Rất nhiều vụ án tại các ngân hàng xảy ra một cách thường xuyên, phần lớn có liên quan đến hoạt động cho vay không đúng quy định của pháp luật. Số tiền của các sai phạm này lên đến hàng ngàn tỷ đồng và ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng hiện nay.
Các vụ án ngân hàng liên quan đến vi phạm hoạt động cho vay của các ngân hàng gần đây đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh: CTV
Thực tế cho thấy, trong các vụ án có liên quan về vi phạm trong quy định cho vay tại các ngân hàng trong thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ – Luật Sư (TS.LS) Bùi Quang Tín cho biết nguyên nhân phần lớn là liên quan đến giả mạo hồ sơ cho vay.
Cụ thể, trong vụ sai phạm liên quan đến Phạm Công Danh, ngân hàng Sacombank đã chấp nhận cho vay bằng cách lập và ký các báo cáo kinh doanh giả mạo thông qua các công ty sân sau. Theo đó, Phạm Công Danh đã đem 6 công ty "sân sau" của ông ta ra đứng tên vay và “qua mặt” ông Trầm Bê một cách dễ dàng để vay 1.800 tỷ đồng bằng cách ký các loại tài liệu giả do kế toán lập, gồm: Bảng cân đối số phát sinh năm 2012, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ, chi tiết tài sản cố định, tổng hợp nợ cuối kỳ, …
Về hình thức, tiếp sức cho phi vụ vay vốn này có 6 giám đốc của 6 công ty "sân sau" của ông Danh như đã nêu. Tuy nhiên, có một thực tế là cả sáu người này thì người là lái xe, bảo vệ hoặc nhân viên tiếp thị… thuộc Tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh và mỗi giám đốc này lãnh lương từ 5-10 triệu đồng người/tháng.
Như vậy, vụ việc trên đã vi phạm Khoản 3 Điều 7 quy chế cho vay 1627 sửa đổi, bổ sung về “Điều kiện cho vay”: tức là ông Danh không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết, vì gần như tất cả giấy tờ chứng minh về tài chính và hồ sơ kinh doanh đều là giả mạo; vi phạm Khoản 2 Điều 15 quy chế cho vay trên “Thẩm định và quyết định cho vay”; vi phạm Điều 21 về kiểm tra, giám sát vốn vay; vi phạm điểm b khoản 1 Điều 25 về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng “Từ chối yêu cầu vay vốn của khách hàng nếu thấy không đủ điều kiện vay vốn, dự án vay vốn hoặc phương án vay vốn không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của Pháp luật hoặc tổ chức tín dụng không có đủ nguồn vốn để cho vay”.
Với vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại ngân hàng ACB, ngày 8/8/2013, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm tội kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Bầu Kiên biết rõ quy định của NHNN về trần lãi suất, nhưng vì muốn bảo vệ lợi ích của nhóm cổ đông ACB, bầu Kiên đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác.
Bầu Kiên có vai trò lớn trong việc chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỉ đồng.
Việc bầu Kiên chỉ đạo dùng tiền huy động từ dân không sử dụng vào mục đích cho vay để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết an sinh xã hội, kinh doanh không nằm trong lĩnh vực được cấp phép mà ủy thác cho các tổ chức cá nhân gửi vào các ngân hàng làm sai lệch số lượng tiền gửi, cũng như tài sản thực có của ngân hàng, gây rối loạn thị trường tiền tệ.
Theo đó, vụ án bầu Kiên đã vi phạm quy định tại Điều 106 Luật các TCTD 2010 về Nghiệp vụ ủy thác và đại lý “Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước".
Hải Yên
Theo Báo Tin tức