Sự kiện hot
7 năm trước

Người dân Chương Mỹ vượt khó sau lũ

Hơn một tuần sau khi gánh chịu sự càn quét của cơn lũ lớn nhất tính từ năm 2008, vùng đất Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn gặp rất nhiều những khó khăn. Tuy vậy, bà con nơi đây vẫn lạc quan với tinh thần sống chung với lũ…

Những ngày cuối tháng 10, đường dẫn vào thôn Nhân Hòa, xã Tốt Động, Chương Mỹ vẫn còn ngập trong nước lũ… Dù những ngày gần đây, mực nước lũ đã rút xuống đáng kể, nhưng ở những hộ dân ven sông Bùi, thế đất trũng nên vẫn phải “sống chung với nước lũ”. Không chỉ vậy, nước còn dâng cao tràn vào đường đi, cách đường đi chưa đến 1m là bờ của con sông Bùi, kể cả những cống thoát nước cũng ngập sâu trong nước lũ.

Đi sâu vào thăm những hộ dân sống sát bờ con sông Bùi, khu xóm nhỏ còn khá yên tĩnh bởi phần lớn người dân đi chạy lũ ở các xóm trên chưa về. Chỉ cử 1 đến 2 người ở lại trông nom nhà cửa, vật nuôi trong nhà. Khắp con xóm nước tràn lênh láng, có những chỗ ngập đến đầu gối người lội. Vật nuôi trong nhà như gà, lợn... được người dân di chuyển lên tầng cao, hoặc đưa đi gửi nhà người quen ở trên đê.

Thóc lên nấm mốc không thể sử dụng. Ảnh: Lan Hương

Ghé thăm nhà bà Đỗ Thị Lưu (thôn Nhân Hòa, xã Tốt Động) - một trong những ngôi nhà nằm đối diện với sông Bùi và chịu ảnh hưởng của lũ đầu tiên, bà cho biết: “Tính từ năm 2008 đến bây giờ, đây là trận lũ lớn nhất mà bà được chứng kiến. Nhà có đàn gà cũng trôi theo nước lũ gần hết, còn một con bò được xã trợ cấp giống nuôi thì phải cho chạy lũ trên đê không cũng mất trắng… nước sử dụng ăn uống hằng ngày là nước giếng, may mắn nước vẫn chưa bị nhiễm bẩn”.

Cùng với hoàn cảnh, ngôi nhà của bà Đoàn Thị Loan (thôn Nhân Hòa, xã Tốt Động) cũng sống chung với lũ hơn một tuần qua. Ngôi nhà hai tầng chất đầy những bao thóc mới gặt chưa kịp phơi sấy thì lũ tràn về, gần chục bao thóc mốc không thể sử dụng.

Cụ bà dùng chổi dọn bùn sau mùa lũ. Ảnh: Lan Hương

Bà Loan cho biết, đây là đợt ngập thứ hai trong năm nay. Đàn gà nhà bà nuôi nhốt trên tầng tránh lũ cũng tự bay xuống nước chết gần hết. Biết trước đang đến tháng nước dâng, bà cùng gia đình dự trữ sẵn đồ ăn nước uống trong nhà, lũ về thì cho trẻ con di cư lên xóm trên, ông bà cùng hai người con trai ở lại chăm non nhà cửa, dọn dẹp nhà sau lũ.

Ngoài thiệt hại về tài sản, sau trận mưa lũ còn xuất hiện một vài người mắc bệnh sốt virus. Bùn đất mỗi vùng lũ đi qua để lại ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân nơi đây.

Lạc quan trước khó khăn…

Thôn Nhân Hòa, xã Tốt Động là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đến từ đợt bão lũ vừa qua. Nhưng trải qua hơn một tuần sống trong lũ, người dân sống trong thôn vẫn giữ một tinh thần lạc quan, từng ngày khắc phục hậu quả do lũ để lại.

Bà Nguyễn Thi Gái, năm nay đã bước sang tuổi 81 vẫn nhiệt tình chia sẻ những câu chuyện quanh mùa nước lên. Bà nói, từ ngày nước rút, ngày nào bà cũng ra quét bùn dưới lòng đường để khi nước rút cạn không gây ô nhiễm. Chưa kể còn phòng được bệnh tật như sốt virus hay muỗi vằn. Đôi tay đưa chổi quét bùn, bà cười tâm sự: "Coi như bà thể dục buổi chiều, chờ ông từ trên xóm về ăn cơm."

Dù còn gặp nhiều vất vả, chịu ảnh hưởng lớn trong cơn bão vừa qua nhưng người dân thôn Nhân Hòa, xã Tốt Động vẫn từng ngày làm quen với việc "sống chung với lũ", khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Lan Hương 
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: