GS -TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn Thế giới cho rằng, VN đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong việc phát triển thủy điện.
GS -TSKH Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn Thế giới cho rằng, VN đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong việc phát triển thủy điện.
Thưa GS, vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã mắc phải hàng loạt sai lầm trong việc phát triển một cách quá vội vàng các thủy điện. Theo đánh giá của GS, sai lầm lớn nhất nào chúng ta mắc phải trong việc phát triển thủy điện hiện nay?
- Thủy điện đã phát triển mạnh ở nước ta trong vài thập kỷ trở lại đây, cả thủy điện lớn, vừa và nhỏ, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước với khoảng 35% tổng sản lượng điện. Tuy nhiên quá trình phát triển thủy điện vừa qua cũng cho thấy một số thiếu sót do chúng ta chưa xem xét, nghiên cứu cẩn thận.
Thứ nhất là quy hoạch thủy điện riêng rẽ, áp đặt, không xét đến việc khai thác tổng hợp nguồn nước mục đích nhằm sử dụng nước đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất trong lưu vực. Thứ hai là coi nhẹ, thậm chí bỏ qua, tác động của việc thay đổi dòng chảy đến môi trường và dân sinh ở hạ du. Thứ ba là thiếu năng lực và thiếu trách nhiệm trong quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng thủy điện.
Tại sao thủy điện phát triển một cách ồ ạt (từ 1995 trở về đây đã có hơn 800 thủy điện) mà lại không hề có một bộ quy tắc chuẩn cho việc xây dựng thủy điện? Theo GS, cần phải xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đến vấn đề này như thế nào?
- Đúng là chúng ta thiếu những thể chế nghiêm ngặt khi phê duyệt quy hoạch, dự án thủy điện. Trách nhiệm của các bộ (Kế hoạch – Đầu tư, Công thương, Tài nguyên – Môi trường) quả thực là không rõ ràng, vừa chồng chéo vừa sơ hở, vừa khép kín, thiếu sự kiểm tra khách quan.
Ấy là chưa nói đến các cấp địa phương được ủy quyền ở mức cao. Không có hướng dẫn, không có quy chế, ai muốn làm gì cũng được. Sự thiếu am hiểu về chuyên môn cũng là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng dễ dãi trong phê duyệt dự án thủy điện.
|
Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) mới xả khoảng 600m3/s thì đã gây lụt lớn ở hạ du.
|
Phải chăng chính vấn đề xã hội hóa - tư nhân hóa thủy điện là nguyên nhân gây ra tình trạng thủy điện phát triển ồ ạt, nằm ngoài tầm kiểm soát?
- Phát triển thủy điện là cần thiết, nếu chưa nói là rất cần thiết. Đó là nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ...) đang cạn dần, các nhà máy điện hạt nhân tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, người ta đặc biệt chú trọng đến các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện.
Ở nhiều nước phát triển, nguồn thủy năng hầu như đã được khai thác triệt để, thì hiện nay, để thay thế dần điện hạt nhân, bên cạnh việc đầu tư lớn cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sóng biển… người ta đang lập các phương án nâng cao công suất thủy điện bằng cách tôn cao các đập hiện có và nâng cao hiệu suất thủy điện nhờ những thiết bị hiện đại.
Thủy điện đem lại nhiều lợi ích và vì thế, có thể nói rằng chủ trương mở rộng đầu tư thủy điện từ các thành phần kinh tế là đúng. Chỉ có việc quản lý sự đầu tư này yếu kém mà thôi.
Báo NTNN có đưa thông tin tại một huyện Đông Giang (Quảng Nam) có tới 14 nhà máy thủy điện. Điều này cho thấy dường như chính quyền địa phương cũng rất hào hứng với thủy điện và bỏ mặc những vấn đề như môi trường sinh thái, đời sống của người dân bị ảnh hưởng?
- Việc các cấp chính quyền nhiều nơi hào hứng với thủy điện có nhiều lý do, trong đó có động cơ từ lợi ích. Do đó, cần thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến của dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án. Các nghiên cứu tác động môi trường phải được nghiên cứu đầy đủ và trong thiết kế dự án phải có phương án khắc phục. Xây dựng công trình cần diện tích nhất định. Tuy nhiên, mượn cớ làm thủy điện để phá rừng thì phải tiến hành điều tra và xét xử theo pháp luật.
Người ta đã nói về tính văn hóa trong xây dựng thủy điện, đặc biệt là trách nhiệm với người dân khi thủy điện quyết định xả lũ. Theo ông, luật có nên quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường cho dân mỗi khi thủy điện xả lũ làm thiệt hại cho người dân?
- Mấy năm nay luôn xảy ra tranh luận về việc xả nước hồ khi lũ về có làm cho lũ hạ du lớn hơn lũ tự nhiên. Câu trả lời thật đơn giản. Nếu sau lũ, mức nước hồ cao hơn so với lúc trước lũ thì một phần nước lũ đã được giữ lại trong hồ, như vậy là hồ đã làm giảm nhẹ lũ cho hạ du. Ngược lại, nếu sau lũ, mức nước hồ hạ thấp hơn so với lúc trước lũ thì một phần nước hồ đã được xả xuống hạ du kèm theo lũ tự nhiên, làm tăng lũ ở hạ du.
“Do chúng ta còn thiếu những quy định đầy đủ và cụ thể cho vận hành hồ chứa nên rất khó phân định trách nhiệm khi xảy ra những thiệt hại ở hạ du do xả lũ”.
GS -TSKH Phạm Hồng Giang
Hiện nay, mọi hoạt động ở hạ lưu vẫn giữ như trước khi có đập, thậm chí dân cư còn đông hơn, nhiều công trình hạ tầng còn được xây dựng thêm mà không kể đến tình huống bị ngập lụt do xả lũ của hồ. Người thiết kế chỉ tính lưu lượng xả để chọn kích thước cho đập tràn chứ không chú ý gì đến những đề phòng cần thiết ở hạ du. Lưu lượng xả của hồ trong thời gian qua thường thấp hơn nhiều so với lưu lượng được phép xả theo thiết kế nhưng đã gây úng ngập lớn ở hạ du.
Ví dụ như hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) khi lũ lớn có thể phải xả 2.800m3/s, nhưng mới xả khoảng 600m3/s thì đã gây lụt lớn ở hạ du. Năm 2010, hồ Kẻ Gỗ xả khoảng 500m3/s đã gây ngập lớn cho Quốc lộ 1, trong khi nếu có lũ rất lớn thì hồ phải xả 1.500m3/s. Do thiếu những quy định đầy đủ và cụ thể cho vận hành hồ chứa như vậy nên khó phân định trách nhiệm khi xảy ra những thiệt hại ở hạ du do xả lũ.
Xin cảm ơn GS!
Hải Phong
theo Dân Việt