Ngoài hàng loạt giải thưởng danh giá, Giáo sư (GS) Charles Cường Nguyễn còn là người tham gia thiết kế cánh tay robot xây dựng trạm không gian cho NASA.
Ngoài hàng loạt giải thưởng danh giá, Giáo sư (GS) Charles Cường Nguyễn còn là người tham gia thiết kế cánh tay robot xây dựng trạm không gian cho NASA.
Nhiều năm qua, GS Cường Nguyễn trở thành tên tuổi lừng danh trong lĩnh vực khoa học điện tử thế giới. Ông có rất nhiều đóng góp cho ngành điều khiển tự động và robot thông qua hàng trăm bài viết, nghiên cứu khoa học. Nhiều tổ chức, hiệp hội khoa học kỹ thuật quốc tế liên tục vinh danh vị GS này vì những thành tựu xuất sắc của ông.
GS Charles Cường Nguyễn còn là người đề xuất và tổ chức chương trình phát triển cánh tay robot để tham gia xây dựng trạm không gian của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Chương trình này đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều thiết bị tự động khác.
Bên cạnh đó, ông còn đạt được không ít thành công trong sự nghiệp giảng dạy và quản lý đào tạo. GS Charles Cường Nguyễn là người gốc Việt đầu tiên giữ chức trưởng khoa tại một trong những đại học hàng đầu nước Mỹ. Đặc biệt, năm 2004, GS Cường Nguyễn được Tổng thống Mỹ George Bush bổ nhiệm làm thành viên ban giám đốc của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Trong cương vị này, ông đã tham gia tích cực các hoạt động bảo trợ học bổng cho sinh viên (SV) Việt Nam du học tại Mỹ từ năm 2004 - 2007. Đến nay, ông vẫn thường xuyên hợp tác cùng các ĐH trong nước để tạo điều kiện trao đổi, nghiên cứu giảng dạy cho SV Việt Nam.
Mới đây, Thanh Niên đã phỏng vấn GS Cường Nguyễn để được chia sẻ về những trải nghiệm của ông.
Nhiều năm qua, GS đạt được không ít giải thưởng. Trong số đó, ông tâm đắc với giải thưởng nào nhất và vì sao?
Tôi tâm đắc nhất là giải thưởng Thành tựu trọn đời được Tổ chức World Automation Congress (WAC) trao tặng. Là một tổ chức uy tín và rất lớn tại Mỹ, WAC quy tụ hàng ngàn hội viên nổi tiếng trong lĩnh vực tự động. Thành viên của WAC đều là những người nổi tiếng trong ngành điều khiển thông minh và người máy. Vì thế, được nhận giải thưởng trọn đời từ WAC là sự công nhận từ các đồng nghiệp cùng ngành đối với những đóng góp của tôi. Tôi xem đây là một vinh dự lớn lao.
Được biết, GS từng làm việc cho NASA. Ông có thể chia sẻ thêm về công việc tại cơ quan này?
|
Những giải thưởng nổi bật
Năm 1989 ông được trao tặng Giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc của CUA; Giải thưởng Giám đốc dự án xuất sắc của Trung tâm không gian Kennedy (Mỹ -1996); Giải thưởng Vinh danh của ĐH George Washington (2002); Giải Vinh danh trọn đời của Tổ chức World Automation Congress vì những đóng góp cho lĩnh vực ứng dụng điều khiển thông minh và robot (2004); Giải thưởng Tầm nhìn lãnh đạo và những đóng góp cộng tác học thuật và quốc tế của Tổ chức Nghiên cứu và đào tạo kỹ thuật quốc tế (2007); Giải Thành tựu trọn đời, vì những đóng góp xuất sắc cho lĩnh vực robot và điều khiển thông minh, của Liên hội Kỹ sư và kiến trúc sư thủ đô Washington (Mỹ - 2009).
|
|
Từ năm 1986 - 1996, có thể được gọi là “kỷ nguyên vàng của người máy”, tôi có cơ hội làm việc với NASA trong cương vị GS tại Trường Catholic University of America (CUA). Khi đó, tôi đã viết kế hoạch gửi đến NASA đề nghị cơ quan này nên dùng người máy để xây dựng trạm không gian quốc tế. Sau đó, NASA tài trợ cho chúng tôi số tiền khoảng 1,4 triệu USD để nghiên cứu áp dụng người máy trong việc xây dựng trạm không gian. Sau 10 năm nghiên cứu, tôi và các SV cao học cùng một số tiến sĩ đã chế tạo ra một cánh tay người máy. Cánh tay robot này có độ chính xác đến từng 0,01 mm nên được NASA chấp nhận dùng để xây dựng trạm không gian. Về sau, nền tảng cơ sở của cánh tay người máy này còn được không quân Mỹ dùng để phát triển người máy nạp bom cho các chiến đấu cơ.
Được biết, GS từng là thành viên ban giám đốc của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). Qua đó, ông đã có nhiều lần tiếp xúc với SV Việt Nam. Ngoại trừ Anh ngữ, GS cho rằng đâu là rào cản lớn khác mà SV Việt Nam phải vượt qua?
Tôi được Tổng thống Mỹ George Bush bổ nhiệm làm thành viên ban giám đốc của VEF do Nhà Trắng tài trợ, trong giai đoạn từ 2004 - 2007. Nhờ đó, tôi có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với các SV Việt Nam. Ngoài khó khăn về Anh ngữ, tôi nghĩ SV gặp trở ngại về phương pháp nghiên cứu. Theo tôi biết, SV Việt Nam được dạy dỗ theo kiểu từ chương và học thuộc lòng. Vì thế, họ không có cơ hội để chuẩn bị về khuynh hướng nghiên cứu. Trường kỹ sư của tôi hiện có khoảng 30 SV đến từ Việt Nam, thông qua những chương trình đào tạo mà chúng tôi hợp tác với các trường uy tín tại Việt Nam như: ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Quốc tế, ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Vì hạn chế trong khuynh hướng nghiên cứu, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian và công sức để huấn luyện những SV Việt Nam nhằm giúp các bạn ấy có thể tham gia nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường chúng tôi. Qua kinh nghiệm trên, các SV Việt Nam nên chú trọng vào khuynh hướng nghiên cứu bằng cách tham dự những hội thảo hay các khóa huấn luyện kỹ năng nghiên cứu.
Cánh tay robot trên trạm không gian - Ảnh: Reuters
GS đang giữ vị trí Trưởng kỹ sư của CUA, vì thế rất mong GS chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý giáo dục?
Từ năm 2001, tôi đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng của Trường Kỹ sư thuộc CUA và rất hãnh diện là người Việt Nam đầu tiên giữ vị trí này. Hiện tại, trường của tôi có khoảng 400 SV bậc ĐH, 150 SV cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ cùng 50 GS. Quản lý một trường như thế có rất nhiều thử thách. Với các GS, tôi luôn đối xử công bằng với họ, hứa gì phải làm đúng như thế. Đối với các SV và phụ huynh, vấn đề phục vụ và chất lượng của chương trình đào tạo là rất quan trọng. Trường chúng tôi là trường tư nên học phí rất cao, phụ huynh và SV luôn kỳ vọng vào chất lượng giảng dạy cao. Vì thế, chúng tôi luôn phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, chú ý đến cách đào tạo của các GS và thường xuyên hiệu chỉnh các thiếu sót. Chúng tôi luôn hướng đến việc các SV tốt nghiệp với nền tảng căn bản trong ngành kỹ thuật để có thể thành công cả trong công việc lẫn học tập nếu họ tiếp tục theo đuổi chương trình cao học, tiến sĩ.
GS Charles Cường Nguyễn sinh trưởng tại Đà Nẵng (Việt Nam) và du học bậc trung học tại CHLB Đức từ năm 1971. Năm 1978 ông nhận bằng kỹ sư điện tử hạng ưu của ĐH Konstanz, sau đó, ông sang Mỹ để tiếp tục học tập và nghiên cứu. Năm 1980, ông nhận bằng thạc sĩ của ĐH George Washington (Mỹ). Hai năm sau, ông được trao học vị TS khoa học cũng tại đây. Sau đó, ông đảm nhiệm vai trò trợ lý GS tại CUA.
Năm 1987, ông được phong PGS tại CUA. Năm 1992, ông trở thành GS ngành kỹ thuật điện tử của CUA.
Từ năm 2001 đến nay, ông là Hiệu trưởng Trường Kỹ sư thuộc CUA.
|
Ngô Minh Trí
Theo Thanhnien