Sản xuất nước mắm ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là nghề truyền thống, hình thành và phát triển đến nay hơn 200 năm. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc chất lượng thơm ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước.
Sản xuất nước mắm ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là nghề truyền thống, hình thành và phát triển đến nay hơn 200 năm. Sản phẩm nước mắm Phú Quốc chất lượng thơm ngon, nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, nghề truyền thống này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu nguyên liệu cá cơm, trước nguy cơ không còn trụ lại được. Tại thời điểm này, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang vẫn chưa tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất để cứu lấy nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc.
Cơ sở sản xuất nước mắm Hồng Đại tại thị trấn Dương Đông. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Thương lái cạnh tranh, cá cơm nguyên liệu lên… sân phơi
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết gần hai năm nay, các nhà thùng sản xuất nước mắm ở Phú Quốc luôn trong tình trạng thiếu cá cơm nguyên liệu trầm trọng.
Nếu như trước đây, sau khi đánh bắt, ngư dân chuyển cá cơm tươi hoặc ướp muối đưa về bán cho nhà thùng để sản xuất nước mắm tại đảo Phú Quốc thì từ tháng 10/2012 đến nay, họ bán cá ngay trên ngư trường.
Nhiều thương lái từ nơi khác đến tổ chức tàu dịch vụ bám theo ngư dân ra biển mua gom cá cơm, với giá 18.000-20.000 đồng/kg, cao gấp 2,5-3 lần so với giá nhà thùng mua.
Theo bà Tịnh, việc tranh mua áp đảo giá khá cao này nên sản lượng cá cơm đánh bắt được, hầu như ngư dân đều bán hết cho thương lái vừa có lợi nhuận tăng thêm nhiều, vừa giảm tiêu hao nhiên liệu vận chuyển cá vào đảo, không tốn chi phí mua muối, nước đá, thời gian bám biển dài ngày và những lợi ích khác.
Tính toán chi phí của nhà thùng, cá cơm nguyên liệu đầu vào khoảng 6.000-7.000 đồng/kg cá tươi và 9.000-10.000 đồng/kg cá ướp muối thì việc sản xuất nước mắm mới có lãi.
Trong khi đó, thương lái mua cao gấp 2-3 lần ngay trên biển nên nhà thùng gặp rất nhiều khó khăn, không thể cạnh tranh giá với họ được.
Bà Tịnh cho biết: “Tại Phú Quốc hiện có trên 10 cơ sở thu mua cá cơm luộc phơi khô. Cá loại 1 họ xuất khẩu, cá loại 2, 3 tiêu thụ trong nước. Với cá cơm khô, trong khoảng thời gian 3-7 ngày chế biến thành phẩm, xuất bán thì thương lái thu hồi vốn và biết được lợi nhuận. Trong khi đó, sản xuất nước mắm mất thời gian 10-12 tháng mới cho sản phẩm và thu hồi vốn nên nhà thùng không thể cạnh tranh được giá mua cá cơm nguyên liệu với thương lái. Hơn nữa, đầu ra nước mắm 30ºN giá bán 15.000-20.000 đồng/lít, không thể tăng giá cao gấp 2-3 lần so với hiện nay. Tình trạng các nhà thùng không mua được nguyên liệu cá cơm đang là vấn đề sống còn của nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc.”
Trên thực tế, sản lượng cá cơm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nước mắm Phú Quốc 40.000-50.000 tấn/năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các nhà thùng trên đảo Phú Quốc chỉ mua được khoảng 30% sản lượng này. Số còn lại thương lái thu mua đưa lên sân phơi khô.
Phần lớn số lượng cá nguyên liệu nhà thùng mua được vì thương lái không mua do chất lượng kém và lẫn lộn nhiều cá tạp khác.
Để duy trì nghề sản xuất nước mắm truyền thống, nhiều nhà thùng lớn như Khải Hoàn, Thành Khoa, Anh Duyệt và Hưng Thành… đã tổ chức phương tiện thu mua cá cơm nguyên liệu trên biển, nhưng vẫn không cạnh tranh được giá với thương lái.
Nhà thùng… treo thùng
Theo Hội nước mắm Phú Quốc, do không cạnh tranh mua được nguyên liệu cá cơm nên từ đầu năm đến nay, có khoảng 60% số thùng của các nhà thùng nước mắm Phú Quốc bỏ thùng trống, treo thùng; 10 doanh nghiệp sản xuất nước mắm không trụ lại được buộc phải giải thể, bỏ nghề và hiện chỉ còn 80 cơ sở hoạt động cầm chừng.
Sở dĩ hiện nay các nhà thùng còn duy trì sản xuất là do cá muối họ mua những năm trước còn tồn lại và chỉ sản xuất nhỏ giọt bán lẻ cho khách du lịch chứ không quy mô như trước đây cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như xuất khẩu.
Ông Trần Mỹ Thuận, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thịnh Phát, thị trấn Dương Đông (Phú Quốc), cho biết: “Gia đình tôi đã qua ba đời làm nghề nước mắm theo cách cha truyền con nối. Bản thân tôi biết làm nghề này từ năm 15 tuổi đến nay đã hơn 40 năm trong nghề nhưng chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như trong gần hai năm qua. Nguy cơ buộc phải từ bỏ nghề sản xuất nước mắm đang hiện hữu trước mắt nếu tình trạng thiếu nguyên liệu không sớm khắc phục. Với giá cá cơm mua theo thương lái như hiện nay, mỗi thùng nước mắm đầu vào nguyên liệu hơn 300 triệu đồng trong khi trước đây chỉ khoảng 100 triệu đồng thì làm sao trụ lại được?”
Trước đây, với hơn 100 thùng, cơ sở sản xuất nước mắm của ông Thuận bình quân muối ủ 12-14 tấn cá cơm/thùng. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở này chỉ còn hoạt động 40 thùng.
Ông Thuận cho biết cùng thời điểm này trước đây, cơ sở của ông xuất bán 300.000 - 400.000 lít nước mắm ra thị trường. Trong bảy tháng đầu năm nay, cơ sở này chỉ bán khoảng 6.000-7.000 lít, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2012; sản lượng cá nguyên liệu chỉ mua được 50 tấn ủ muối bốn thùng.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cho biết nước mắm 30ºN, năm 2000 Phú Quốc sản xuất hơn 7 triệu lít; trong 2 năm (2002-2003) sản xuất 8-10 triệu lít/năm; năm 2011 sản xuất 25 triệu lít là thời điểm thịnh hành nhất của nước mắm Phú Quốc, với sản lượng lớn nhất. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Phú Quốc chỉ sản xuất bán ra thị trường hơn 7 triệu lít, giảm 60% so với năm 2012.
Sản lượng nước mắm sụt giảm, nhà thùng bỏ trống thùng, treo thùng và nguy cơ mai một làng nghề nước mắm Phú Quốc đang rất cần những giải pháp hữu hiệu để vực dậy từ các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang.
Theo các nhà thùng nước mắm, điều cần nhất hiện nay là Nhà nước cần có giải pháp can thiệp, kiểm soát và bảo vệ nguồn nguyên liệu cá cơm. Vì nghề này là nghề truyền thống đặc thù của địa phương, không như những ngành nghề khác, không nguyên liệu nào thay thế được ngoài cá cơm.
Tiếp đến, ngành ngân hàng cần gia hạn nợ vay, miễn giảm lãi suất cho các nhà thùng. Có như vậy, nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc mới trụ vững và không bị mất đi.
Lê Huy Hải
theo TTXVN