Có 3 khúc mắc lớn đang gây khó khăn cho việc triển khai T+2, nghiệp vụ đã được thị trường mong đợi từ nhiều năm.
Có 3 khúc mắc lớn đang gây khó khăn cho việc triển khai T+2, nghiệp vụ đã được thị trường mong đợi từ nhiều năm.
Phương án giao dịch T+2 đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trình Bộ Tài chính và được chấp thuận cho triển khai về mặt nguyên tắc.
3 trở ngại lớn
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo UBCK cho biết, trên cơ sở đồng ý về mặt nguyên tắc, Bộ Tài chính chỉ đạo UBCK cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố thuận lợi và khó khăn trước khi chính thức triển khai. Thực tế, gần hai tháng qua, UBCK đã có những bước rà soát các yếu tố phục vụ cho triển khai giao dịch T+2. Kết quả rà soát bộc lộ 3 trở ngại chính.
Thứ nhất là thách thức về trang bị công nghệ của CTCK. Do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nên trong thời gian ngắn, các CTCK không dễ thu xếp kinh phí cho mua sắm thiết bị đáp ứng được đòi hỏi của việc triển khai T+2. Tính tuân thủ của không ít CTCK còn nhiều hạn chế, khiến cơ quan quản lý quan ngại phát sinh rủi ro.
Thứ hai, việc cho phép giao dịch chứng khoán trước ngày T+3 sẽ xảy ra tình huống thiếu hụt chứng khoán trong thanh toán bù trừ đa phương. Theo thông lệ quốc tế, có hai cách để xử lý tình huống này: vay chứng khoán từ một nguồn cụ thể để bù đắp thiếu hụt, hoặc Trung tâm Lưu ký (VSD) phải ứng khống một lượng chứng khoán để đảm bảo cho hoạt động thanh toán. Sau đó, đối tượng vay phải mua chứng khoán trả nợ với số lượng tương ứng. Tuy nhiên, để triển khai các hoạt động này, đòi hỏi cơ quan quản lý phải rà soát, hoàn chỉnh các quy định pháp lý liên quan.
Có sự nhầm lẫn giữa mua bán CK trước T+3 với việc rút ngắn chu kỳ thanh toán
Thứ ba, trở ngại lớn nhất hiện tại là VSD phải xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống đối tác bù trừ trung tâm, yếu tố quyết định cho triển khai T+2. Theo thông lệ quốc tế, hệ thống này được tích hợp chủ yếu để phục vụ cho giao dịch của thị trường phái sinh, chỉ sử dụng một phần tính năng cho giao dịch T+2.
Trong khi đó, theo kế hoạch, khoảng 2 năm nữa, hệ thống này mới được thực hiện để trang bị công nghệ cho chuẩn bị triển khai thị trường phái sinh. Nói như vậy để thấy, muốn triển khai sớm hệ thống đối tác bù trừ trung tâm, đòi hỏi phải bố trí ngay một khoản kinh phí không nhỏ, đồng thời việc này trên thực tế mất không ít thời gian.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường còn đối mặt với nhiều khó khăn hiện tại, VSD rất e ngại rủi ro khi triển khai T+2, nên trong quá trình bàn thảo với các thành viên thị trường, VSD chưa đồng ý triển khai nghiệp vụ này.
Trăn trở giữa chi phí và hiệu quả
Ngoài lo ngại rủi ro hệ thống, lãnh đạo UBCK chia sẻ, một trăn trở lớn trong quá trình tìm kiếm phương án triển khai T+2 là giải bài toán giữa chi phí và hiệu quả khi xây dựng hệ thống đối tác bù trừ trung tâm.
Trước vướng mắc này, đã có không ít ý kiến đặt câu hỏi, phải chăng cơ quan quản lý, vận hành thị trường đã thiếu tầm nhìn dài hạn trong quá trình triển khai công nghệ phục vụ cho hoạt động giao dịch, cũng như thanh toán bù trừ của thị trường, nên mới dẫn đến tình trạng lúng túng hiện tại?
Lãnh đạo UBCK không cho là như vậy, bởi theo tính toán của cơ quan quản lý, nếu xây dựng hệ thống đối tác bù trừ trung tâm chỉ để phục vụ cho giao dịch T+2 thì sẽ gây lãng phí không nhỏ.
Nguyên nhân là bởi đặc tính của hệ thống này chủ yếu nhằm phục vụ cho giao dịch của TTCK phái sinh, trong khi theo kế hoạch, vài năm nữa Việt Nam mới triển khai thị trường này, nên khi đó công nghệ của hệ thống đối tác bù trừ trung tâm khó tránh khỏi lạc hậu…
Khó khăn là vậy, nhưng lãnh đạo UBCK cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCK đang nỗ lực theo đuổi để tìm kiếm phương án triển khai T+2. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhận thấy không ít ý kiến đang có sự nhầm lẫn giữa mua bán chứng khoán trước ngày T+3 với việc rút ngắn chu kỳ thanh toán.
Sự nhầm lẫn này dẫn tới kỳ vọng thái quá của NĐT, nên dễ khiến T+2 khi đưa vào giao dịch không đáp ứng được mong đợi của họ. Khi đó dễ tác động tiêu cực đến tâm lý của NĐT, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn hiện tại.
Kinh nghiệm quốc tế mà UBCK trực tiếp khảo sát, điển hình là đợt học hỏi kinh nghiệm tại Đài Loan hồi giữa năm 2011 cho thấy, giao dịch T+2 tác động đến thanh khoản không nhiều, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô và hoạt động của DN còn nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính, UBCK vẫn đang tính toán thiệt hơn trước khi chính thức chốt thời điểm và cách thức triển khai T+2, còn thị trường vẫn đang ngóng đợi nghiệp vụ này sớm ra mắt. Điều đó đòi hỏi cơ quan quản lý cần khẩn trương tìm ra lời giải tối ưu cho triên khai T+2, để nghiệp vụ này không còn là lời hứa kéo dài suốt mấy năm qua!
Hữu Đạo
Theo Dau tu chung khoan