Sau thời gian dài của năm 2012 hứng chịu khó khăn, nhiều ngành sản xuất đang dần dần vực dậy và tìm được chỗ đứng trên thị trường thông qua số lượng đơn đặt hàng và sức tiêu thụ.
Sau thời gian dài của năm 2012 hứng chịu khó khăn, nhiều ngành sản xuất đang dần dần vực dậy và tìm được chỗ đứng trên thị trường thông qua số lượng đơn đặt hàng và sức tiêu thụ.
Ngành đầu tiên được nhắc đến khi đang thoát dần khỏi khủng hoảng và tiến tới phát triển bền vững, đó là dệt may.
Bằng chứng, trong tháng đầu tiên của năm 2013, sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo; quần áo người lớn… đều tăng hơn so với cùng kỳ. Điều này kéo kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ.
Với tiền đề đó, theo dự báo của ngành dệt may, nhu cầu dệt may của thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng nhẹ. Tính đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã nhận được đơn hàng đến hết quý I/2013. Thậm chí, một số doanh nghiệp lớn đã nhận được đơn hàng đến quý II, quý III năm nay.
Nhận định của Bộ Công Thương cho thấy, đây là tín hiệu vui cho ngành dệt may. Vì vậy, ngành dệt may cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động, chú trọng những mặt hàng có yêu cầu kĩ thuật, chất lượng cao, linh hoạt trong việc đáp ứng các đơn hàng, đầu tư hơn nữa vào chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia.
Cùng với ngành dệt may thì da giầy trong tháng đầu tiên của năm mới cũng đã tăng trưởng ổn định, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cho năm 2013. Do đó, sản lượng giầy, dép, ủng giả da cho người lớn tháng 1 ước đạt 19,1 triệu đôi, tăng 13,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh việc duy trì ổn định sản xuất, doanh nghiệp đã biết cân đối đơn hàng sản xuất tại Việt Nam với dung lượng đơn hàng tại Trung Quốc, Indonesia (một số mẫu giày sử dụng công nghệ cao trước đây chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc, hiện nay đã được sản xuất đại trà tại Việt Nam). Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã tận dụng tốt và đang dần gia tăng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, nhất là đối với hàng giày vải, thể thao.
Dự báo, đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ có thể tăng khoảng 10% nhờ tác động tích cực từ TPP và thị trường EU năm nay sẽ ổn định hơn so với 2012.
Một ngành đang được nhắc nhiều trong tháng Tết này đó là ngành Bia, rượu, nước giải khát. Trong tháng đầu năm 2013, sản lượng bia các loại ước đạt 195,9 triệu lít, giảm 6,6% so với tháng 12/2012 nhưng tăng 14,8% so với cùng kỳ, đảm bảo lượng hàng đủ cung ứng trong dịp tết.
Theo nhận định, Tết năm nay, lượng tiêu thụ bia không cao so với cùng kỳ do việc tiết giảm chi tiêu của đại bộ phận dân cư. Tuy nhiên, giá các sản phẩm bia sản xuất trong nước đã tăng nhẹ khoảng 5%, trong khi giá bia nhập khẩu chưa tăng.
Năm 2013, mức thuế nhập giảm từ 45% xuống còn 30% đã tạo điều kiện cho bia nhập khẩu về nhiều hơn. Hiện thị trường bia nhập khẩu đang có khoảng gần 40 nhãn bia từ các quốc gia như Đức, Bỉ, Pháp, Séc, Anh, Nga, Mỹ, Nhật… với phân khúc giá cao đáp ứng nhu cầu mua làm quà biếu tặng và sở thích bia mới lạ của người tiêu dùng.
Trái với sự phát triển của các ngành trên, ngành Cơ khí, Điện tử lại đang đứng trước nhiều khó khăn. Bởi, mặc dù trong dịp Tết Nguyên đán này được xem là mùa tiêu thụ, nhưng thị trường cơ khí chưa có sự biến động tuy các nhà phân phối tích cực triển khai kích cầu bằng nhiều chương trình khuyến mãi hạ giá, hỗ trợ các thủ tục... để giải phóng hàng tồn kho thu hồi vốn. Duy chỉ có sản phẩm ô tô với chủng loại xe bậc trung, giá cả phù hợp với nhu cầu mua sắm trong dịp Tết được tiêu thụ mạnh, khách hàng cần phải đặt trước mới mua được.
Thị trường điện máy cũng trầm lắng và kém sôi động. Không khí tưng bừng khuyến mãi của các siêu thị điện máy không làm cho lượng khách hàng mua sắm tăng. Cũng vì thế mà doanh nghiệp cung cấp linh kiện bị ảnh hưởng rất lớn, giảm đơn hàng và thu nhập của người lao động giảm hoặc bị buộc nghỉ việc.
Hiện nay, nhu cầu nhân lực cho các ngành cơ khí kỹ thuật như: điện tử viễn thông, luyện kim, ô tô, chế tạo máy... rất cao. Song, đây lại là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung lao động thấp nhất, chiếm khoảng 1,5% thị trường lao động. Hiện các khu công nghiệp, khu chế xuất luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ kỹ sư ngành động lực, chế tạo máy, tiện, phay...
Yến Nhi
theo VnMedia