Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Nhiều nước tăng mua rau quả chế biến của Việt Nam

Một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ tăng mua rau quả chế biến của Việt Nam bởi nhu cầu ăn uống của người dân đang nghiêng về hàng chế biến sẵn. Điều này giúp rau quả chế biến của Việt Nam khởi sắc những tháng đầu năm.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả chế biến hiện chiếm khoảng 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Gần đây, Trung Quốc cũng trở thành thị trường quan trọng nhập khẩu mặt hàng này.

Các sản phẩm chế biến chủ yếu của rau quả Việt Nam là xoài, chanh leo, hạnh nhân, hạt dẻ cười, trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai… tăng trưởng 22-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Vùng nguyên liệu ngày càng tốt lên cả về sản lượng lẫn chất lượng cùng hàng loạt hiệp định thương mại tự do là lý do khiến ngành này duy trì đà tăng trưởng.

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food - cho biết sức mua của người tiêu dùng trong nước với rau quả chế biến đầu năm chậm lại nhưng trên thế giới vẫn gia tăng. Các sản phẩm có chất lượng cao, tốt cho sức khỏe ngày càng được người tiêu dùng các nước ưu tiên trong giỏ hàng.

"Đầu năm, doanh thu xuất khẩu của công ty tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi đang có đơn hàng cả năm với sản lượng và giá trị tăng cao. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường chuộng nha đam và thạch dừa Việt", ông Thứ nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây Westfood - cũng cho biết sản lượng bán hàng trong 2 tháng đầu năm tăng gần 50% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thị trường châu Âu, Mỹ, Australia, New Zealand đều tăng mạnh. Điều này cho thấy tiềm năng và sự ưa chuộng rau quả chế biến ngày càng cao.

Các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam đang có khá nhiều thuận lợi khi nguồn cung dồi dào, giá thành sản xuất cạnh tranh. Trong khi đó, El Nino trên thế giới đang khiến mùa vụ thu hoạch của các đối thủ như Thái Lan, Peru, Ecuador bị trì hoãn và bị ảnh hưởng lớn về sản lượng cung cấp. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam có nhiều ưu thế về thời gian giao hàng nhanh, chi phí vận chuyển thấp...

Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết từ 2022 đến nay, xuất khẩu rau quả chế biến luôn đạt trên 1 tỷ USD. Riêng năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước đó.

Lý giải về sự bùng nổ của rau quả chế biến, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, đến nay Việt Nam đã ký được 16 Hiệp định thương mại tự do. Nhờ những hiệp định này mà hàng hóa được hưởng nhiều thuế quan, có những thị trường 0%. Đây là lợi thế cạnh tranh cho rau quả chế biến.

Theo ông Nguyên, rau quả chế biến chính thức tham gia vào "câu lạc bộ" tỷ USD của ngành nông nghiệp. Dự kiến, xuất khẩu ngành này năm nay có thể đạt gần 1,6 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng trái cây tươi được chế biến vẫn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 4,5 triệu tấn (tương đương 14%) sản lượng thu hoạch hàng năm là 31 triệu tấn. Hiện Việt Nam có 150 nhà máy chế biến rau quả công nghệ hiện đại công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, số nhà máy này chỉ chế biến được khoảng 8-10% sản lượng trái cây, rau củ mỗi năm. Do đó, tiềm năng để thúc đẩy rau quả chế biến của Việt Nam còn rất lớn. Dự báo năm nay xuất khẩu rau quả chế biến tiếp tục tăng trưởng khoảng 20 - 25%.

Hương Trà
Theo KTDU
 

Từ khóa: