Thị trường liên ngân hàng hiện nay chỉ toàn những “ông lớn” “chơi” với nhau, các nhà băng nhỏ bị các ông lớn này “nghỉ chơi” vì chây ỳ trả nợ.
Thị trường liên ngân hàng hiện nay chỉ toàn những “ông lớn” “chơi” với nhau, các nhà băng nhỏ bị các ông lớn này “nghỉ chơi” vì chây ỳ trả nợ.
Trong nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng (NH) Nhà nước có phương án giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống NH ngay trong quý I/2012 và giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý vào thời điểm phù hợp. Để giải quyết thanh khoản cho các NH, điều đầu tiên, theo các chuyên gia kinh tế, cần lập lại trật tự và tái lập niềm tin trên thị trường liên NH (nơi các NH vay mượn vốn lẫn nhau để bù đắp thanh khoản).
Rào cản giảm lãi suất
Thời gian qua, nhiều NH đã thu lãi không nhỏ khi cho vay trên thị trường liên NH với lãi suất rất cao. Một số NH lớn dư thanh khoản đã tranh thủ cho vay qua đêm, kỳ hạn ngắn trên thị trường liên NH để thu lợi nhuận...
Những ngày gần đây, theo trưởng phòng quản lý vốn một NH thương mại tại TPHCM, lãi suất liên NH đang giảm mạnh. Lãi suất qua đêm giảm còn 10% - 12%/năm, kỳ hạn 2-3 tháng là 14% - 15%/năm... Nếu so với thời điểm trước Tết khi lãi suất lên đến 20%/năm, thậm chí 24% - 25%/năm, mức lãi vay trên thị trường này đang khá “mềm”. Thông thường lãi suất mềm tức thanh khoản của các NH đang tốt lên - tiền đề để giảm lãi suất...
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất liên NH những ngày qua không phải vì thanh khoản của NH đang tốt lên mà do thị trường này chỉ còn các “ông lớn” chơi với nhau - đại diện một NH tiết lộ. Nguyên nhân là từ cuối năm 2011, thị trường liên NH bắt đầu xuất hiện tình trạng các NH nhỏ chây ì trong việc trả nợ đúng hạn cho NH lớn, buộc “chủ nợ” phải đi đòi hoặc ngừng cho vay.
Nhiều rào cản khiến lãi suất ngân hàng khó giảm sâu
Phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần thông tin: “Kết quả là hiện nay NH lớn “nghỉ chơi” với NH nhỏ và ngược lại, NH nhỏ thà chịu lãi suất phạt chứ không trả nợ. Lãi suất phạt tương đương với lãi vay lúc trước, còn nếu NH trả nợ rồi vay tiếp có thể phải chịu lãi cao hơn hoặc không vay được”.
Việc lãi suất liên NH đang giảm còn do thị trường đang thu hẹp người tham gia. Kinh tế khó khăn, lãi suất vay vốn cao nên nhiều doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, nhu cầu tín dụng của tổ chức kinh tế và dân cư cũng giảm khiến NH không cho vay được nhiều.
Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi cho rằng những bất cập và xáo trộn trong hệ thống NH hiện nay là hệ quả từ những khiếm khuyết tồn tại trong một thời gian khá dài của các cơ quan điều hành, quản lý đối với hệ thống NH thương mại. Đồng thời, lạm phát cao kéo dài liên tục từ 4 năm qua cũng là nguyên nhân của những bất cập và xáo trộn trong hệ thống NH, đã làm méo mó thị trường tài chính và là rào cản của việc kéo giảm lãi suất cho vay hiện nay.
Tái lập niềm tin cho thị trường
Giải thích hiện tượng thu hẹp cho vay trên thị trường liên NH, lãnh đạo một NH thương mại lớn khẳng định không có chuyện “đóng cửa” với NH nhỏ. Tuy nhiên, khi người vay không được đánh giá tốt về chất lượng tài sản, có nhiều yếu tố rủi ro… sẽ phải chịu lãi suất cao hơn hoặc phải có tài sản thế chấp. Nhất là trong tình trạng thị trường liên NH lộn xộn như hiện nay, các NH càng phải tăng cường hoạt động cho vay có bảo đảm để an toàn.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính NH, Trường ĐH Mở TPHCM, trong tình hình này, NH Nhà nước cần hỗ trợ các NH qua cửa tái cấp vốn để ổn định hệ thống NH trong quá trình tái cấu trúc. Việc khống chế trần lãi suất huy động có thể xem là một bước đi trong quá trình xử lý các NH nhỏ yếu thanh khoản, rồi đi đến tiếp tục sáp nhập các NH.
Theo lãnh đạo một số NH, dù có hàng ngàn biện pháp được áp dụng nhưng các NH không tin nhau cũng rất khó. Vì vậy, NH Nhà nước cần giữ vai trò cầu nối xây dựng một sân chơi mới minh bạch và lành mạnh hơn như công bố xếp hạng tín nhiệm các NH cùng một chuỗi các giải pháp, chế tài đủ mạnh…
Theo Nguoi lao dong