Sự kiện hot
8 năm trước

Người tiêu dùng Việt ngày càng thông thạo và kỹ tính

Báo cáo "Xu hướng người mua hàng" của Nielsen Việt Nam về hành vi tiêu dùng trong hai năm 2015 và 2016 của 1.500 người tiêu dùng tại 4 thành phố trực thuộc trung ương Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ vừa qua cho thấy sự chuyển biến nhanh và nhiều thay đổi của bức tranh tiêu dùng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo Nielsen, tỷ lệ người Việt đi mua sắm ở các kênh tiêu dùng hiện đại đã tăng lên nhưng so với việc mua sắm ở các chợ truyền thống, cửa hàng chuyên doanh vẫn khá thấp. Tỷ lệ người mua hàng hoá ở các chợ truyền thống vẫn rất lớn, trong khi đó hàng hoá ở các cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi vẫn chiếm tỷ lệ trung bình trong thu hút tiêu dùng của người dân.Trong 2 năm 2015 - 2016, trung bình mỗi tháng người Việt mua hàng hoá tại siêu thị 2 lần/tháng, mức này bằng 1/10 so với chợ truyền thống. 30% người mua hàng mua sắm những nhu yếu phẩm hàng ngày - những sản phẩm không phải để nấu nướng và 24% đi mua sắm để giải trí trong khi chỉ có 19% trong số họ mua sắm để dự trữ.

Bên cạnh đó, do cuộc sống ngày càng chuyển biến nhanh hơn và cùng với các nhu cầu mới nổi, người Việt ngày càng có nhiều sự lựa chọn cho việc mua sắm ở đâu. Kênh thương mại hiện đại trở nên phổ biến vì số lượng cửa hàng đang tăng nhanh, dẫn đầu là các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cũng như các chuỗi cửa hàng chuyên bán sản phẩm chăm sóc cá nhân. Tuy nhiên, tần suất ghé thăm cửa tiệm cũng như mức độ chi tiêu tại kênh thương mại này lại không đủ lớn để có thể tạo tác động lớn đến thị trường.

Đáng nói, Nielsen đã đưa ra khảo sát về giới trong mua sắm bán lẻ và đưa ra khẳng định: Nam giới ngày càng quan tâm đến việc mua sắm cho dù phụ nữ vẫn là đối tượng mua hàng hoá nhiều nhất. Đối tượng mua sắm của nam giới qua các kênh bán lẻ hiện đại đang có xu hướng tăng, độ tuổi trung bình từ 19 - 45 tuổi. Các loại sản phẩm họ hướng tới không hẳn là các nhu yếu phẩm hàng ngày mà là những đồ giải trí, công nghệ hoặc hàng hoá có khối lượng lớn. Với một số mục đích mua sắm, tỷ lệ người mua hàng là nam giới đã gia tăng đáng kể như mua sắm để giải trí có 33% khách hàng là nam, mua sắm cho các nhu cầu khẩn cấp 33% và mua sắm vào những địp đặc biệt 49%.

Mặc dù không quá bận tâm tới việc mua sắm nhưng người tiêu dùng Việt lại thể hiện sự kỹ tính khi chọn mua thực phẩm và các sản phẩm liên quan tới sức khỏe. Trong quý I/2017 và tháng 4 vừa qua, sức khỏe tiếp tục là yếu tố then chốt và luôn được người tiêu dùng ưu tiên khi đưa ra quyết định mua hàng của mình.Ngoài ra, các sản phẩm tươi sống luôn chiếm 67% tổng giá trị giỏ hàng của một lần mua sắm. Bởi, hiện nay mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng thậm chí còn nghiêng về những gì tốt cho sức khoẻ nhiều hơn nữa. Người tiêu dùng thông thạo và hiểu biết đang đòi hỏi nhiều hơn từ thực phẩm họ tiêu thụ, và một số người còn ưu tiên các sản phẩm có công bố thành phần trên nhãn hiệu. Theo đó, đa số người dùng cho rằng đơn giản là tốt nhất và các thực phẩm nào chứa càng ít các chất phụ gia thì sẽ được đón nhận mạnh mẽ. Có lẽ bởi vậy mà nhiều nhà sản xuất đã và đang sửa đổi các danh mục sản phẩm bằng cách đơn giản hóa danh sách các thành phần thực phẩm và tạo ra các sản phẩm thay thế tự nhiên và hữu cơ cho các sản phẩm hiện có. Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng ưu tiên các vị trí vàng trong cửa tiệm dành cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe và luôn nhấn mạnh đến yếu tố tươi sống để thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với đại đa số người Việt, mua sắm không phải là mối bận tâm thường nhật vì trên 9 trong 10 người được hỏi (92%) đã nói rằng họ thực sự thích việc đi mua hàng tạp hóa. Tuy nhiên, việc mua sắm đối với người Việt cần nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch, khám phá các chủng loại sản phẩm trong cửa hàng và tìm kiếm những sản phẩm có giá trị tốt nhất. Khi nói đến thái độ khi đi mua sắm, 82% nói rằng họ lên kế hoạch những gì cần mua trước khi đến cửa tiệm. Hơn nữa, 84% nói rằng họ dành nhiều thời gian hơn và tìm kiếm tất cả những gì có sẵn trong cửa hàng để có được sản phẩm tốt. Dù người mua hàng dành nhiều thời gian dạo quanh cửa hàng, siêu thị để xem tất cả hàng hóa thì họ lại đưa ra quyết định rất nhanh đối với đối với các sản phẩm không có trong dự định của mình. Điều này được minh chứng rằng 83% người mua hàng thường kết thúc chuyến mua hàng của họ với các mặt hàng tạp hóa phát sinh.Trước những biến đổi về thói quen mua sắm này, đại diện Nielsen cho rằng các doanh nghiệp cần có những cách tiếp cận cân bằng hơn, từ việc cải tiến, đổi mới sản phẩm cho đến các thông điệp truyền thông tiếp thị.

Hồng Anh

Từ khóa: