Sự kiện hot
12 năm trước

Nhân viên ngân hàng: 'Sóng ngầm' mất việc, giảm lương

Không hoàn thành chỉ tiêu, không thu được nợ, có nợ xấu nhiều... nhân viên ngân hàng sẽ bị hạ lương, cắt thưởng. Nay kinh doanh khó khăn, nhiều ngân hàng buộc phải cắt giảm lương, thậm chí sa thải nhân viên dưới hình thức “tự nguyện xin nghỉ việc”.

Không hoàn thành chỉ tiêu, không thu được nợ, có nợ xấu nhiều... nhân viên ngân hàng sẽ bị hạ lương, cắt thưởng. Nay kinh doanh khó khăn, nhiều ngân hàng buộc phải cắt giảm lương, thậm chí sa thải nhân viên dưới hình thức “tự nguyện xin nghỉ việc”.

Sóng ngầm mất việc

Hơn 1 tháng trước, anh Đ.H.K, nhân viên một chi nhánh ngân hàng nhỏ tại Hà Nội đã viết đơn xin nghỉ việc.

Trong vòng 3 năm qua, anh K đã mất việc tới 2 lần và bắt đầu thấm thía những khắc nghiệt của nghề tín dụng. “Công việc nhiều rủi ro lắm, không theo kịp guồng máy thì tự khắc bị đào thải thôi” - anh K mở đầu câu chuyện.

Theo anh K, mức lương cao đồng nghĩa với áp lực công việc lớn. Làm nhân viên tín dụng công việc lúc nào cũng căng thẳng. Nguyên tắc người nào cho vay phải canh me lo thu hồi nợ, phải thường xuyên đốc thúc khách hàng trả nợ gốc, lãi đúng hạn.

Có khi, nửa đêm vẫn phải giải quyết vấn đề phát sinh đến các tài sản thế chấp của khách hàng. Điều tối kỵ với nhân viên tín dụng là có nợ xấu, nợ quá hạn lớn, khi đó cuối năm sẽ bị cắt thưởng.

Cùng với việc cắt giảm lao động, lương, thưởng ngành ngân hàng dự báo
cũng sẽ giảm

Sau chục năm lăn lộn, anh K đã mua được nhà riêng, xe ôtô ở Hà Nội và có một ít vốn để dành.

Nhưng giờ anh bắt đầu thấy ám ảnh bởi thông tin các cán bộ, lãnh đạo ngân hàng bị khởi tố, bắt giam gần đây.

Trong đó, có nguyên giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội, từng là cấp trên của anh đã bỏ trốn sau khi chiếm đoạt gần 150 tỷ đồng của ngân hàng.

“Vi phạm pháp luật là rủi ro của nghề liên quan đến tiền bạc và cái giá phải trả rất đắt!” - anh K nói và cho biết sẽ tìm kiếm một chỗ làm mới có thể không phải ngân hàng.

Hiện, nhiều ngân hàng nhỏ đang phải cơ cấu lại và đầu tiên là cắt giảm nhân sự không đủ điều kiện theo yêu cầu mới, khắc nghiệt hơn.

Giảm lương, lo không được thưởng Tết

Nhân viên ngân hàng ngày càng bị áp lực công việc, trong khi thu nhập giảm
(ảnh mang tính minh họa)

Lâu nay, mức lương bình quân của ngành ngân hàng thuộc hàng cao nhất. Đơn cử, năm 2011 thu nhập bình quân của nhân viên một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, ACB… khoảng 16-22,4 triệu đồng/tháng.

Nhân viên các ngân hàng khác như BIDV, Bảo Việt, Eximbank, SHB.... cũng có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Mức lương 5-7 triệu đồng/tháng là phổ biến ở các ngân hàng nhỏ.

Nhưng sang năm 2012, mức thu nhập của các ngân hàng có sự biến động lớn. Theo báo cáo tài chính quý 3-2012 của Vietinbank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng qua đạt hơn 5.959 tỷ đồng, tăng hơn 419 tỷ đồng.

Nhưng khoản chi lương và phụ cấp cho nhân viên chỉ 2.700 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết quý 3, Vietcombank có 13.170 nhân viên, tăng 989 người so với cuối năm 2011.

Trong khi đó, khoản chi lương và phụ cấp cho nhân viên chỉ 1.985 tỷ đồng. Nếu chia bình quân, thì mức thu nhập bình quân của người lao động là 16,7 triệu đồng/người/tháng, giảm mạnh so với mức 22,4 triệu đồng/người/tháng trong năm 2011.

Một lãnh đạo ngân hàng BIDV cho biết: “Đến giờ, hội sở chưa có thông tin gì về việc cắt giảm lương”.

Theo vị này, trong tình cảnh khó khăn hiện nay, ngay cả các ngân hàng lớn ở nước ngoài như HSBC cũng sa thải nhân viên, đây là chuyện bình thường. Hiện, việc sa thải nhân sự ở các ngân hàng Việt Nam chưa đến mức ghê gớm, chỉ mang tính nhỏ lẻ. Nhưng là cách để tiết giảm chi phí, đào thải những nhân sự không đủ điều kiện.

Là nhân viên ngân hàng quốc doanh, chị N.M.Hà - nhân viên giao dịch tại chi nhánh Hà Nội cho hay lương chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Thu nhập hẻo, phải dè sẻn chi tiêu đủ thứ, chị Hà phải tiêu trước bằng thẻ tín dụng của ngân hàng, tháng sau mới trả được.

Trước thông tin ngân hàng có thể cắt giảm lương, chị Hà hết sức lo lắng: “Ngân hàng quy định 3 năm mới được tăng lương một lần. Tôi mới đi làm chưa được tăng lương lần nào, giờ giảm lương chắc không đủ sống. Nhưng tình hình khó khăn thế này, năm nay có khi còn không có thưởng”.

Anh N.H.T (ở TPHCM) vốn là cán bộ tín dụng ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2011, do SCB sáp nhập với 2 ngân hàng khác để tái cơ cấu, nên hoạt động cho vay bị dừng, chỉ tập trung xử lý nợ xấu.

Anh T cũng như các cán bộ tín dụng khác bỗng dưng ngồi chơi xơi nước một thời gian, sau đó được khoán chỉ tiêu huy động vốn 3-4 tỷ đồng/tháng. Thấy công việc nhàm chán và không phù hợp nên anh T đã xin nghỉ việc.

Hiện giờ, anh T làm việc tại một chi nhánh Ngân hàng Eximbank với thu nhập 8 triệu đồng/tháng theo hình thức khoán việc, tính lương theo điểm. Nếu nhân viên đạt dưới mức 540 điểm thì bị trừ lương.

Năm trước, các ngân hàng có lợi nhuận cao nên ngoài tháng lương thứ 13, nhân viên còn được chia thêm phần lợi nhuận vượt chỉ tiêu (theo tỷ lệ 5-10% phần lãi chênh).

Do đó, có nhân viên làm tốt được thưởng Tết tới 10-13 tháng lương. Tuy nhiên, năm nay, tình hình kinh doanh khó khăn, nên nhiều nhân viên ngân hàng dự đoán khoản thưởng tết sẽ hao hụt nhiều, thậm chí không có.

“Năm ngoái SCB không có thưởng Tết, năm nay khó khăn thế này, mình chỉ mong có đủ lương thôi, không hi vọng có thưởng Tết”- anh T thở dài.

Theo Tiền phong

Từ khóa: