Câu chuyện “anti vắc xin” không chỉ xảy ra ở Việt Nam, cách đâu không lâu, tại Mỹ đã chịu hậu quả lớn từ dịch sởi do trẻ không được tiêm vắc xin đầy đủ. Dịch sởi đã bùng nổ ở 8 bang của nước Mỹ vào cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 lan sang cả Canada và Mexico.
Dịch sởi cũng đang bùng phát mạnh mẽ tại Philippines, với số người thiệt mạng tính tới cuối tháng 1 vừa qua đã lên tới 70 người, trong đó phần lớn là trẻ em. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Philippines, trong tháng 1/2019, quốc gia này đã ghi nhận 4.302 trường hợp mắc sởi, tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát tại quốc gia này được cho là do nhiều người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, một số bậc cha mẹ ủng hộ “anti vắc xin” và đã từ chối tiêm chủng cho con do lo ngại tình trạng tai biến sau tiêm chủng.
Điều này đã chứng minh ở Việt Nam bằng trận “đại dịch” sởi diễn ra vào năm 2014, nguyên nhân chính là do người dân dao động về vắc xin này nên không chịu đưa trẻ đi tiêm. Bên cạnh đó, xuất phát từ các thông tin trên mạng xã hội, đã có không ít các bà mẹ cho rằng cứ để con mắc bệnh, ắt sẽ có miễn dịch tự nhiên với bệnh tật, theo nguyên lý “thuận theo tự nhiên”, không cần tiêm vắc xin phòng bệnh. Thậm chí, nhiều bà mẹ còn ủng hộ theo trào lưu “anti vắc xin”.
Trẻ mắc sởi đang được điều trị tai bệnh viện
Hiện ở Việt Nam, bệnh sởi đã phủ khắp 43 tỉnh thành phố, trong đó nhiều nhất là ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Riêng Hà Nội đã ghi nhận 150 ca mắc sởi. Trong đó, các chuyên gia nhận định ý thức tiêm chủng cho con tại cộng đồng chưa cao là lý do khiến cho các ca mắc sởi chưa dừng lại.
Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhi mắc sởi gặp biến chứng do hậu quả của trào lưu anti vắc xin của mẹ.
Bệnh nhi T.M.C. (13 tháng tuổi, ở Phú Thọ) nhập Bệnh viện Nhiệt đới trong tình trạng sốt cao, chảy nước mũi, ho, xuất hiện ban đỏ toàn thân và nhiều nhất vùng mặt, ngực, bụng, lưng. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc sởi có biến chứng viêm phổi.
Khi khai thác tiềm sử tiêm phòng của bệnh nhi từ mẹ, bác sĩ đã giật mình vì mẹ không hề tiêm phòng vắc xin cho con. Người mẹ này chia sẻ đọc thông tin trên mạng cho rằng tiêm vắc xin không tốt trẻ dễ bị tự kỷ, suy giảm miễn dịch… nên đã quyết định không tiêm vắc xin cho con.
Và điều đáng nói, khi dịch sởi đang bùng phát vẫn có rất nhiều bà mẹ còn mê muội hùa theo trào lưu “anti vắc xin”, để rồi con là người phải lãnh hậu quả.
Hiểu đúng về tiêm vắc xin
PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị, theo dõi cho hơn 30 trường hợp trẻ em mắc sởi nặng. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 3 - 5 trường hợp nặng, thường tập trung vào trẻ em. Phần lớn trẻ mắc sởi đều không được tiêm vắc xin đầy đủ. Đó là chưa tính số trẻ dưới 9 tháng tuổi, ở độ tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi, cũng mắc bệnh.
Theo PGS Nguyễn Văn Kính, Tổ chức y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tiêm phòng sởi tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng hiện nay ở một số nước có phong trào "anti vắcxin”, vô hình chung, chính điều này khiến dịch sởi phát triển một cách khó lường.
Cũng theo nhận định của PGS Kính, đa phần những trẻ bị sởi có biến chứng nặng là do sai lầm trong cách chăm sóc, điều trị của phụ huynh. Điển hình như việc giữ con ở nhà điều trị quá lâu mà không theo dõi sát tình trạng trẻ, nhiều người kiêng gió kiêng nước, không tắm cho trẻ làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc…
Do vậy, khi phát hiện trẻ sốt cao, phát ban, khó thở, thân nhiệt không ổn định thì cha mẹ cần nghĩ ngay tới bệnh sởi và cần đưa con tới ngay bệnh viện nơi gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị đúng phương pháp. Tránh chủ quan, chữa mẹo hoặc tự chữa ở nhà dễ khiến trẻ bị biến chứng nguy hiểm.
Khi trẻ đến tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng đẩy đủ
Nói về trào lưu “anti vắc xin” của nhiều bà mẹ, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng cho biết, ông hết sức cảm thông vì sự thiếu hiểu biết và thiếu thông tin của người dân về vắc xin, nhưng với thế hệ trẻ nhỏ thì thật tội cho các cháu.
“Nếu tự "anti vắc xin" cho một bé, một gia đình nhỏ thì bệnh ráng chịu, chỉ tội cho bé. Nếu anti vắc xin kiểu nhóm, kiểu hùa nhau là có tội với một thế hệ", BS Trương Hữu Khanh nói, và khẳng định vắc xin là thành tựu của khoa học.
Ông ví dụ, không thể tự nhiên cả những người như Bill Gate, cũng như nhiều tỷ phú, người giàu có lại bỏ tiền ra mua vắc xin để tiêm cho nhiều trẻ em toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên nhà nước bỏ tiền ra để tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho người dân. Nhà nước bỏ tiền ra lo cho dân vì biết rằng, nếu để bệnh đó xảy ra thì sẽ tốn kém nhiều hơn so với bỏ tiền ra để tiêm ngừa vắc xin.
Trong dịp Tết vừa qua, số bệnh nhi bị sởi nhập viện tại khoa vẫn từ 15 - 20 ca mỗi ngày, chứng tỏ vẫn còn rất nhiều người mắc sởi trong cộng đồng và việc tuyên truyền tiêm phòng vẫn chưa được nhiều người thực hiện. Các bác sĩ đã phải điều trị rất vất vả cho bệnh nhi mắc sởi vì phải cách ly, có những bệnh nhi mang bệnh lý mãn tính, việc điều trị khó khăn hơn nhiều.
Để phòng bệnh sởi, các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ngoài ra, phụ nữ khi có ý định mang thai cũng nên tiêm phòng sởi để tăng cường miễn dịch từ mẹ truyền sang con. Người đã tiêm phòng sởi nên tiêm nhắc lại sau 5 năm để bảo vệ sức khỏe.
Để bảo vệ con trong những ngày đầu đời (9 tháng) mẹ nên đi tiêm vắc xin sởi để có kháng thể cho con. Vì trên thực tế đã có rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc phải khi chưa đủ tuổi tiêm phòng (mũi tiêm đầu tiên lúc 9 tháng tuổi).
Thảo Nguyên
Theo Công Lý