Theo Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát, thị trường vàng đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn gặp khó khăn khi muốn sở hữu vàng, đặc biệt là trong bối cảnh giá vàng liên tục phát triển đỉnh cao.
Vừa qua, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình số 28 về báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Trong đó, đề xuất 4 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị.
Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật;
NHNN cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi... gây mất ổn định thị trường vàng.
Theo khảo sát tại một số cửa hàng vàng của các DN trên đường Quang Trung- Hà Đông- Hà Nội, có khá nhiều khách hàng có nhu cầu mua vàng miếng và vàng nhẫn, tuy nhiên, họ đều đến và đi về tay không.
Cụ thể, tại cửa hàng của Tổng công ty Vàng Agribank- Chi nhánh Hà Đông- Trung tâm vàng bạc số 1 (số 10- Quang Trung- Hà Đông- Hà Nội), rất nhiều khách hàng đang chờ đợi để mua vàng nhẫn. Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng này cho biết, họ đang hết hàng, lúc nào có người bán ra, cửa hàng mua được thì mới có bán cho khách hàng. Và thời gian nào có vàng bán ra thì nhân viên cũng không biết. Nhân viên cửa hàng cũng khuyến cáo người dân nên gọi điện trước, để đỡ mất công đến cửa hàng nếu không có vàng bán.
Tương tự, ngày 20/10, có tình trạng rất nhiều người chờ đợi bên ngoài cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu (139 Cầu Giấy- Hà Nội) vì "lỡ đến rồi, chờ xem lúc nào có để mua vài chỉ vàng tròn trơn". Tại thời điểm này, theo nhân viên Bảo Tín Minh Châu, cửa hàng vẫn chưa biết thời điểm nào có vàng để bán. Thời điểm nào có vàng thì cửa hàng sẽ bán ra nhưng không cụ thể lúc nào sẽ có vàng.
Thị trường vàng tại Việt Nam đang trong giai đoạn biến động mạnh. Theo khảo sát mới nhất vào trưa ngày 22/10, giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng, sau khi tăng thêm 2 triệu đồng/lượng chỉ trong phiên giao dịch trước đó. Hiện tại, vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 87 - 89 triệu đồng/lượng, với chênh lệch mua bán lên đến 2 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng một tháng qua, giá vàng miếng đã tăng 7 triệu đồng/lượng, từ mức 82 triệu đồng lên 89 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Nhẫn tròn trơn đã lập kỷ lục nhiều lần trong tháng qua, với mức tăng 7,3 triệu đồng/lượng, từ 79,1 triệu đồng lên 86,4 triệu đồng/lượng bán ra.
Mặc dù giá vàng tăng mạnh, nhu cầu mua vàng của người dân không hề suy giảm. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải ai cũng có đủ may mắn để mua được vàng. Nhiều khách hàng khi truy cập vào các trang web, ứng dụng của ngân hàng hoặc tới trực tiếp các cửa hàng vàng đều gặp khó khăn trong việc mua hàng.
Theo đánh giá của NHNN, với những giải pháp đồng bộ nói trên và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát, duy trì với biên độ phù hợp (hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 - 7%.
“Thị trường vàng đã ổn định trở lại, góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường ngoại tệ, tỷ giá và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô”, NHNN đánh giá.
Mặc dù thị trường vàng đang diễn biến tích cực cho điều hành tỷ giá và các yếu tố vĩ mô, song với người dân, việc mua bán vàng đang gặp nhiều khó khăn.
Tiến Hoàng/KTDU