Nhật báo hàng đầu Mainichi của Nhật Bản số ra ngày 18/10 dẫn công bố ngày 16/10 của Bệnh viện Đại học Kyoto cho biết họ đã phát triển thành công một hệ thống sử dụng công nghệ bản đồ chiếu để chiếu sáng phần gan sẽ được loại bỏ trong quá phẫu thuật ung thư gan nhằm nâng cao hiệu quả các ca phẫu thuật.
Ảnh minh họa. (Nguồn: tfm.usc.edu)
Hệ thống mới này sử dụng một thiết bị kết hợp một camera hồng ngoại và một máy chiếu, nhờ đó mà các hình ảnh thực hiện bởi những máy ảnh được chiếu lên một phần cơ thể tương ứng.
Với các máy ảnh và máy chiếu hoạt động kết hợp với nhau, tình trạng gan vẫn có thể được theo dõi một cách chính xác và được chiếu sáng ngay cả khi nó di chuyển vị trí trong suốt quá trình phẫu thuật.
Bằng cách có thể trực tiếp chỉ ra các vùng gan bị bệnh, các công nghệ mới dự kiến sẽ cho phép phẫu thuật an toàn hơn và chính xác hơn. Hơn thế nữa các nhà sáng chế còn hy vọng một ngày nào đó, kỹ thuật mới này cũng sẽ được sử dụng trong các phẫu thuật điều trị ung thư vú và ung thư phổi.
Cho đến bây giờ, cắt bỏ gan vẫn được tiến hành bằng cách tiêm thuốc nhuộm huỳnh quang phát ra ánh sáng dưới tia hồng ngoại vào khu vực bình thường của gan. Một camera hồng ngoại được sử dụng để chụp ảnh của gan, sau đó hình ảnh được chiếu lên một màn hình. Phương pháp này đòi hỏi phẫu thuật viên phải liên tục quan sát giữa gan và màn hình do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của người bệnh trong quá trình phẫu thuật.
Cắt bỏ gan yêu cầu cần phải kiểm soát chặt chẽ sự mất máu cũng như hoạt động của các chức năng gan do đó loại hình phẫu thuật này được coi là phức tạp nhất.
Theo tạp chí Y học Surgery Gastroenterological Nhật Bản, tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật cắt gan là 1,9% trong vòng 30 ngày đầu tiên, và 3,8% trong vòng 90 ngày đầu tiên, vì vậy nhu cầu về một phương pháp phẫu thuật an toàn hơn đang ngày càng trở lên cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo một số quan chức Bệnh viện Đại học Kyoto cho biết hiện một viện nghiên cứu nằm ở quận Sakyo thuộc thành phố Kyoto, đã sử dụng công nghệ mới này theo một dự án cho khoảng 30 trường hợp ung thư gan, và đang cân nhắc kế hoạch thực hiện khoảng 30 ca phẫu thuật trong năm tới.
Tuy nhiên, theo các nhà sáng chế Nhật Bản, trước khi các công nghệ phẫu thuật ung thư gan mới này được đưa vào sử dụng rộng rãi, họ cần hoàn thiện và cải tiến chúng tối ưu hơn, đặc biệt là cải thiện khả năng theo dõi các tia ánh sáng của thiết bị.
"Bằng cách thực hiện hệ thống mới, chúng ta có thể hy vọng các ca phẫu thuật sẽ được thực hiện với độ chính xác cao hơn," ông Etsuro Hatano - giảng viên cao cấp Khoa Giải phẫu đường mật, tụy và gan tại Bệnh viện Đại học Kyoto cho biết. Ông Etsuro Hatano còn nói thêm công nghệ mới này cũng sẽ sớm được sử dụng trong các loại hình phẫu thuật khác như điều trị ung thư vú và ung thư trực tràng.
Phát triển hệ thống kỹ thuật mới này nằm trong một dự án hợp tác giữa Trường Đại học Kyoto và Tập đoàn Panasonic. Kết quả là các nghiên cứu này đã bắt đầu được ứng dụng trên lâm sàng từ năm 9/2014.
Theo chiến lược của dự án, loại hình công nghệ mới này dự kiến sẽ được đưa ra thị trường vào đầu năm 2018.
Gia Quân
theo Vietnam+