Tình trạng chung tại các ngân hàng hiện nay là việc nhân sự của ngân hàng này nhảy việc sang ngân hàng khác. "Cơn khát" nhân sự có kinh nghiệm dường như vẫn còn, chỉ thiếu khốc liệt như thời còn "huy hoàng".
Tình trạng chung tại các ngân hàng hiện nay là việc nhân sự của ngân hàng này nhảy việc sang ngân hàng khác. "Cơn khát" nhân sự có kinh nghiệm dường như vẫn còn, chỉ thiếu khốc liệt như thời còn "huy hoàng".
Kỷ luật giám đốc bằng cách cho đi... đòi nợ
Trong giới ngân hàng, mọi người vẫn hay rỉ tai nhau là nhìn vào mục tuyển dụng để đoán... tình hình làm ăn của ngân hàng đó.
Nếu trước đây khoảng 2-3 năm, khi các ngân hàng đang "hái ra tiền" thì tốc độ phát triển mạng lưới nhanh, nên trong các mục tuyển dụng thường rất hay tuyển chuyên viên quan hệ khách hàng, giao dịch viên... Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, người ta lại thấy các ngân hàng đang tích cực tuyển... giám đốc chi nhánh, giám đốc phòng giao dịch.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu, một phần để phục vụ công tác phát triển mạng lưới, nhưng mà một phần để bù đắp cho số lượng các giám đốc bị... xử lý kỷ luật. Ở đây, một trong những hình thức mà các ngân hàng hay áp dụng khi xử lý các cán bộ cấp giám đốc là: cách chức và điều chuyển về xử lý nợ.
Mới nhất, Vietinbank đã cách chức cả ban giám đốc chi nhánh Bến Tre, các trưởng, phó phòng nghiệp vụ tín dụng vì để nợ xấu tăng cao. Trong quyết định này cũng không quên thòng thêm một câu: các cán bộ này có trách nhiệm tập trung xử lý xong nợ xấu trước khi nhận công tác mới hoặc thôi việc. Cũng gần đây, một ngân hàng TMCP cũng đã xử lý, miễn nhiệm mọi chức vụ, điều chuyển về bộ phận xử lý nợ một phó tổng giám đốc kiêm giám đốc một chi nhánh trên địa bàn Hà Nội.
Các ngân hàng thường thích tuyến nhân sự của ngân hàng khác (ảnh minh họa)
Đây chính là hình thức điều chuyển các cựu lãnh đạo về phòng xử lý nợ để tập trung đi đòi nợ. Hình thức này khá phổ biến. Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý nợ và khả năng xử lý nợ đến đâu sao khi về xử lý nợ của các cựu lãnh đạo này còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Và chắc chắn, trong thời gian tới, với sự gia tăng của các món nợ xấu, chắc chắn sẽ còn nhiều giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch sẽ về xử lý nợ. Một chức danh khác mà các ngân hàng đang ráo rác tuyển là... chuyên viên xử lý nợ. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn gắn thêm chữ "gấp" vào đằng sau. Chưa kể, các ngân hàng còn có những cuộc điều chuyển hàng loạt các cán bộ tín dụng về tăng cường cho lực lượng xử lý nợ. Điều này mới thấy sự "dáo dác" của các ngân hàng trên con đường gian truân về xử lý nợ. Các báo cáo tài chính có thể giấu, nhưng sự dịch chuyển nhân sự cũng một phần tố cáo con số nợ xấu thực sự của các ngân hàng hiện nay.
Nước chảy vòng quanh
Nhận xét chung về hiện trạng nhân sự của các ngân hàng thương mại, đó là nhân sự của ngân hàng này nhảy việc sang ngân hàng khác. "Cơn khát" nhân sự có kinh nghiệm dường như vẫn còn, chỉ thiếu khốc liệt như thời còn "huy hoàng". Điều nay thể hiện qua website của các ngân hàng đều có một mục chung: tuyển dụng hoặc cơ hội nghề nghiệp - và nó được vẫn được cập nhật khá thường xuyên. Các yêu cầu tuyển dụng đều ưu tiên những người có kinh nghiệm, thậm chí, nói thẳng là kinh nghiệm ở vị trí tương đương.
Hiện nay nguồn tuyển yêu thích của các ngân hàng lại là... nhân sự của ngân hàng khác. Điều này không quá khó hiểu bởi ngân hàng tuyển luôn ưu tiên những người đã làm ở ngân hàng khác để tận dụng kinh nghiệm, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí đào tạo, đặc biệt là tận dụng các mối quan hệ, khách hàng đã hình thành. Điều này đặc biệt đúng với các cấp quản lý. Và giờ, nó cũng đúng với cả cấp tổng giám đốc khi có sự hoán đổi như thời gian vừa qua của các CEO ngân hàng như ông Nguyễn Đức Vinh từ CEO của Techcombank sang làm CEO của VP Bank, ông Nguyễn Hưng từ VPBank sang ngân hàng Tiên Phong, rồi cả một Vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước cũng rục rịch chuyển sang ngân hàng thương mại. Đây là mục tiêu săn đón bởi họ ngoài kinh nghiệm, ngoài kiến thức, họ còn có những "giá trị vô giá" khác mà họ đã dày công gây dựng.
Qua đó, cũng chứng tỏ nguồn tuyển của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là cấp cán bộ quản lý không phải dồi dào. Nhất là trong thời gian tới, khi nợ xấu tiếp tục tăng cao, chắc chắn các ngân hàng sẽ tiếp tục xử lý kỷ luật nhân sự của mình thì thị trường tuyển dụng nhân sự cấp quản lý sẽ càng nóng bỏng. Đây cũng là điều cần phải khắc phục khi tiến hành tái cấu trúc các ngân hàng.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng "có bộ phận cần phải thải bớt, trong khi có bộ phận vẫn phải tuyển thêm vào" khi tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức do tái cấu trúc. Đây sẽ là một câu hỏi lớn, mà bản thân các ngân hàng sẽ phải tự tìm giải pháp.
Tuy nhiên, cái đáng bàn nhất là hiện tượng nhảy việc của các chuyên viên tín dụng. Đây là những cán bộ trực tiếp tiếp xúc khách hàng, làm hồ sơ, thẩm định lần đầu hồ sơ khách hàng vay vốn. Đây cũng là những người dễ phát sinh rủi ro đạo đức nhất. Thực tế cho thấy, trong tất cả các vụ lừa đảo ngân hàng đều dính dáng đến vấn đề đạo đức của các cán bộ tín dụng.
Thế nhưng, cơ chế xử lý trách nhiệm chưa hẳn đã cao đối với các chuyên viên này. Cơ sở pháp luật chưa có đủ để gắn trách nhiệm của cán bộ tín dụng đối với nợ xấu. Một cán bộ Ngân hàng Nhà nước cho biết là cơ quan này đã có phương pháp xử lý với cán bộ liên quan đến nợ xấu. Tuy nhiên, với tầm của một ngân hàng thì sẽ xử lý như thế nào? Đối với cán bộ cấp quản lý thì cách chức, điều chuyển về bộ phận xử lý nợ để tập trung giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, với cấp chuyên viên thì điều này khó hơn nhiều. Họ có thể thôi việc, ra đi và để lại những khoản nợ xấu rất lớn. Xử lý trách nhiệm thế nào đối với các chuyên viên này? Có thể họ cũng bị điều chuyển về xử lý nợ, bồi thường. Nhưng trên thực tế, cũng rất khó đòi hỏi bồi thường.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nam Á đã khởi kiện cựu giám đốc chi nhánh của mình về đồi bồi thường trách nhiệm do để nợ xấu tăng cao và đã... thua kiện bởi không có văn bản pháp luật nào quy định rõ giám đốc chi nhánh phải có trách nhiệm bồi thường khi xảy ra nợ xấu, và không thu hồi được nợ xấu. Còn xử lý hình sự thì các ngân hàng thường không muốn vì sợ cơ quan điều tra vào sẽ rắc rối, thậm chí có thể bị "dòm ngó" các vấn đề khác.
Ngân hàng cũng có thể áp dụng biện pháp buộc thôi việc, hoặc nhẹ nhàng hơn là gợi ý thôi việc, thậm chí nhân viên thấy có vấn đề cũng tự xin thôi việc. Ngoài ra cũng có hiện tượng cán bộ tín dụng "dừng chân đứng lại" ngân hàng một thời gian khoảng dưới 2 năm rồi cũng tự động xin thôi việc. Sau thôi việc, cơ hội vẫn mở ra với họ.
Bởi như đã nói ở trên, các ngân hàng khác đều đang muốn tuyển dụng cán bộ có kinh nghiệm. Nên khi tuyển dụng, một số cán bộ nhân sự tiếp nhập khá dễ dàng với hồ sơ tương đối lỏng lẻo càng giúp các cán bộ tín dụng rủ bỏ trách nhiệm. Ngân hàng mới tiếp nhận rất khó xác minh thông tin về nợ xấu mà cán bộ tín dụng này gây ra, kết hợp với việc thiếu thốn nhân sự nên các ngân hàng sẽ đặc biệt thích thú, chào đón các cán bộ tín dụng đã từng "kinh qua trận mạc"
Thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước cũng nên lập cơ sở dữ liệu về các cấp cán bộ, lãnh đạo, nhân viên tín dụng các ngân hàng để có thể tra cứu thông tin, thậm chí phải cấm hành nghề để nâng cao năng lực trách nhiệm của cán bộ tín dụng.
Trần Anh Tuấn
Theo Thanhnien