Từng là một nước phụ thuộc hoàn toàn vào xăng dầu nhập khẩu, Việt Nam đã dần dần đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa nhờ các nhà máy lọc dầu đã, đang và sắp đi vào hoạt động như Dung Quất, Nghi Sơn (hoạt động vào quý IV/2017). Liệu nguồn cung xăng dầu cho người tiêu dùng Việt Nam 2018 sẽ ra sao?
Hiện tại, Việt Nam có NMLD Dung Quất đang hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.
Xăng dầu sản xuất trong nước dồi dào
Theo tính toán, với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước từ năm 2018 đến năm 2022 trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO.
Với nhu cầu tiêu thụ trên, hiện tại Việt Nam có Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đang hoạt động với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Sản lượng Dung Quất đưa ra thị trường một năm khoảng 2,746 triệu tấn xăng và 3,068 triệu tấn dầu DO. Sắp tới, NMLD Dung Quất tiến hành dự án nâng cấp mở rộng nhà máy để nâng công suất chế biến 8,5 triệu tấn dầu thô/năm. Dự kiến dự án nâng cấp mở rộng hoàn thành vào năm 2021.
Nguồn cung xăng dầu nội địa lớn thứ 2 là NMLD Nghi Sơn vận hành thương mại vào 2018. Với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến NMLD Nghi Sơn cung cấp khoảng 2,3 triệu tấn xăng và gần 3,7 triệu tấn dầu DO. Ngoài ra, các nhà máy Condensate như PV Oil Phú Mỹ, Sài Gòn Petro, Nam Việt Oil, Đông Phương có công suất thiết kế khoảng 690.000 tấn xăng/năm.
Như vậy, năm 2018, dự kiến tổng nguồn cung xăng của 2 NMLD lớn nhất Việt Nam đạt khoảng 6 triệu tấn/năm và gần 7 triệu tấn dầu DO/năm. Sản lượng này tương ứng khoảng 92% xăng và 82% dầu DO nhu cầu tiêu thụ nội địa. Con số thiếu hụt trung bình 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO mỗi năm sẽ được nhập khẩu từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc về Việt Nam.
Với sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường như trên, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất đã và đang xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Theo đó, BSR tập trung lập kế hoạch sản xuất theo khả năng vận hành thực tế của Nhà máy và điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, tối đa công suất các phân xưởng công nghệ, áp dụng các sáng kiến, cải tiến nhằm tối ưu hóa năng lượng, tiết giảm chi phí, giảm tồn kho và tập trung sản xuất ra nhiều sản phẩm hóa dầu, sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, BSR luôn chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thị phần trong nước cũng như xây dựng phương án xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước lân cận trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia…
Nhà phân phối và người tiêu dùng được lợi
Khi sử dụng xăng dầu sản xuất trong nước, cả đơn vị phân phối sản phẩm và người tiêu dùng đều được lợi. Sản phẩm xăng dầu trong nước của BSR đang cung cấp có nhiều lợi thế cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Cụ thể, sản phẩm trong nước không bị ảnh hưởng bởi chênh lệch ngoại tệ thanh toán (Xăng dầu nhập khẩu phải thanh toán bằng USD); thời gian và hình thức nhận hàng linh hoạt, chi phí vận chuyển, thủ tục nhập hàng nhanh chóng, và đặc biệt là không phải nộp thuế nhập khẩu trước khi nhận hàng như hàng nhập khẩu…
Sản phẩm xăng dầu trong nước của BSR đang cung cấp có nhiều lợi thế cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
“Nhằm thúc đẩy tiêu thụ, BSR đã lập kế hoạch bán hàng tại các kho công ty thuê phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là khu vực phía Nam, cũng như linh hoạt với nhiều hình thức giao hàng và tăng vận chuyển đường bộ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. BSR còn linh hoạt chính sách trong thanh toán chiết khấu thương mại và giãn thời hạn thanh toán; chính sách thưởng khách hàng và chăm sóc khách hàng chu đáo”, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc BSR cho biết.
Hơn nữa, từ 1/1/2017, Chính phủ bãi bỏ thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước. BSR được tự tính giá thành sản phẩm theo hướng thu hút các đầu mối tiêu thụ trong nước để giúp thị phần trong nước của BSR có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Việt Dầu Khí Việt Nam thực hiện, các sản phẩm xăng dầu của BSR hiện nay đều có chất lượng tốt hơn mức tiêu chuẩn. Theo quy chuẩn Việt Nam, hàm lượng lưu huỳnh tối đa của xăng là 500 phần triệu nhưng xăng của BSR chỉ có hàm lượng từ 30 - 135 phần triệu. Tiêu chuẩn của Việt Nam cho phép tối đa 2,5% lượng benzen và aromat trong xăng, nhưng xăng của BSR chỉ có hàm lượng benzen 1,15 - 1,46%. Dòng sản phẩm dầu diesel ôtô của BSR cũng có lượng lưu huỳnh thấp, ít khí thải độc hại. Chất lượng cao của xăng Dung Quất còn thể hiện ở trị số octan (liên quan tới chất lượng cháy, độ bền và công suất của động cơ). Xăng Dung Quất đang sản xuất có trị số RON 92, nhưng kết quả kiểm tra thực tế, chỉ số này là 92,6 và 92,3 (chưa cần pha thêm bất kỳ loại phụ gia nào).
Như Ca
Theo Thanh tra