Sau một thời gian ngừng huy động vàng trả lãi suất hoặc chuyển qua giữ hộ vàng có tính phí, gần đây, nhiều ngân hàng đã huy động vàng trở lại với mức lãi suất được đẩy lên cao. Theo một số chuyên gia, việc này nhiều khả năng do xuất phát từ mục đích chuyển vàng thành tiền đồng để kiếm lời.
Sau một thời gian ngừng huy động vàng trả lãi suất hoặc chuyển qua giữ hộ vàng có tính phí, gần đây, nhiều ngân hàng đã huy động vàng trở lại với mức lãi suất được đẩy lên cao. Theo một số chuyên gia, việc này nhiều khả năng do xuất phát từ mục đích chuyển vàng thành tiền đồng để kiếm lời.
Quay lại huy động vàng trả lãi suất
Lẽ ra, trong tháng 5, các ngân hàng đã phải chấm dứt hoàn toàn việc huy động và cho vay vàng. Song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gia hạn việc huy động vàng cho các ngân hàng đến ngày 25/11/2012 nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thêm thời gian huy động để chi trả vàng theo yêu cầu của khách khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả.
Ngay sau khi NHNN gia hạn việc huy động vàng, lãi suất huy động vàng đã tăng vọt. Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vàng từ khoảng 2%/năm trước đó lên 3% - 4%/năm, thậm chí có ngân hàng huy động vàng với lãi suất lên đến 4,6%/năm.
Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 25/6, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng để tránh phải giải quyết những trường hợp vi phạm về các quy định liên quan. Sau đó, lãi suất huy động vàng đã giảm mạnh trở lại, xuống gần mức 0% và thậm chí có ngân hàng đã ngưng huy động vàng để chuyển sang hình thức giữ hộ có thu phí.
Nhưng đến nay, các nhà băng đã quay trở lại huy động vàng có lãi suất. DongA Bank là ngân hàng đầu tiên ngừng huy động vàng trong những ngày đầu tháng 7 và thông báo với khách hàng áp dụng mức phí giữ hộ 0,05% trên giá trị vàng giữ hộ. Song khoảng hơn 1 tuần nay, ngân hàng này đã huy động vàng trở lại với lãi suất 1%/năm cho tất cả các kỳ hạn nhưng phải đáo hạn trước 25/11.
Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng vừa công bố huy động vàng trở lại với lãi suất các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng là 0,8%/năm và đảm bảo đáo hạn trước ngày 25/11 theo thời gian quy định của NHNN. Các chứng chỉ vàng chưa đến ngày đáo hạn vẫn tiếp tục thực hiện những cam kết giữa ACB và khách hàng. Với những khoản có ngày đến hạn sau ngày 25/11 nhưng khách hàng không đến rút, Ngân hàng sẽ chuyển sang giữ hộ vàng và không trả lãi. Động thái này của ACB khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Bởi lẽ, chỉ 2 tuần trước đây, ngân hàng này đã ngưng phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn và thông báo với khách hàng có những khoản đáo hạn vàng sau 4/7 không đến rút sẽ được chuyển sang hình thức giữ hộ vàng và không trả lãi.
Eximbank cũng đang huy động vàng các kỳ hạn từ 1-3 tháng nhưng lãi suất chỉ 0,6%/năm đối với số lượng gửi dưới 10 lượng. Song nếu gửi thời gian dài hơn (từ 6 tháng trở lên), lãi suất chỉ còn 0,4%/năm. Nếu khách hàng gửi trên 10 lượng sẽ được trả lãi suất 0,8%/năm cho các kỳ hạn 1, 2, 3 tháng.
Không chỉ quay lại huy động vàng trả lãi suất, một số ngân hàng khác hiện nay còn nhận huy động vàng của khách có kỳ hạn vượt thời gian chấm dứt huy động vàng theo quy định của NHNN. Hiện khách hàng gửi vàng tại Ngân hàng Việt Á sẽ được trả lãi suất huy động vàng 0,6%/năm cho tất cả các kỳ hạn và không bị yêu cầu phải đáo hạn trước ngày 25/11. Nhân viên Ngân hàng Việt Á cho hay, ngân hàng chỉ không nhận huy động vàng kể từ ngày 25/11, còn nếu gửi vàng từ nay đến trước ngày 25/11 thì muốn gửi thời hạn bao lâu cũng được.
Lách luật kiếm lợi khủng?
Các ngân hàng giải thích rằng việc đột ngột tăng lãi suất chứng chỉ huy động vàng nhằm mục đích cân bằng trạng thái, trả nợ cho khách hàng đáo hạn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc các ngân hàng quay trở lại huy động vàng trả lãi suất và lãi suất được đẩy lên cao cũng không loại trừ mục đích kiếm lời của một nhóm ngân hàng được phép mở tài khoản nước ngoài, được chuyển đổi vàng thành tiền đồng. Bởi những ngày qua, các ngân hàng chủ động tăng lãi suất đều rơi vào nhóm G5+1, tức các ngân hàng đủ điều kiện được mở tài khoản kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài, được chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền đồng theo quy định của NHNN.
Lãnh đạo một ngân hàng nhận định, quy định hạn cuối cho phép huy động vàng bằng chứng chỉ đã tạo điều kiện cho lợi ích nhóm kiếm lời, có nguy cơ gây xáo trộn thị trường vàng và gây biến động thị trường tiền tệ. Bởi thời gian qua, lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng tăng lên. Do đó, các ngân hàng này tranh thủ huy động vàng với lãi suất thấp chỉ 1%/năm, chuyển đổi thành tiền đồng. Hơn nữa, việc huy động tiền đồng với lãi suất chỉ 9%/năm như hiện nay đang có chiều hướng suy giảm, nên các ngân hàng thông qua kênh vàng chuyển đổi để tăng vốn. Vì ngay cả khi huy động vàng với lãi suất 1 hoặc 2% một năm, nếu giá ổn định, sẽ có lợi hơn so với huy động vốn bằng VND lãi suất 9%.
Động thái nhận huy động vàng có kỳ hạn vượt thời gian chấm dứt huy động vàng theo quy định của NHNN của một số ngân hàng cũng là một chiêu "lách" huy động vàng của các ngân hàng để khỏi bị NHNN "tuýt còi". Bởi mặc dù gia hạn đến ngày 25/11, nhưng không phải ngân hàng nào cũng được phép cho huy động vàng.
Mặc dù trong Thông tư 12, NHNN đã quy định rõ các tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng dưới mọi hình thức thành tiền đồng hoặc các hình thức bằng tiền khác. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn có cách "lách" vì hiện việc giám sát thực hiện quy định này của NHNN vẫn còn lỏng lẻo.
Theo Thanhnien