cho ngôi nhà. Cánh cửa được làm rộng với ý muốn không khí được lưu thông giúp cho ngôi nhà được thông thoáng, bậc cửa cao với ngụ ý khi bước vào nhà việc đầu tiên là phải gập người để lễ bái trước các vị Tổ tiên trong nhà. Những ngôi nhà cổ này thường được người dân xã Hùng Lô chọn làm nơi gói bánh chưng để dâng lên đền Hùng mỗi dịp có lễ hội, đêm Giao thừa và phục vụ du khách tham quan.

Từ ngàn đời nay, qua bao mùa xuân, lễ hội hát xoan có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần có chất lan tỏa của từ thành thị tới nông thôn của người dân đất Tổ. Vừa thành kính tâm linh vừa có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, khơi dậy lòng kính trọng đối với Tổ tiên, với những vị thánh hiền đã có công với nước, đồng thời phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Kết thúc hành trình, chúng tôi ai cũng vui vẻ với những vật phẩm mua được ở chợ quê, đặc biệt là những chiếc bánh chưng gói và nấu tại ngôi nhà cổ.

Ra về, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đó câu hát:

“Ru hời hời hỡi i a, hời ru hời
Ru hời ru, ứ ru tình ru
Tay nâng chén muối i a, gừng đĩa gừng
Chứ gừng cay i, gừng vay muối mặn i a
Đừng xin đừng, xin đừng quên nhau chứ ta ru hời…”

Câu hát như nhắn lại rằng, gốc rễ cội nguồn của chúng ta luôn đằm thắm, yêu thương đùm bọc lẫn nhau dù trong bất cứ hoàn cảnh nào!

Hà Nhung
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: