Theo các chuyên gia, với sự tham gia của đại gia xăng dầu lớn trên thế giới hy vọng có thể sẽ là cú hích tích cực cho thị trường xăng dầu trong nước.
Tin tức trên báo Tuổi trẻ, theo thông tin từ Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ được tham gia phân phối xăng dầu tại VN theo hiệp định Chính phủ khi họ tham gia đầu tư vào nhà máy lọc dầu tại VN.
Cụ thể, tập đoàn Idemitsu Kosan (doanh nghiệp xăng dầu Nhật Bản) tham gia làm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa, dự kiến sẽ có quyền tham gia phân phối xăng dầu khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động (dự kiến vào 2017).
Idemitsu Kosan và Kuwait Petroleum International đã chính thức thành lập doanh nghiệp tại VN để thực hiện phân phối xăng dầu. Như vậy, về cơ bản, từ 2017 VN thị trường xăng dầu VN ngoài các doanh nghiệp xăng dầu đấu mối trong nước sẽ có sự tham gia của cả doanh nghiệp nước ngoài.
Đây không phải trường hợp duy nhất mà theo Tập đoàn Xăng dầu VN, tập đoàn này cũng đã ký kết văn bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược với tập đoàn JX Nippon Oil and Energy (Nhật Bản).
Theo đó, hai bên khẳng định đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đệ trình cơ quan quản lý nhà nước để JX Nippon Oil and Energy trở thành đối tác chiến lược của Petrolimex thông qua việc phát hành tăng vốn.
Đặc biệt, JX Nippon Oil and Energy cũng thể hiện sẽ cùng Petrolimex liên doanh để triển khai dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong.
Như vậy, đây cũng là một đối tác tiềm tàng tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu ở VN. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công thương, việc các doanh nghiệp được tham gia phân phối khi làm nhà máy lọc dầu là theo hiệp định. Còn về quy hoạch cụ thể, cấp phép cho những địa điểm phân phối xăng dầu thì chưa doanh nghiệp nước ngoài nào được cấp.
Với sự tham gia của đại gia lớn trên thế giới hy vọng có thể sẽ là cú hích tích cực cho thị trường xăng dầu trong nước. (Ảnh minh họa).
Xu thế đáng mừng
Thông tin trên báo Pháp luật TPHCM, hiện nay ba công ty xăng dầu là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro đang thống lĩnh khoảng 75% thị phần xăng dầu trên cả nước. Điều này có nghĩa thị trường xăng dầu hiện vẫn là “mảnh đất riêng” của các công ty Việt. Do vậy, với sự tham gia của đại gia lớn trên thế giới hy vọng có thể sẽ là cú hích tích cực cho thị trường xăng dầu trong nước.
Bình luận về sự kiện này, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nói: “Điều này sẽ nâng cao tính cạnh tranh thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, đồng thời tạo tiền đề để mở rộng thị trường bán lẻ xăng dầu, hướng tới một thị trường bán lẻ xăng dầu cạnh tranh thực sự”.
Ông Long cũng đánh giá những đại gia nước ngoài đầu tư vào Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở trên đủ tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm, quản trị… để xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam. Ông nói: “Đây là một sự khởi đầu về việc xâm nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam và đó là dấu hiệu tốt cho thị trường xăng dầu. Khi có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thì người mua xăng sẽ có lợi, thị trường sẽ phát triển”.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cũng nhìn nhận việc các công ty xăng dầu ngoại tham gia vào khâu bán lẻ sẽ tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ. “Thị trường xăng dầu trong nước hiện nay đang có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, biểu hiện qua việc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang thống lĩnh thị trường, dưới mức độc quyền nhưng đủ mức áp đặt luật chơi trên thị trường. Mỗi khi tăng, giảm giá thì các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đều nhìn theo Petrolimex để điều chỉnh, tạo bất lợi cho người tiêu dùng” - ông Doanh phân tích.
Ông Doanh cũng cho rằng theo cam kết hội nhập, Việt Nam dần dần sẽ mở cửa thị trường trong nước, trong đó có xăng dầu. Khi các đại gia ngoại tham gia vào khâu phân phối bán lẻ xăng dầu sẽ làm giảm vị trí thống lĩnh của DN trong nước và nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó các DN ngoại có thể sẽ góp phần làm cho việc điều hành xăng dầu phải công khai, minh bạch và công bằng hơn.
theo ĐSPL