Các nhà hàng đang trải qua giai đoạn thực sự khó khăn khi giá tôm trên thị trường trong những tháng gần đây chạm mức cao nhất trong 14 năm qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: abcnews.go.com)
Hội chứng tôm chết sớm (EMS) khiến sản lượng tôm ở Đông Nam Á - khu vực xuất khẩu tôm lớn của thế giới - giảm mạnh và đẩy giá lên cao ngất ngưởng.
Các nhà kinh doanh đứng trước bài toán khó: Nâng giá thực đơn sẽ làm mất uy tín với khách hàng nhưng nếu không tăng thì lợi nhuận sụt giảm.
Cục thống kê lao động Mỹ cho hay EMS hay bệnh do vi khuẩn khiến tôm chết sớm là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá tôm tại Mỹ trong tháng 3/2014 tăng 61% so với cùng kỳ năm 2013.
Mặc dù bệnh dịch này không gây nguy hại cho người tiêu dùng, nhưng lại khiến tôm con được nuôi trồng ở Đông Nam Á chết hàng loạt và làm cho nguồn cung tôm giảm đáng kể.
Ca nhiễm EMS xuất hiện lần đầu tiên ở miền Nam Trung Quốc hồi năm 2009, sau đó dịch này bắt đầu lan rộng sang các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Việt Nam, Malaysia và kế đó là Thái Lan.
Hồi năm ngoái, Mexico cũng thông báo phát hiện bệnh dịch trên tại nước này. EMS phá hủy hệ tiêu hóa của tôm con và làm 90% số tôm nhiễm hội chứng này bị chết.
Trước năm 2013, Thái Lan là nước xuất khẩu tôm lớn nhất sang Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 2013, xuất khẩu tôm của Thái Lan sang nền kinh tế lớn nhất thế giới này giảm 38% và để mất vị trí là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ vào tay Ấn Độ.
Năm 2013, thị trường tôm thế giới trải qua cuộc “khủng hoảng” về giá tôm, do sản lượng tôm chân trắng từ hai nước xuất khẩu lớn là Trung Quốc và Thái Lan giảm mạnh.
Theo số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong năm 2013, giá tôm chân trắng tại Mỹ và EU đã tăng 4 USD/kg và tại Nhật Bản tăng 3-5 USD/kg.
Xu hướng tăng giá vẫn tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2014. Tại Mỹ, giá tôm chân trắng trong tháng 2/2014 đã tăng lên 13 USD/kg, so với 12,5 USD/kg hồi đầu năm.
EMS, với hệ quả là nguồn cung giảm và chi phí nhập tôm tăng vọt, đang gây tổn thất không nhỏ cho cả các nhà hàng, khách sạn lẫn siêu thị, bởi tôm là thực phẩm ngày càng được người tiêu dùng tại Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới dùng để thay cho thịt. Mặc dù chứa hàm lượng cholesterol cao, song tôm lại có hàm lượng chất béo thấp và độ đạm cũng như axít béo omega-3 ở mức cao.
Theo thống kê của Chính phủ Mỹ, mỗi người dân nước này tiêu thụ khoảng 1,72kg tôm trong năm 2012, gấp hai lần mức tiêu thụ của năm 1984. Tuy nhiên, do giá tăng, người tiêu dùng đang cắt giảm món ăn được yêu thích này.
James Johnson, một người “hâm mộ” món tôm ở Chicago, cho hay anh đang phải cắt giảm món ăn ưa thích của mình là súp tôm khoai tây, do giá cả đắt đỏ. Anh tâm sự: “Tôi đã không làm món này một thời gian. Tôm khá đắt.”
Tại chuỗi nhà hàng Noodles & Co., thực khách giờ đây phải trả thêm 3,34 USD cho lựa chọn tôm ăn với món pasta, cao hơn so với mức 2,59 USD năm 2013.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Noodles, Kevin Reddy, nói: “Chúng tôi vẫn muốn cung cấp lựa chọn này. Ngay khi chi phí trở lại mức cũ, chúng tôi sẽ quay về mức giá trước đây.”
Đối với Darden Restaurants Inc. tại Orlando, Florida (Mỹ), công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Red Lobster, chi phí tôm đã tăng khoảng 35% trong quý vừa qua, khiến cho chi phí kinh doanh của Red Lobster trong tài khóa 2014 bị đội thêm khoảng 30 triệu USD so với tài khóa trước đó.
Chiến dịch khuyến mại mang tên “Endless Shrimp” (Tôm bất tận) dự kiến được tung ra vào tháng Tám tới có lẽ sẽ gây thêm sức ép cho Red Lobster.
Năm 2013, chỉ với 15,99 USD, khách hàng có thể ăn tôm thoải mái (không giới hạn số lượng) và được kèm thêm món salad trộn và bánh bơ tròn.
Chuỗi nhà hàng Red Lobster hồi năm 1974 đã góp phần phổ biến các món ăn từ tôm, cua với việc giới thiệu món tôm bao chiên (popcorn shrimp) tại Mỹ.
30 năm sau, Red Lobster tung ra chiến dịch mang tên “Endless Shrimp” nhằm khuyến khích tiêu dùng với khẩu hiệu mọi người đều có thể ăn tôm.
Ngay cả các chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh cũng đã bán các món ăn nhanh chế biến từ tôm. Chẳng hạn như Burger King Worldwide Inc. đã đưa vào thực đơn món salad tôm từ năm 2004.
Justin Sikora, phát ngôn viên của Darden Restaurants Inc., chưa đưa ra bình luận gì về giá tôm cũng như kế hoạch trong tương lai cho chương trình "Endless Shrimp."
Trong cuộc họp qua điện thoại hồi tháng trước, Giám đốc tài chính Darden Restaurants Inc., Bradford Richmond, cho hay tình hình có tiến triển tốt hơn nhưng dự báo giá tôm sẽ chưa thể dịu lại trước đầu tài khóa 2015.
Bubba Gump Shrimp Co. thuộc sở hữu của công ty Landry’s Inc. cho đến nay vẫn chưa tăng giá thực đơn vì giá tôm tăng. Công ty này dự báo chi phí tôm sẽ tăng khoảng 20% trong năm nay.
Giám đốc điều hành Bubba Gump Shrimp Co., Tilman Fertitta, nói: “Liệu giá trên thực đơn có tăng để đối phó với chi phí leo thang. Chúng ta sẽ chờ xem trong mùa Hè này.”
Chi phí đầu vào tăng không tránh khỏi ảnh hưởng tới lợi nhuận của các cửa hiệu và nhà hàng có món tôm là một trong những món chủ đạo trong thực đơn.
Tại Cheesecake Factory (chuyên về món tôm chiên bột với bánh mỳ vụn và món sốt tôm-gà) lạm phát thực phẩm sẽ tăng tới 4% trong năm nay, chủ yếu do giá tôm và giá cá hồi tăng. Sự gia tăng về chi phí có thể khiến cho lợi nhuận của Cheesecake Factory giảm 10 xu Mỹ/cổ phiếu trong năm 2014.
Popeyes Louisiana Kitchen Inc. có vẻ đi ngược với xu hướng trên khi quyết định không tăng giá, mặc dù chi phí tôm tăng thêm 40% và chi phí này chưa thể sớm trở lại mức bình thường trước quý 4/2014.
Công ty kinh doanh chuỗi nhà hàng này - với khoảng 1.770 cửa hiệu tại Mỹ và khá thành công với thực đơn chế biến từ gà với chi phí thấp - vẫn đang tích cực quảng cáo món món tôm chiên nằm trong thực đơn hải sản Seafood Mardi Gras.
Giám đốc phụ trách vấn đề chất lượng và chuỗi cung cấp của Popeyes, Alice LeBlanc, nói: “Mọi người vẫn chuộng tôm. Đơn giản là họ yêu món ăn này”.
Như Mai
theo Vietnam+