Sự kiện hot
13 năm trước

Nhiều làng nghề nổi tiếng giờ hoang tàn

Cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại, việc không tiếp cận được vốn vay hay vay với lãi suất quá cao, giá nguyên vật liệu đắt đỏ trong khi đầu ra thu hẹp dần là nguyên nhân đẩy không ít làng nghề vào tình huống sống dở chết dở.

Cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại, việc không tiếp cận được vốn vay hay vay với lãi suất quá cao, giá nguyên vật liệu đắt đỏ trong khi đầu ra thu hẹp dần là nguyên nhân đẩy không ít làng nghề vào tình huống sống dở chết dở.

Các làng nghề đang phải xoay sở đủ kiểu để chống chọi với khó khăn và tồn tại. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp, tổ hợp nghề đã biết cách duy trì, mở rộng sản xuất và ngày càng tìm được nhiều bạn hàng và thị trường xuất khẩu mới.

Đầu vào tăng, đầu ra đứng yên

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao đặc biệt lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức 20-22% khiến nhiều làng nghề ở Hà Nội buộc phải dừng sản xuất, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.

Làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có gần 2.000 hộ dân, với trên 90% làm nghề  mây tre đan. Đây từng được mệnh danh là "làng tỉ phú", nhưng đang chết dần. Đến thời điểm này, Phú Túc đã thu hẹp quy mô sản xuất đến 50%, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do hàng làm ra "đắp chiếu" trong kho không có người mua.

Về làng Phú Túc những ngày cuối tháng 3, điều bất ngờ là sự bình yên và đìu hiu quá đỗi của một làng nghề. Không còn cảnh mây tre, cỏ tế, guột... giăng kín đường nữa. Con đường dẫn vào làng sóc nảy, ghập ghềnh rất khó đi. Ngay cả ở thôn Lưu Thượng, trung tâm làm nghề mây tre đan của xã, không khí sản xuất cũng rất èo uột. Theo các doanh nghiệp (DN) ở đây, số lượng sản phẩm của làng nghề tiếp tục giảm, chỉ bằng một nửa so với cùng kì năm trước. Các thị trường chính như: Nga, Đông Âu, Chi Lê, Pháp, Đức... đều giảm nhập khẩu mặt hàng này. Đơn hàng mới không có, ít việc nên nhiều người dân ở đây đã chuyển sang làm các nghề khác như: buôn bán, làm tăm tre... để có thu nhập sống tạm qua ngày.

Làm không đủ ăn, nhiều gia đình đã phải bỏ nghề hay chuyển sang nghề khác. Người dân trong xã bỏ quê ra thành phố để làm thuê. Bác Toàn ở thôn Lưu Thượng (Phú Túc, Phú Xuyên), chia sẻ: "Trước kia gia đình lấy nghề mây tre đan làm nghề chính nuôi sống gia đình, nhưng nay thì gia đình quay trở lại với nghề nông, lúc nông nhàn nếu có đơn hàng chúng tôi mới nhận làm thêm gia công cho một số cơ sở chuyên sản xuất trong vùng nhưng thu nhập rất thấp".

Phú Túc - làng nghề mây tre đan "tỷ phú" một thời giờ sống cầm hơi (ảnh Bảo Hân)

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, chủ tổ hợp sản xuất mây tre đan Phú Thịnh, công nhân của tổ hợp đang phải làm cầm cự, doanh thu giảm mạnh, có nguy cơ phải đóng cửa. Suy thoái kinh tế cũng như sự lãi suất tăng mạnh, giá nguyên liệu biến động đang khiến các doanh nghiệp mây tre đan khốn đốn.

Theo ông Nguyễn Văn May, Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu Phú Tuấn (Phú Túc, Phú Xuyên), từ cuối năm 2008, cụm làng nghề Phú Túc rơi vào khủng hoảng... Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng nông thôn của xã kém, nhiều đoạn đường liên thôn hỏng, xuống cấp nghiêm trọng khiến việc vận chuyển hàng hóa từ các thôn ra đường trục chính của xã hết sức bất lợi. Bức tranh "làng tỷ phú" càng trở nên ảm đạm. Mặt khác, đa số các DN, cơ sở sản xuất ở làng nghề đều rất hạn chế về nguồn vốn.  Nghề mây, tre đan quay vòng vốn chậm, đồng vốn đầu tư thường mất khoảng 5 tháng mới thu về giá trị. Nhiều DN phải vay vốn, sau hạch toán thường bị lỗ. Để đối phó với giá vật tư tăng cao, một số cơ sở đã cắt bớt nguyên liệu khiến chất lượng sản phẩm giảm sút.

Ông Thịnh cho biết, tiền thuê nhân công ngày càng cao, bình quân tổ hợp sản xuất phải trả 80 nghìn đồng/người/ngày. Đó là chưa kể nguyên liệu để làm sản phẩm có theo mùa mà giá cả tăng chóng mặt. Nhiều khi có đơn hàng mới nhưng không có nguyên liệu sản xuất lại lên tận các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang hay vào Hà Tĩnh, và thậm chí còn phải sang cả Lào, để mua guột với giá cao cắt cổ.

"Hiện giá guột đã tăng 30% so với thời điểm trước tết, Từ 45.000 đồng lên 65.000 đồng/kg. Thu mua nguyên liệu còn phải cạnh tranh với phía Trung Quốc. Giá nguyên liệu cao, chưa tính chi phí đi lại tốn kém khiến sản phẩm làm ra bị đội giá. Khách hàng không chấp nhận mức giá mới nên dù chúng tôi cố làm cũng không có người mua", ông Thịnh than thở.

Hầu hết các DN mây tre đan cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Phương Quang, chủ cơ sở sản xuất nghề thủ công truyền thống Mây tre đan Việt Quang (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, HN), mấy năm gần đây, do suy thoái kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giá nhân công tăng nên cơ sở cũng sản xuất cầm trừng. Hiện nay, cơ sở sản xuất đã phải cắt giảm bớt một nửa nhân công chính từ 37 xuống còn 18 nhân công, số nhân công vệ tinh hầu như không sử dụng đến.

Một cặp bình khảm trai tinh xảo của làng Chuôn được khách hàng ưa thích (ảnh mytour)

Xoay sở tìm hướng đi mới

Gìn giữ nghề cha ông để lại và bảo tồn được giá trị văn hóa dân gian là một việc không hề đơn giản trong thời buổi công nghiệp hóa hiện nay. Làm thế nào để các làng nghề có thể phát triển một cách bền vững những tinh hoa truyền thống trong sản phẩm là nỗi day dứt thường trực của mỗi người dân làng nghề. Không chịu chung số phận với những làng nghề truyền thống ở Hà Nội đang "chết mòn", một số doanh nghiệp, làng nghề truyền thống khác đã "vùng lên" tự tìm cho mình những hướng đi mới để khẳng định vị thế, tiếp tục tồn tại và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn May tiết lộ, trong khó khăn, mỗi năm DN của ông vẫn xuất khẩu hàng trăm container các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ra nước ngoài, doanh thu ước tính đạt 10 tỷ đồng. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ đó mà doanh nghiệp đã giải quyết được việc làm cho hầu hết người dân trong xã và một số xã lân cận.

Để có kết quả trên, ông May đã phải lần mò từ những bước đi đầu tiên để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm mình làm ra. Mới đầu, ông thường trở hàng bằng xe máy ra Hà Nội hết sức vất vả nhưng cũng không mấy hiệu quả, về sau thì tìm kiếm đến các hội chợ quốc tế, các triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, rồi quảng cáo sản phẩm qua mạng để giới thiệu sản phẩm một cách rộng rãi hơn tới các khách hàng trong và ngoài nước. Nhờ đó, doanh nghiệp có được những bạn hàng lớn từ nước ngoài. Theo ông May, cách này đã đem lại thành công lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Phú Tuấn.

Hiện tại, sản phẩm mây tre đan của doanh nghiệp Phú Tuấn được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản,  Đông Âu, Nga, Canada, và đang bước đầu tiếp cận mở rộng sang thị trường Nam Mỹ... Ông May cho rằng, đây là những thị trường rộng lớn, tiềm năng để các doanh nghiệp khác có thể tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, để có thể tồn tại ở các thị trường này đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có chất lượng tốt, cần loại bỏ đi các mẫu mã đơn giản, thiếu sức hấp dẫn mà thay vào đó phải là những mẫu mã đẹp và đa dạng. Đặc biệt, nhà sản xuất phải nắm được thị hiếu của người tiêu dùng, tránh rơi vào tình trạng mẫu mã bị lỗi thời, lạc hậu.

Còn ông Đỗ Đức Thắng, chủ xưởng sản xuất đồ khảm trai Đức Hùng, khẳng định, nhờ việc tìm kiếm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước cũng như thay đổi mẫu mã sản phẩm mà nghề khảm trai ở làng Chuôn (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn phát triển mạnh mẽ. Người lao động ở đây có thu nhập ổn định từ 4-7 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy mà gần như 100% các hộ gia đình vẫn còn gắn bó với nghề khảm trai và coi đó là nghề chính để nuôi sống gia đình.

Trong nhiều năm liền, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Phú Tuấn cũng như các xưởng sản xuất đồ khảm trai ở làng Chuôn đã không ngừng mở các lớp dạy nghề nhằm nâng cao tay nghề và giúp cho người dân nơi đây nắm chắc kỹ thuật sản xuất cũng như tiếp cận, làm quen với các mẫu mã mới để có thể bắt kịp được với xu hướng của thị trường.

Theo ông Thắng, để hầu hết các làng nghề truyền thống có thể tồn tại và phát triển bằng cách tự tìm cho mình những hướng đi mới là rất khó khăn. Vì vậy, các làng nghề cũng rất cần sự ủng hộ của Nhà nước bằng các chính sách hỗ trợ tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí tham dự các hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm, hoặc xem xét có cơ chế khuyến khích các ngân hàng đưa ra những gói lãi suất vay vốn "dễ thở" hơn để doanh nghiệp có điều kiện tồn tại, vượt qua khó khăn và tiếp tục mở rộng hoạt động trong tương lai.

Bảo Hân
Theo VEF


Từ khóa: