Sự kiện hot
13 năm trước

Nguy cơ mất cả chì lẫn chài

Sau thời gian tiêu thụ tại chỗ, năm 1987 Cty Agifish XK lô hàng đầu tiên sang Australia, mở đường cho nhiều DN tham gia đưa cá tra, ba sa "bơi" ra toàn cầu với khoảng 140 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Sau thời gian tiêu thụ tại chỗ, năm 1987 Cty Agifish XK lô hàng đầu tiên sang Australia, mở đường cho nhiều DN tham gia đưa cá tra, ba sa "bơi" ra toàn cầu với khoảng 140 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Thế nhưng, do lối làm ăn “chụp giật” các DN đã lao vào cuộc đua hạ giá bán, xô giá XK lao dốc đến mức nhiều quốc gia phải dùng chính sách bảo hộ. 

Tự làm yếu chính mình

Chỉ sau thời gian ngắn đứng trên đỉnh cao, cá tra Việt Nam đang trên đường đánh mất “cả chì lẫn chài”. ThS Nguyễn Phước Tuyên -  Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) - nhấn mạnh: “Do phát triển nóng nên chúng ta đã tự đốt cháy thế mạnh trong toàn chuỗi giá trị từ khâu con giống cho đến chế biến thức ăn, chế biến và XK”. Về con giống, theo TS Nguyễn Văn Hảo (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II) do khai thác vắt kiệt nên chất lượng con giống sinh sản nhân tạo giảm sút, tốc độ tăng trưởng chậm hơn và dễ nhiễm bệnh trong quá trình ươm nuôi, tỉ lệ hao hụt cao. Trong khi đó, tuy là nước có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng chúng ta phải nhập phần lớn nguyên liệu chế biến thức ăn cá tra là sản phẩm nông nghiệp: Bắp, đậu nành, vốn chiếm đến 80% chi phí chăn nuôi nên giá thành sản xuất cá tra lệ thuộc vào nước ngoài và luôn bất lợi cho người nuôi (NN).

Trớ trêu thay, chính chúng ta lại đẩy nghịch lý này lên đỉnh cao bất lợi khi luôn tìm cách “xà xẻo” khâu chất lượng. Kết quả kiểm tra mới nhất về mẫu thức ăn thủy sản tại Đồng Tháp của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho thấy có 6/37 mẫu không đạt chất lượng (16,31%). Đó là chưa kể đến nạn pha trộn Malamin (đạm long vũ - đạm không tiêu) vốn rất khó phát hiện nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và sức khỏe của cá. Vì thế để giảm bớt rủi ro về chất lượng và hiệu quả kinh tế, nhiều NN đã chuyển sang sử dụng thức ăn tự chế (trong giai đoạn đầu). Cách làm này trước mắt có thể mang lại lợi ích kinh tế cho NN, nhưng lại gieo mầm hiểm họa về môi trường trong tương lai...

Trong khi đó vì lợi ích trước mắt, nhiều DN lại chấp nhận đánh mất thương hiệu ngay trên sân nhà khi gần như chỉ biết đóng bao bì, kiểu dáng, nhãn hiệu theo yêu cầu khách hàng. Ngoài ra, theo PCT Hiệp hội Thuỷ sản An Giang Lê Chí Bình, các DNXK cá tra còn bị nhà nhập khẩu nước ngoài áp đặt, xoay như chong chóng về kích cỡ, màu sắc sản phẩm: “Cuối năm 2010, cá trên 800gr bị chê là quá lứa, nhưng giờ thì các DN chạy đôn chạy đáo tìm cá trên 1kg”. Đáng nói là trong lúc rất mù mờ, bỏ trống nhiều lĩnh vực quan trọng, thì nhiều DNXK cá tra lại tập trung... làm thương hại đến uy tín cá tra. Không chỉ “vá” cá vụn thành cá miếng lớn, nhiều DN còn mạ băng và sử dụng chất phụ gia vượt mức cho phép đến vài chục lần với mục đích tăng trọng trái phép. GĐ tài chính Cty CP An Phú (Đồng Tháp) Nguyễn Hồng Lê bức xúc: “Nhiều lần dự hội chợ, chúng tôi rất xấu hổ khi nhiều khách hàng nước ngoài đã chế giễu: “Việt Nam hãy bán cá đừng bán... nước” (tỉ lệ nước nhiều hơn cá).

Để tự bảo vệ trước giá bán bấp bênh, nhiều người nuôi đã chuyển sang sử dụng thức ăn tự chế trong thời gian đầu của chu kỳ chăn nuôi. Ảnh: Lục Tùng

Ánh sáng nào nơi cuối đường?

“Những ngày đầu XK, sản phẩm cá tra, basa được nước ngoài chấp nhận với giá 6USD/kg phi lê, nhưng do nạn cạnh tranh không lành mạnh của các DNXK đã làm giá cá giảm mạnh và có lúc chỉ còn hơn 2USD” - PGS-TS Nguyễn Tri Khiêm (ĐH An Giang) nhấn mạnh thêm - “Với thực trạng như hiện nay, rất khó để cá tra tìm lại mức giá ngày xưa”. Bởi tuy được xác định là mặt hàng chiến lược quốc gia và đã hình thành nhiều tổ chức chuyên trách từ trung ương đến địa phương..., nhưng trên thực tế cá tra rất “mồ côi”. Không chỉ bị hà hiếp oan uổng trên thị trường quốc tế (điển hình là việc cá tra bị WWF đưa vào danh sách đỏ trong năm 2010), mà còn bị bỏ mặc ngay trên sân nhà, khiến hoạt động tiêu thụ cá tra lâm cảnh “mạnh ai nấy làm”.

ThS Nguyễn Thanh Xuân (ĐH An Giang) - người có nhiều năm nghiên cứu về “kinh tế cá tra ĐBSCL” - đúc kết: “Vai trò chế tài, trừng phạt hay tẩy chay các DNXK phá vỡ cam kết giá mua, giá bán, chất lượng sản phẩm của các tổ chức, đơn vị chức trách còn mờ nhạt, chưa có tiền lệ về trừng phạt DN “phá hoại”. Đáng lo là nạn thả nổi này đã nảy sinh hệ lụy kéo lùi sự phát triển của mặt hàng chiến lược quốc gia. Điển hình là bệnh sợ đầu tư mới. Theo ông Xuân, DNXK ngại tạo ra đột phá, nhất là đầu tư sản phẩm mới để giảm tính đối kháng trong ngành, cải thiện nạn yếu thế trước khách hàng, chỉ vì sợ bị DN khác hưởng lợi “bất chính”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguy hiểm hơn là nạn phát triển đi ngược lại thực tiễn và quy luật kinh tế đang ăn sâu vào các DNXK. Đó là mô hình đầu tư “trọn gói” từ vùng chăn nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn (NMTA) và bộ phận nghiên cứu trong từng DNXK. Theo PGS-TS Nguyễn Tri Khiêm, thực chất đây là hành động “tách đũa ra khỏi bó”, gây lãng phí và tự làm yếu đi thế mạnh của cá tra. Bởi mỗi DNXK mở thêm NMTA sẽ đẩy giá thành thức ăn lên cao hơn so với sản xuất tập trung.

Trong khi đó, việc tự đầu tư vùng nuôi của DNXK không chỉ đi ngược lại quy luật kinh tế về tính chuyên nghiệp và chia sẻ rủi ro, mà còn bào mòn thêm lợi nhuận vốn đang rất mỏng mảnh của giá cá nguyên liệu. Ông Lê Chí Bình chứng minh: Trước đây các đơn vị Agifish, Afiex... đã từng thành lập xí nghiệp nuôi cá nguyên liệu, nhưng sau đó đã đóng cửa vì kém tính cạnh tranh do gánh nặng về phí quản lý, sự tiết kiệm... 

Sau gần 1/4 thế kỷ “mang chuông đi đánh xứ người”, bên cạnh vinh quang, sản phẩm cá tra đang từng ngày xa rời “ngôi vương” tiến dần vào bóng tối của sự thua thiệt: Nhiều DN bị phá sản, sản phẩm ngày càng lao dốc và vướng hàng rào kỹ thuật... Vì thế hơn bất cứ lúc nào, nghề nuôi và XK cá tra vùng ĐBSCL đang rất cần hành lang an toàn với chính sách thực thi xứng tầm với vị thế sản phẩm chiến lược quốc gia để cải thiện. Nếu không, trong tương lai không xa chúng ta sẽ trả giá đắt. Bởi ngoài 4 quốc gia có truyền thống là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, hiện đang có nhiều quốc gia khác đầu tư lớn cho việc nuôi cá tra. Khi đó chẳng những bị thu hẹp thị phần, mà cá tra Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ mất luôn cả ngôi vị “số 1 thế giới”.

Lục Tùng
Theo Lao dong

Từ khóa: