Sự kiện hot
13 năm trước

Nhìn lại 12 tháng đầy biến động của Apple

2011 có thể là năm đáng nhớ nhất trong lịch sử Apple, với nhiều sự kiện và biến động. Ngoài những thành công đạt được với các sản phẩm mới, Apple còn phải chứng kiến sự ra đi của Steve Jobs. Cùng nhìn lại 12 tháng biến động của Apple trong năm 2011.

2011 có thể là năm đáng nhớ nhất trong lịch sử Apple, với nhiều sự kiện và biến động. Ngoài những thành công đạt được với các sản phẩm mới, Apple còn phải chứng kiến sự ra đi của Steve Jobs. Cùng nhìn lại 12 tháng biến động của Apple trong năm 2011.

Tháng 1: Bắt tay với Verizon, ra mắt Mac App Store

Mối quan hệ “độc quyền” giữa Apple với AT&T cuối cùng cũng đã kết thúc vào tháng 1 năm nay, khi “quả táo” chính thức bắt tay với mạng viễn thông Verizon để ra mắt iPhone 4 hoạt động trên mạng này. Đây được xem là một nỗ lực để mở rộng thị trường của Apple, tuy nhiên lại bị đánh giá là bước đi quá chậm, khi các đối thủ chính trên thị trường di động, nền tảng Android, vốn đã bắt tay với các hãng viễn thông lớn từ khá lâu.

Tháng 1 cũng chứng kiến việc Apple chính thức mở cửa kho ứng dụng App Store dành cho máy tính Mac, một nỗ lực nhằm tăng cường thêm sức mạnh của hệ điều hành Mac để cạnh tranh với Windows trên thị trường máy tính cá nhân.

Tháng 2: Mang công nghệ Thunderbolt đến với MacBook Pro

Apple đã chính thức trở thành hãng sản xuất máy tính đầu tiên trên thị trường tích hợp công nghệ truyền tải dữ liệu tốc độ cao Thunderbolt lên dòng sản phẩm của mình, cụ thể là dòng sản phẩm MacBook Pro. Công nghệ mới này cho phép tốc độ truyền tải dữ liệu lên đến 10Gb/s (Gigabit trên giây), gấp đôi so với chuẩn USB 3.0 và gấp 2 lần so với chuẩn USB 2.0.

Phải đến tận tháng 9 năm nay, các hãng sản xuất máy tính khác như Acer, Asus mới cho biết sẽ bắt đầu trang bị công nghệ mới này vào sản phẩm của mình trong năm sau, nghĩa là vẫn chỉ là những “kẻ đi sau” Apple.

Tháng 3: Sự trở lại của iPad

Trong khi iPad được giới thiệu vào năm 2010 vẫn năm giữ vị trí độc tôn trên thị trường máy tính bảng, thì đến tháng 3 năm nay, Apple lại tiếp tục trình làng phiên bản 2 chiếc máy tính bảng của mình.

Có thiết kế có phần mỏng hơn, trang bị vi xử lý A5 lõi kép mạnh mẽ hơn, cùng với camera trước và sau là những sự cải tiến đáng kể để iPad 2 tiếp tục nắm giữ vị trí số 1 trên thị trường máy tính bảng.

Chỉ trong vòng nửa năm kể từ ngày ra mắt, tính đến hết tháng 9, Apple đã tiêu thụ hết 11,12 triệu chiếc iPad 2, gấp 1,5 lần so với số lượng tiêu thụ của iPad trong cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 4: Rắc rối gián điệp trên iPhone

Rắc rối đầu tiên mà Apple gặp phải trong năm 2011 là khi 2 nhà nghiên cứu bảo mật Alasdair Allan và Pete Warden đã phát hiện ra một bản sao lưu bí mật các vị trí và thời gian được lưu giữ trên máy tính Mac hoặc các máy tính đã được đồng bộ hóa với iPhone.

Một tuần sau khi phát hiện trên được công bố, Apple giải thích rằng đó hãng chỉ đơn thuần đang cố gắng xây dựng một cơ sở dữ liệu các điểm truy cập Wifi của người dùng để xác định chất lượng của dịch vụ, trong trường hợp tính năng GPS trên thiết bị không thể xác định vị trí người dùng.

Apple sau đó đã phải phát hành bản cập nhất của iOS để vá lại lỗi này, tuy nhiên, trước đó, hãng cũng đã gặp không ít rắc rối với những đơn kiện của khách hàng, thậm chí còn phải ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ vì những cáo buộc vi phạm riêng tư cá nhân.

Tháng 5: Rắc rối về bản quyền

Apple lại tiếp tục gặp rắc rối về pháp lý khác vào tháng 5, khi công Lodsys, chuyên nắm giữ các bản quyền công nghệ, kiện “quả táo” đã vi phạm vi phạm các bản quyền công nghệ mà công ty này đang nắm giữ để sử dụng cho các ứng dụng trên iOS. Bản kiện cáo này khiến cho các nhà phát triển ứng dụng trên iOS cảm thấy lo lắng vì sợ tên mình có dính líu đến vụ kiện và gây nên tình trạng các lập trình viên không muốn tiếp tục xây dựng ứng dụng cho Apple.

Tuy nhiên, Apple sau đó đã phản ứng lại Lodsys, phủ nhận mọi cáo buộc và kêu gọi cộng đồng lập trình viên tiếp tục ủng hộ và xây dựng ứng dụng cho nền tảng iOS. Hiện vụ kiện tụng giữa Apple và Lodsys vẫn chưa đến hồi kết thúc, tuy nhiên, dưới sự bảo vệ của Apple, các lập trình viên đã có thể an tâm tiếp tục xây dựng các ứng dụng cho iOS.

