Chinh phục lại ngưỡng 500 điểm từ đầu tháng 4 sau hơn hai năm, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ "thẳng tiến" đến mức 600 điểm.
Chinh phục lại ngưỡng 500 điểm từ đầu tháng 4 sau hơn hai năm, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ "thẳng tiến" đến mức 600 điểm. Tuy nhiên, niềm vui của giới đầu tư không kéo dài khi chỉ số VN-Index không ngừng "tụt dốc" để thêm một lần nữa "tuột" khỏi ngưỡng 500 điểm…
Các nhà đầu tư nên thận trọng khi tham gia thị trường chứng khoán. Ảnh: Phạm Hậu
Sau một thời gian dài ảm đạm, nhà đầu tư đã quay trở lại giúp thị trường giao dịch sôi động. Lệnh mua vào "ầm ầm" trong khi lệnh bán "nhỏ giọt" khiến thị trường tăng điểm liên tiếp. Trong suốt mấy phiên đầu của tháng 4, chỉ số VN-Index duy trì ngưỡng 500 điểm, có phiên còn chạm tới ngưỡng 510 điểm (ngày 9-4, VN-Index đạt 510,49 điểm, tăng 3,83 điểm so với phiên trước). Sau hơn hai năm chờ đợi, chỉ số VN-Index đã giành lại ngưỡng này. Lý giải cho sự hào hứng của giới đầu tư, giới chuyên gia cho rằng, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh khiến kênh đầu tư này không còn hấp dẫn, trong khi đó thị trường bất động sản chưa thoát khỏi tình trạng đóng băng nên giới đầu tư quay lại chứng khoán. Thêm vào đó, những thông tin khá lạc quan từ sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, cũng như nền kinh tế trong nước hồi phục đã tác động mạnh tới tâm lý của giới đầu tư. Đó là chưa kể đến lực đỡ từ khối ngoại với sự trở lại của nhiều quỹ đầu tư lớn đã giúp thị trường tăng tốc.
Vượt qua 500 điểm, thị trường chứng khoán được giới đầu tư kỳ vọng tiếp tục bứt phá để chinh phục thêm ngưỡng 600 điểm. Song ngưỡng VN-Index 500 điểm không được duy trì lâu, thị trường lại "lình xình" quanh ngưỡng này để đến phiên ngày 12-4, chỉ số VN-Index lại thêm một lần "tụt dốc", lùi xa khỏi ngưỡng 500 điểm, còn 494,27 điểm. Không đến mức rơi vào trạng thái bất an, nhưng sự lo lắng của giới đầu tư tiếp tục kéo thị trường xuống thấp, với khối lượng giao dịch luôn ở mức trung bình. Cùng lúc này, những bất ổn trên thị trường vàng, với kiểu giá "leo thang", hay "lao dốc không phanh" cũng ảnh hưởng khá mạnh tới giao dịch trên thị trường chứng khoán, khiến niềm tin với thị trường bị lung lay. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, ngày 22-4, trên sàn TP Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index mất thêm 4,78 điểm, tương đương 1,01%, dừng lại ở 468,43 điểm. Còn trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 0,75 điểm (1,29%), đạt 57,61 điểm. Tính thanh khoản của cả hai sàn đều ở mức trung bình, chỉ đạt hơn 66 triệu đơn vị, giá trị hơn 856 tỷ đồng.
Trước đó, phiên ngày 18-4, chỉ số VN-Index còn chịu một bước lùi dài, mất 10,78 điểm (2,23%), còn 473,21 điểm. Như vậy, thị trường đã quay trở lại với tình trạng ảm đạm. Luôn cùng chiều với chỉ số VN-Index trên sàn TP Hồ Chí Minh, "rổ" chỉ số của 30 "đại gia", những mã cổ phiếu lớn là VN30Index cũng khó thoát khỏi cảnh "lùi dốc". Từ mốc 575,93 điểm, chỉ số này chỉ cần 2 lần "bật" nữa là có thể chạm tới 600 điểm, nhưng cũng theo chiều của VN-Index, chỉ số VN30Index chỉ còn 527,63 điểm trong phiên giao dịch ngày 22-4, giảm 4,81 điểm so với phiên cuối tuần trước. Thiếu "lực đỡ" của khối ngoại được coi là một trong những nguyên nhân chính kéo thị trường chứng khoán "tụt dốc". Sau khi bị tuột khỏi mốc 480 điểm trước sức ép bán ra chốt lời của khối ngoại cuối tuần trước, tâm lý của giới đầu tư khá thận trọng trong phiên đầu tuần mới này. Nhà đầu tư vẫn tiếp tục đẩy mạnh bán ra, giá của nhiều mã cổ phiếu trong đó có nhiều mã bluechips bị "rớt". Tuy nhiên, nhiều người vẫn chờ cơ hội "bắt đáy" chưa vội mua vào cổ phiếu nên các chỉ số chứng khoán chưa có cơ hội hồi phục.
Mặc dù chỉ số VN-Index đã rời xa khỏi mốc 500 điểm song thị trường vẫn còn cơ hội hồi phục bởi thị trường liên tiếp đón nhận những thông tin khả quan từ doanh nghiệp. Việc hàng loạt doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả lợi nhuận trong quý I, với mức lãi khá cao sẽ là lực đẩy cho thị trường. Sự tăng, giảm của thị trường chứng khoán phụ thuộc lớn vào sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết. Nếu doanh nghiệp khỏe, tính thanh khoản của thị trường sẽ tăng mạnh. Hơn nữa, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm mạnh, giá vàng trồi sụt thất thường, chứng khoán sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của giới đầu tư cho dòng vốn. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng, vì bên cạnh những doanh nghiệp thu được lãi cao, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, đang loay hoay tìm "đầu ra" cho sản phẩm. Bởi vậy, thị trường được dự báo là chỉ có thể quanh ngưỡng 500 điểm.
Đức Anh
theo Hà Nội mới