Tháng 10/2012, 16 tập đoàn, tổng Cty thuộc Bộ Công thương đã ký thỏa thuận chung và 11 tập đoàn, tổng Cty đã ký kết bản ghi nhớ song phương tiêu thụ sản phẩm của nhau. Sau 2 năm triển khai, nhiều hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị xấp xỉ 71.000 tỷ đồng (chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu).
Xấp xỉ 71.000 tỷ đồng được ký kết sau 2 năm thực hiện Thỏa thuận. Ảnh: Trần Quý
Cụ thể, mặt hàng quần áo bảo hộ lao động có giá trị khoảng 55,6 tỷ đồng; giấy in ram và giấy copy 165 tỷ đồng, máy thiết bị điện 4.164,4 tỷ đồng, thép xây dựng 5.200 tỷ đồng... 9 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt 48,7% với giá trị 32.192 tỷ đồng; tỷ lệ này của Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam là 64,8%, với giá trị 3.400 tỷ đồng...
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đánh giá, việc thực hiện thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng Cty trực thuộc Bộ góp phần giảm tình hình tồn kho. Nếu cuối năm 2012, chỉ số tồn kho là 20,1% thì đến cuối năm 2013, chỉ số tồn kho chỉ còn 10,2% (mức tồn kho bình thường). Đến thời điểm hiện tại, một số ngành sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia ký kết có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn so với mức tăng chung như: Sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 6,1%, dệt tăng 1,7%, sản xuất thiết bị điện tăng 2,1%...
Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đạt được, chương trình thỏa thuận còn bộc lộ nhiều bất cập như: Vướng mắc khi ưu tiên sử dụng hàng hóa lẫn nhau nói riêng và sử dụng hàng Việt nói chung do các quy định của pháp luật về đấu thầu, khiến các đơn vị thành viên tập đoàn, tổng Cty không được tham gia đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị. Việc thu xếp nguồn vốn trong nước khó khăn, nguồn vốn nhà nước hạn hẹp nên một số doanh nghiệp phải vay phần lớn ở nước ngoài, dẫn đến một số trường hợp các tổ chức cho vay yêu cầu nhà thầu hoặc thiết bị hàng hoá phải cung cấp từ nước ngoài. Hàng hóa được sản xuất trong nước chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng chưa đảm bảo nên chưa cạnh tranh được với các mặt hàng ngoại nhập. Trong khâu cung ứng đòi hỏi hàng hóa số lượng, chất lượng đảm bảo thống nhất, tiến độ giao hàng cũng là vướng mắc. Đặc biệt, một số tập đoàn, tổng Cty cần các loại hàng hoá đặc chủng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhưng trong nước chưa sản xuất được, khiến phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trước những vướng mắc đó, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ có những chính sách ưu đãi cụ thể về vốn và định hướng về công nghệ, sản phẩm tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp để các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển sản xuất, sáng tạo sản phẩm mới đặc biệt là các sản phẩm có tính kỹ thuật cao, cải tiến về chất lượng cũng như mẫu mã nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, bao gồm chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả. Có chính sách hỗ trợ về vốn và kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với các đơn vị nghiên cứu như viện, trường để phát triển sản xuất, sản phẩm kỹ thuật cao.
Ngoài ra, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt có chất lượng cao và uy tín trong nước để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử để quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh…
Trần Quý
theo Thanh tra