Tính đến hết năm 2011, tổng số tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vào khoảng 2.580.000 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2011, tổng số tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vào khoảng 2.580.000 tỷ đồng.
Thành lập công ty mua bán nợ xấu với số vốn 100.000 tỷ đồng là đề xuất của Ngân hàng Nhà nước nhằm giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Liệu các khoản nợ đó có được giải quyết?
Một trong những trọng tâm của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, để nó trở nên lành mạnh, hoạt động hiệu quả hơn. Muốn làm được điều đó thì trước tiên khối nợ xấu khổng lồ của hệ thống hiện nay phải được giải quyết.
Băn khoăn công ty mua bán nợ
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã lên đến 10% tổng số tiền cho vay. Mức này hầu như tương đương với dự báo của các tổ chức nước ngoài. Tính đến hết năm 2011, tổng số tiền ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vào khoảng 2.580.000 tỷ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu là 10% thì con số tuyệt đối sẽ vào khoảng 258.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất luôn chiếm đến 50%
Nợ xấu một phần đến từ các khoản đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp quốc doanh, mà Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là một ví dụ điển hình. Hơn nữa, nợ xấu còn xuất hiện một phần vì không ít ngân hàng trong một thời gian dài đã cho vay những khoản tiền khổng lồ, "giúp" nhiều doanh nghiệp cả công lẫn tư, "chơi" chứng khoán hoặc xây dựng chung cư, thực hiện các dự án phân lô, chuyển nhượng nền nhà.
Để giải quyết nợ xấu, đã có ý kiến đề xuất thành lập công ty mua bán nợ với số vốn 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty kiểu này sẽ được tổ chức ra sao, công tác mua bán nợ sẽ được giải quyết như thế nào, tiêu chí để mua lại nợ gồm những gì? Có lẽ trước hết cần phải thẩm định giá trị thực của nợ xấu. Tùy vào loại nợ: cực xấu, xấu vừa, xấu... mà mua từ 10%, 20% đến 50% là tối đa. Thậm chí có thể nếu cực kỳ xấu thì không mua, để cho công ty có loại nợ như thế phá sản và đương nhiên, ngân hàng phải chấp nhận chịu thiệt thay vì lúc nào cũng có lời.
Chỉ tính riêng 12 tập đoàn, tổng công ty quốc doanh không thôi thì đã có nợ xấu đến 218.738 tỷ đồng (số liệu do Bộ Tài chính công bố trong đề án "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước"). Một điểm nữa được báo chí mổ xẻ nhiều trong thời gian gần đây là lấy đâu ra vốn cho công ty này? Nếu do Nhà nước cấp, Ngân hàng Nhà nước quản lý, nhưng lại không được tổ chức một cách minh bạch thì có thể tiền của sẽ bị lợi dụng làm lợi cho các nhóm lợi ích, dễ nảy sinh việc xin - cho. Nếu công ty hoạt động không tốt thì ngân sách nhà nước lại phải gánh khoản lỗ của chính công ty này.
Vì vậy, để phát huy hiệu quả, công ty mua bán nợ nên nằm ngoài hệ thống ngân hàng và hoạt động một cách minh bạch. Hơn nữa, nếu hai ngân hàng vì quyền lợi của nhau mà bán nợ cho nhau, không vì quyền lợi chung, thì nợ xấu vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng, chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nếu có một công ty mua bán nợ nằm ngoài hệ thống ngân hàng, "đẩy" tất cả nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng thì sẽ tránh được hiện tượng này.
Để công ty mua bán nợ có thể hoạt động một cách chuyên nghiệp, theo cơ chế thị trường thì nó phải do tư nhân - chủ yếu là ngân hàng tư nhân - bỏ vốn thành lập; các ngân hàng không muốn góp vốn thì sẽ không được xử lý nợ xấu. Chính phủ chỉ nên tạo điều kiện thêm bằng cách góp từ 20 - 30% vốn, không trực tiếp đứng ra chủ trì và gánh nợ xấu. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính, kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Mỹ, Trung Quốc và Nhật cũng có thể là những tham khảo tốt cho Việt Nam. Chính phủ Mỹ, thông qua Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đã mạnh tay bơm vốn để cứu ngân hàng, nhưng lại không can thiệp sâu vào công tác điều hành ngân hàng. Chính phủ Trung Quốc thì xóa nợ xấu cho doanh nghiệp quốc doanh. Trong khi đó Chính phủ Nhật lại để các ngân hàng quá yếu kém phải sụp đổ.
Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính Phố Wall ở Mỹ bắt đầu. Để giải cứu các ngân hàng bên bờ vực phá sản, FED đã phải bỏ ra 700 tỷ USD. Một phần lượng tiền này được sử dụng để mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Một phần nhằm giải quyết tiền mặt tạm thời cho các ngân hàng yếu kém và phần còn lại để mua cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng. FED chỉ sở hữu cổ phiếu ưu đãi nên không được tham gia điều hành ngân hàng, tạo cơ hội tốt cho các ngân hàng tự tái cơ cấu.
Còn tại Trung Quốc, vào cuối năm 1999, đầu năm 2000, nợ dưới chuẩn thực tế tại nhiều ngân hàng thậm chí đã vượt 40% tiền cho vay. Một yếu tố giúp Chính phủ Trung Quốc thành công là xử lý triệt để các khoản nợ xấu, trong đó nợ của doanh nghiệp quốc doanh chiếm tới 70%. Khi đó, chính phủ nước này đã thành lập 4 công ty quản lý tài sản để xử lý toàn bộ nợ dưới chuẩn, ước tính lên tới 670 tỷ nhân dân tệ. Chính phủ Trung Quốc cũng chi 40 tỷ nhân dân tệ để xóa nợ cho doanh nghiệp quốc doanh và tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ.
Đầu những năm 2000, nợ xấu của các ngân hàng Nhật đã lên đến hàng ngàn tỷ yên do bong bóng bất động sản bùng nổ. Bước đầu, chính phủ Nhật đã bơm hàng nghìn tỷ yên vào các ngân hàng lớn và thành lập hàng loạt quỹ đầu tư có vốn góp tư nhân để mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, cả hai cách này đều không có tác dụng nhiều. Cuối cùng, chính phủ nước này đã quyết định quốc hữu hóa nhiều ngân hàng, để cho các ngân hàng yếu kém tự sụp đổ và đã thành công.
Cần thêm chính sách
Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, để hạn chế nợ xấu cũng như xử lý nợ xấu một cách hiệu quả nhất thì khi cho vay, các ngân hàng thương mại phải kiểm soát mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi. Ông cũng gợi ý chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp. "Chuyển nợ thành vốn góp là thực hiện một số giải pháp nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp như xóa một phần nợ và lãi, hoãn trả nợ, thay đổi thời gian trả nợ, hỗ trợ về thị trường, công tác quản trị, hỗ trợ về tài chính như cho vay, bảo lãnh… nhằm phục hồi doanh nghiệp từ chỗ thua lỗ, mất khả năng thanh toán trở thành doanh nghiệp kinh doanh có lãi và hiệu quả", ông nói. Một biện pháp khác là đảo nợ, tức cho vay nợ mới để trả nợ cũ, hay tái cơ cấu các khoản nợ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà giải pháp này mang lại cho doanh nghiệp và ngân hàng, nó cũng ẩn chứa nhiều rủi ro.
Cho dù sử dụng biện pháp nào để xử lý nợ xấu - thành lập công ty mua bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp hay đảo nợ - thì cũng cần phải cân nhắc thật kỹ rồi thực hiện một cách minh bạch.
Theo DDDN