Mặc dù các doanh nghiệp ra sức giải thích “nợ xấu là do thời điểm” để ngân hàng có niềm tin “cấp cứu tiền” cho doanh nghiệp, nhưng người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn một mực bảo vệ ý kiến: “Không thể bằng mọi giá cứu tất cả doanh nghiệp”.
Mặc dù các doanh nghiệp ra sức giải thích “nợ xấu là do thời điểm” để ngân hàng có niềm tin “cấp cứu tiền” cho doanh nghiệp, nhưng người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn một mực bảo vệ ý kiến: “Không thể bằng mọi giá cứu tất cả doanh nghiệp”.
Sáng 20/7, tại Hội nghị đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và doanh nghiệp (DN) nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh 6 tháng còn lại của năm, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Intimex, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết: “Do làm ăn có lãi, công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía ngân hàng (NH). Tuy nhiên, công ty cũng có sự chọn lọc NH để vay. Bởi có NH “sáng nắng, chiều mưa”: Sáng cho vay, chiều đóng cửa. Chúng tôi rất sợ”.
Ngân hàng siết nợ bừa bãi
Nói về những khiếm khuyết của NH, ông Nam thẳng thắn, các NH rất chủ quan khi siết nợ DN, không phân biệt tốt, xấu. Mặc dù các NH đề nghị DN dồn hết các khoản vay về một NH thì sẽ được hỗ trợ, nhưng ông Nam tỏ ra băn khoăn: “Nếu dồn về một NH, nay mai họ thay đổi, chúng tôi không kịp xoay sở”.
Nói về con số nợ xấu mà NHNN vừa công bố, ông Nam vô cùng bức xúc và cho rằng đó là con số rất không bình thường. Theo lý giải của ông này, nếu trước đó, DN vay tiền để mua hàng nông sản, nhưng từ đầu năm, mặt hàng này đi xuống, tồn kho cao. Hàng chưa bán được mà NH bắt bán, không cho gia hạn nợ, nhiều DN buộc phải vay nóng, trả nợ NH, rủi ro cao, vượt quá sức thì cho rằng đó là nợ xấu, là vô lý. Ông Nam minh chứng, có DN nhập 10.000 tấn điều, NH cho vay tiền. Tuy nhiên, lúc đó DN chưa xuất được hàng, vì giá điều từ 40.000 đồng giảm xuống còn 20.000 đồng/kg. NH đòi nợ, DN phải đi vay nóng. Khi DN bị các chủ nợ siết nợ thì NH lập tức la lên là DN có nợ xấu. Điều đó, vô hình chung khiến các DN “chết” oan, bởi theo tâm lý số đông, các NH khác cũng hoảng hốt theo và kéo đến siết nợ. “Thay vì siết nợ kiểu đó, NH nên cho DN gia hạn nợ, khi giá điều lên 30.000 đồng/kg, họ sẽ bán để có thể bù đắp một phần khoản nợ vay. Nợ xấu chỉ là do thời điểm thôi, nhưng NH cứng nhắc quá”, ông Nam nói.
Với rất nhiều cố gắng, nhiều giải pháp hỗ trợ, song thực tế chỉ những DN đủ sức khỏe
đúng nghĩa mới có cơ hội thoát khổ.
Các DN cũng chỉ ra rằng, hiện nay, niềm tin giữa DN – NH, DN – DN đã không còn. Dù đã có chỉ đạo NHNN nhưng không phải DN nào cũng được tiếp cận với lãi suất dưới 15%/năm. NH chỉ gật đầu giảm lãi suất với DN khỏe. Các DN chung kiến nghị, DN nào có phương án tốt thì cho vay luôn, đừng làm khó, DN mất cơ hội.
Lãi suất 15% ổn định ít nhất 1 năm
Rất hồ hởi khi mới đây NHNN yêu cầu các NHTM đưa lãi suất nợ cũ về 15%, nhưng Tổng giám đốc công ty Lexim vẫn vô cùng bức xúc về cơ chế cho vay của các NH. Vị lãnh đạo này cho biết, chưa từng trả nợ chậm một ngày, nhưng vừa qua, khi vay ở Vietinbank chi nhánh Hà Nội, tuy có phương án kinh doanh, có tài sản thế chấp, nhưng hơn 1 tháng nay, hồ sơ dậm chân tại chỗ, bởi mỗi hôm lại thêm một thủ tục, rồi phải chờ báo cáo tài chính 6 tháng, liên tục bổ sung hồ sơ… “11 năm kinh doanh, chưa một lần trả chậm mà một NH nhiều vốn, thông thoáng nhất như Vieinbank còn phải chờ đợi 1,5 tháng thì các NH khác thế nào?”, vị này bày tỏ.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hệ thống NH đang tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, nhưng “với những DN không có khả năng phát triển thì NH kiên quyết loại bỏ. Chúng ta hỗ trợ, gỡ khó khăn nhưng không phải với mọi đối tượng, không thể bằng mọi giá cứu mọi DN được”. Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế vững bền, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt, bản thân các DN và NH phải tái cấu trúc. DN nào có thể phát triển tốt thì vốn sẽ tập trung vào đó, có như vậy mới tạo ra động lực cho nền kinh tế. Đồng thời, Thống đốc khẳng định, “mức lãi suất cho vay 15%/năm sẽ ổn định ít nhất trong 1 năm”.
Về những bất cập trong nguồn vốn trung và dài hạn, ông Bình cho rằng thời gian qua, gần 100% vốn huy động của NH là ngắn hạn. Nhưng thống kê thì NH đã sử dụng 30 – 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, chủ yếu là khách hàng DN. “NH phải giật gấu vá vai thôi”, ông Bình nói. Cũng theo Thống đốc NHNN, mấu chốt vấn đề là trong nền kinh tế phân ra thị trường tiền tệ và vốn. Nhưng vừa qua, chúng ta đã gánh cả 2 vai này, quá sức, do lịch sử để lại. NH chủ yếu sử dụng vốn ngắn, còn vốn trung và dài hạn phải ở thị trường vốn. “Với chính sách hiện nay, ta bắt đầu tạo dựng lại hai thị trường này về đúng vai của nó”, ông Bình nói.
DN nhỏ sức cạnh tranh yếu
Tại hội thảo Hội nhập DNNVV Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 20/7, đa số các ý kiến đều cho rằng, mặc dù có trên 468.000 DNNVV đang hoạt động, chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhưng hầu hết đều yếu về năng lực cạnh tranh; khả năng liên kết, kỹ năng lao động kém; khả năng tiếp cận tài chính yếu; năng lực công nghệ ở trình độ thấp; nhiều rào cản thủ tục tăng thời gian và chi phí; chịu sự cạnh tranh của DN lớn và tác động của hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu sự hợp tác giữa các DN. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), tính đến cuối tháng 6/2012, trên cả nước có 658.645 DN đăng ký thành lập, trong đó 468.023 DN đang hoạt động (chiếm 71,1%). Số DNNVV tính theo tiêu chí lao động qua từng năm tăng trung bình 22,11%/năm.
|
Theo Datviet