Nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường ngày 21/2.
Nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường ngày 21/2.
Sự lạc quan kéo dài từ phiên thứ Sáu tuần trước giúp VN-Index mở cửa phiên ngày hôm qua với một gap-up - Nguồn ảnh: VNDirect.
Bên bán có thể tiếp tục gia tăng
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – SSI)
“Hôm nay HSBC công bố bản báo cáo dự báo VND ổn định hơn trong năm 2012 và ông Dominic Scriven, CEO của Dragon Capital cũng nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng điểm mạnh trong hai quý tới với niềm tin chính sách kinh tế và tiền tệ của Việt Nam đang đi đúng hướng.
Về mặt phân tích kỹ thuật, bên bán gia tăng ở vùng giá cao khá mạnh, nhưng cầu tỏ ra lấn át cung và nhiều mã tăng kịch trần ở cả hai sàn giao dịch. Cây nến ngày White Candle tạo khoảng trống (Gap) bứt phá tiệm cận mức cao nhất của đỉnh cũ ngày 9/2 . Khối lượng giao dịch tiếp tục tăng lên mức gần 42,29 triệu đơn vị, tăng 41,8% so với phiên tăng điểm cuối tuần trước.
Bên bán có thể tiếp tục gia tăng trong những phiên giao dịch tới, tuy vậy, nhiều khả năng VN-Index sẽ vượt qua mốc cao nhất của đỉnh ngắn hạn cũ để hình thành đỉnh mới cho chỉ số này. Với sự tích cực của đồ thị sau những phiên hiệu chỉnh cần thiết, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu ở các vùng giá hợp lý trong phiên”.
Khả năng tiếp tục hồi phục cao
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)
“Thông tin một số ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay đang là yếu tố chính, hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chỉ số CPI tháng 3 tới cũng được dự báo ở mức thấp (có thể âm) do tính mùa vụ sau Tết Nguyên Đán cũng tạo kỳ vọng cho thị trường. Tuy nhiên, BVSC vẫn duy trì quan điểm thận trọng với khả năng điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu khi giá dầu thế giới đang leo thang trong những ngày gần đây. Bên cạnh đó, mốc giám sát chặt chẽ các công ty chứng khoán yếu kém từ ngày 1/4/2012 tới cũng có thể gây ra áp lực cung cổ phiếu tiềm ẩn, cản trở đà hồi phục của thị trường.
Diễn biến thị trường trong nhịp tăng điểm gần đây đang cho thấy những tín hiệu hồi phục “nóng” hơn những nhịp hồi phục trong quá khứ. Khả năng tiếp tục hồi phục của thị trường đang dần cao hơn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro đảo chiều mạnh nếu xuất hiện các phiên phân phối khối lượng đột biến trước khi giá cổ phiếu có nhịp điều chỉnh đủ dài.
Như vậy, nếu thị trường xuất hiện hoạt động phân phối mạnh trong một hai phiên tới, các chỉ số giảm về cuối phiên đi kèm khối lượng khớp lệnh trên 70 triệu thì các nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài thị trường. Trong trường hợp thị trường phân phối với khối lượng không quá lớn, các nhà đầu tư có thể lựa thời điểm điều chỉnh sau đó để gia tăng trạng thái cổ phiếu”.
VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm
(Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB – ACBS)
“Sự lạc quan kéo dài từ phiên thứ Sáu tuần trước giúp VN-Index mở cửa phiên ngày hôm qua với một gap-up. Đã không có nỗ lực đáng kể nào của bên bán trong suốt phiên.
Do đang giao dịch ở vùng kháng cự 410-420 nên VN-Index có thể gặp lực cản lớn trong các phiên tới. Tuy nhiên, phiên tăng mạnh cùng khối lượng giao dịch lớn hôm qua cho thấy bên mua đang quyết tâm mua băng mọi giá. Do đó, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm.
Nếu vượt qua vùng 410-420, tương ứng mức Fibonacci 61,8%, VN-Index sẽ cho thấy một xu hướng tăng ngắn hạn mới. Chỉ số này có thể tiếp tục tăng về vùng kháng cự tiếp theo ở 470-480.
HNX-Index sẽ hoàn thành mô hình đảo chiều Head & Shoulders đảo ngược và thiết lập một xu hướng tăng ngắn hạn. Đây là sẽ là cơ hội mua vào tốt đối với các chiến lược ngắn hạn với mức giá mục tiêu của HNX-Index sẽ là 75. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cắt lỗ khi HNX-Index quay đầu giảm xuống dưới vùng hỗ trợ 59-61”.
Nhà đầu tư dài hạn vẫn nên mua
(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS)
“Tâm lý nhà đầu tư trở nên hưng phấn, sự chủ động nghiêng hẳn về bên mua khiến số mã tăng điểm chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Mặc dù tâm lý đầu tư vẫn tồn tại lo ngại về tình hình lạm phát khi chỉ số CPI tháng 2/2012 được dự báo tăng mạnh so với các tháng trước nhưng sức mua trên thị trường vẫn tiếp tục được đẩy mạnh bởi thông tin tích cực về động thái hạ lãi suất cho vay tại một số ngân hàng lớn. Ngoài ra, kỳ vọng về mặt bằng lãi suất mới cũng tiếp tục được mở ra khi thông tin về đấu thầu 5.900 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thành công với lãi suất dưới 12%/năm và lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng xuống dưới 10%/năm.
Theo đó, với tâm lý đầu tư được cải thiện như phiên hôm nay thì nhiều khả năng nhịp tăng của VN-Index sẽ tiếp tục kéo dài trong những phiên giao dịch tới. Tuy nhiên, trong dài hạn, xu thế tăng điểm bền vững của thị trường cần tiếp tục được kiểm chứng bởi khả năng nâng đỡ thị trường của dòng tiền cũng như sự ổn định của tâm lý đầu tư.
Nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn có thể xem xét mua vào những mã cổ phiếu có tính đầu cơ nếu VN-Index tiếp tục tăng mạnh qua ngưỡng kháng cự mạnh 415-420 điểm với thanh khoản được cải thiện. Mặt khác, nhà đầu tư dài hạn vẫn nên mua vào những mã có cơ bản tốt, thanh khoản”.
Củng cố đà tăng
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Woori CBV)
“Thị trường tăng mạnh ngay từ đầu phiên sau đấy chững lại đi ngang, tuy nhiên về cuối phiên lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh mẽ khiến cả 2 sàn cùng bứt phá để gia tăng biên độ dao động. Tâm lý hưng phấn bao trùm bảng điện tử.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu thuộc dạng đầu cơ tiếp tục dẫn dắt thị trường bứt phá. Số mã tăng giá áp đảo số mã giảm giá và cuối phiên có rất nhiều mã có dư mua trần.
Về phương diện kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 20/2 đóng cửa với diễn biến tăng mạnh ở cả 2 sàn kèm khối lượng gia tăng so với phiên trước đó. Đây là tín hiệu rất tích cực để củng cố đà tăng trước đó, đồng thời cũng là tiêu chuẩn để chúng tôi nâng bậc xu hướng trung hạn cùng bậc tăng với xu hướng ngắn hạn. Việc gia tăng dần dần tỷ trọng cổ phiếu trong những phiên tăng giá đầu tiên, hoặc những phiên điều chỉnh là một sự lựa chọn hợp lý”.
*Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.
Văn Nhật
Theo VnEconomy