Để đạt mục tiêu này, 6 tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng phải xấp xỉ 9%. Báo cáo mới đây của NHNN cho thấy, vốn NHTM đã dần được “xả van”. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay được doanh nghiệp (DN) và các NHTM nêu là tổng cầu, sức mua của nền kinh tế khá thấp. Do vậy, NHNN đã kiến nghị với Chính phủ nâng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), nhằm nâng mức đầu tư công qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết công ăn việc làm và góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng.
Xả van tín dụng
Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, buộc phải tăng tốc cung cấp tín dụng bình quân 40.000 tỷ đồng/ tháng cho nền kinh tế. Như vậy, 6 tháng cuối năm nền kinh tế sẽ có thêm 240.000 tỷ đồng vốn. Cùng con số này, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cũng đang được giải ngân nhằm tạo đà “thức giấc”cho thị trường bất động sản (BĐS). Và dự kiến từ nay đến cuối năm, gói tín dụng này sẽ giải ngân khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, những dòng vốn mới đang sẵn sàng đổ vào nền kinh tế.
Thời gian qua, công cụ giảm lãi suất cũng được NHNN thực thi khá hiệu quả. Bên cạnh đó, đề án xử lý nợ xấu và sự ra đời của Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) cũng được xem là những chỉ báo tích cực tạo cơ sở cho tín dụng tăng trưởng.
Nhìn lại năm 2012, Chính phủ và NHNN không hạn chế tăng trưởng tín dụng, nhưng nền kinh tế vẫn không hấp thụ nổi vốn. Đây là nguyên nhân tín dụng năm 2012 tăng trưởng rất trì trệ. Thực tế năm qua, các NHTM mua nhiều TPCP do không mở rộng được tín dụng, nên chỉ còn 3 kênh để tiêu vốn: Mua TPCP, mua tín phiếu ngắn hạn của NHNN và gửi phần thừa dự trữ bắt buộc tại NHNN. Đến nay, con số dự trữ bắt buộc tại NHNN khoảng 70.000 tỷ đồng, vốn mua TPCP 158.000 tỷ đồng, số dư của tín phiếu NHNN khoảng 45.000 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ các NHTM lớn đang thừa tiền và khả năng hấp thụ của nền kinh tế còn rất yếu.
Nguy cơ bẫy thanh khoản?
Tín dụng tăng hay không là do NHTM (bên cho vay), DN (bên đi vay). Tại sao các DN, là bên đi vay tiền, không mặn mà với việc vay thêm nữa? Những năm trước tín dụng tăng kỷ lục, có năm tăng trên 50%, chủ yếu đổ vào BĐS và những ngành nghề liên quan. Nay BĐS không hút tiền vì đang đóng băng, thì tín dụng tăng rất chậm.
Hiện nay, những DN làm ăn được, chỉ có những ngành liên quan đến xuất khẩu và nông nghiệp. Cả hai đều đang tận dụng khả năng chiếm dụng vốn (hoặc của nông dân, hoặc của khách hàng bằng nguyên vật liệu) nên ít đụng tới tín dụng NH. Nhiều DN chọn con đường bán bớt cổ phần cho nước ngoài, tiền cũng rót vào kinh doanh, không qua tín dụng NH. Kiều hối những năm trước chảy vào BĐS, nay khu vực này đóng băng, tiền sẽ chảy vào sản xuất, kinh doanh, không qua tín dụng NH.
Thực tế đáng lo ngại là hiện nay, điều kiện sản xuất kinh doanh liên tục có chiều hướng xấu hơn, dẫn đến việc làm và đơn hàng mới của DN bị cắt giảm. Cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc ngân hàng HSBC, trong tháng 6, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam suy giảm đáng kể về sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới và hệ quả là các công ty đã phải cắt giảm việc làm và mua hàng. Mức suy giảm mạnh của hoạt động sản xuất, cho thấy sự yếu kém của thị trường trong nước tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Mặc dù đã áp dụng những biện pháp giảm giá, nhưng doanh số bán hàng vẫn giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm. Đồng thời, các điều kiện bên ngoài cũng yếu đi khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đều yếu hơn.
Theo chuyên gia, để có thể khơi thông nguồn vốn, phá tảng băng tín dụng hiện nay rất khó khăn, đòi hỏi một gói giải pháp đồng bộ. Nếu không, nguy cơ rơi vào bẫy thanh khoản của nền kinh tế sẽ rất cao. Tại sao? Thực chất của bẫy thanh khoản là nguồn cung tín dụng dồi dào, trong khi nhu cầu tín dụng lại ít.Trước thực trạng này, gói giải pháp được chuyên gia khuyến nghị gồm hạ lãi suất, xử lý nợ xấu, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay và tái cơ cấu NH yếu kém. Có thực hiện được bước này, thì mới giữ được kết quả đạt được của những biện pháp trước đó. Nếu nợ xấu không được xử lý, dòng vốn khơi thông chỉ vài năm sau tình trạng xấu sẽ sớm trở lại. Do các NH yếu kém lại tiếp tục cho vay thiếu kiểm soát, mất thanh khoản, gây mất ổn định cho toàn hệ thống.
Để hóa giải khó khăn cho DN, các chuyên gia cho rằng, gói giải pháp được đề xuất cần bổ sung các biện pháp mạnh hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Nhiệm vụ này được giao cho VAMC, do đây là công ty tiếp nhận khoản nợ xấu của DN từ NHTM chuyển sang nên nắm giữ toàn bộ tài sản đảm bảo của DN. Theo nhận định, hiện nay chất lượng tín dụng vẫn chưa được cải thiện; tỷ trọng nợ xấu giảm, nhưng chất lượng tín dụng không tăng. Bởi, sức khoẻ DN đang xuống cấp trầm trọng, nên tiềm ẩn không ít rủi ro trong tín dụng.
Như vậy, tảng băng tín dụng đã được cơ quan quản lý nhận diện rõ ràng và cũng có hướng xử lý cụ thể. Các chuyên gia kỳ vọng với quy mô nền kinh tế còn nhỏ và sự nhạy cảm của tín dụng đối với nền kinh tế cao, thì tảng băng tín dụng sẽ sớm tan. Tuy nhiên, kiểm chứng vào thực tế, nếu việc triển khai giải pháp phá băng tín dụng không quyết liệt, thì có lẽ kỳ vọng cũng khó thành sự thật. Nguy cơ rơi vào bẫy thanh khoản vì thế cũng cao hơn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp những tháng đầu năm đang đặt ra thách thức lớn cho việc thực hiện mục tiêu GDP tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 này. Nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,5%, các NHTM đã bắt đầu đẩy mạnh việc cho vay để tăng tín dụng cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, cơ hội phục hồi kinh tế vẫn rất mong manh, vì “sức khỏe” của nền kinh tế hiện nay vẫn chưa được tốt, nên không dễ tiêu hết nguồn vốn định giải ngân. Chính vì thế, nhiều chuyên gia đã đặt ra câu hỏi: “Xả van” cho dòng vốn chảy mạnh vào nền kinh tế như thế nào để có hiệu quả nhằm tránh trở thành nợ xấu trong tương lai? Đó là chưa kể cung thêm vốn tín dụng còn khiến lo ngại về chất lượng tăng trưởng khi tăng trưởng chủ yếu dựa trên tăng vốn đầu tư. Đây có thể sẽ trở thành bẫy trong thanh khoản khi xả van tín dụng.
Duy Khánh
theo Thanh tra