Tháng 6: Ra mắt iCloud, giới thiệu trung tâm dữ liệu khổng lồ

Tháng 6 năm nay, Apple giới thiệu dịch vụ iCloud, dịch vụ điện toán đám mây để đồng bộ hóa và lưu trữ dữ liệu trên các thiết bị của Apple, bao gồm các thiết bị sử dụng iOS và Mac OS X.

Bên cạnh đó, Apple cũng đã giới thiệu hình ảnh về trung tâm dữ liệu khổng lồ, với diện tích 46 ngàn mét vuông. Đây là trung tâm dữ liệu được Apple sử dụng để duy trì hoạt động của iCloud. Được biết, hãng đã phải tốn đến hơn 1 tỉ USD để xây dựng trung tâm dữ liệu này, bao gồm tiền giải phóng mặt bằng và xây dựng trung tâm dữ liệu.

Tháng 7: Chiến thắng trong cuộc đua giành bản quyền công nghệ

Trong tháng 7, Apple đã “chạy đua” cùng một loạt những ông lớn viễn thông khác, bao gồm EMC, Ericsson, Microsoft, RIM và Sony để giành nỗ lực mua lại bản quyền của hơn 6 ngàn bằng sáng chế viễn thông của hãng viễn thông Nortel (Canada). Số tiền các hãng này phải trả để sở hữu các bằng sáng chế của Nortel lên đến 4,5 tỉ USD.

Cuộc đua này cho thấy bẩn quyền bằng sáng chế là một “vũ khí” mà các hãng công nghệ sẽ sử dụng để chống lại nhau khi cạnh tranh trên thị trường có quá nhiều đối thủ.

Tháng 8: Steve Jobs tuyên bố nghỉ hưu

Vị thuyền trưởng tài ba, thuyền trường của Apple, Steve Jobs đã bất ngờ tuyên bố nghỉ hưu và rời khỏi vị trí CEO của Apple, đồng thời nhường lại vị trí này cho Tim Cook. Trước khi nghỉ hưu, Steve Jobs đã gửi đến toàn thể nhân viên của Apple một bức thư với những lời lẻ đầy tiếc nuối: “Tôi vẫn luôn thường nói, nếu một ngày nào đó tôi không thể đáp ứng và thực hiện nhiệm vụ của một CEO tại Apple, tôi sẽ nói cho các bạn biết đầu tiên. Thật đáng tiếc, ngày hôm đó đã đến…”

Tháng 9: Tĩnh lặng trước “cơn bão”

Không có biến động nào thực sự đáng chú ý tại Apple vào tháng 9, ngoài việc Apple thông báo sự kiện ‘Let’s talk iPhone’ để giới thiệu iPhone thế hệ mới vào tháng 10.

Cả thế giới công nghệ lẫn người tiêu dùng “nín thở” chờ đợi vào sự ra mắt của iPhone thế hệ mới, mà mọi người khi đó tin rằng sẽ là iPhone 5, với nhiều sự kỳ vọng về một thế hệ iPhone mới có nhiều sự biến đổi và thực sự phá cách.

Tháng 10: Vui buồn lẫn lộn


Tháng 10 được xem là một tháng với nhiều cảm xúc lẫn lộn tại Apple, chứng kiến cả sự ra đời lẫn sự mất mát.

Steve Jobs, tượng đài lớn nhất tại Apple, người đã “chèo lái” con tàu Apple trở thành tập đoàn lớn nhất thế giới, ra đi vào ngày 5/10, ở tuổi 56, chỉ 1 ngày sau khi Apple trình làng iPhone 4S, chiếc điện thoại thế hệ mới nhất của Apple.

Cả thế giới thảng thốt và bất ngờ trước sự ra đi của Steve Jobs. Apple sau đó đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm “vị thuyền trưởng tài ba” của mình tại trụ sở chính của hãng. Trong khi đó, iPhone 4S bước đầu chịu nhiều sự chỉ trích vì không có sự khác biệt so với iPhone 4, nhưng cũng đã nhanh chóng lấy được lòng người sử dụng và đạt những kỷ lục mới về doanh thu.

Tháng 11: Trình làng iTunes Match

iTunes Match là dịch vụ lưu trữ nhạc trực tuyến mà không cần phải thông qua iTunes như trước đây. iTunes Match hoạt động dựa trên nền tảng đám mây của iCloud, cho phép người dùng lưu trữ những bản nhạc của mình trên server của Apple, để người dùng có thể truy cập và nghe chúng ở bất kỳ thiết bị nào thông qua tài khoản iCloud.

Tuy nhiên, dịch vụ này không miễn phí, mà có phí 25 USD/năm.

Tháng 12: Kết lại một năm thành công của Apple

Ngoại trừ tin buồn về sự ra đi bất ngờ của Steve Jobs, 2011 được xem là một năm thành công của Apple. iPad 2 vẫn tiếp tục dẫn đầu trên thị trường máy tính bảng, iPhone 4S vẫn khẳng định được vị thế của mình. Giá trị cổ phiếu của Apple tăng lên gần 20% so với cùng kỳ năm 2010, đưa giá trị thị trường của hãng lên đến hơn 374 tỉ USD.

Phía trước Apple vẫn là một năm 2012 với nhiều biến động. Dưới sự chèo lái của vị thuyền trường mới Tim Cook, liệu Apple có giữ vững được vị thế của mình, hay lại trở thành một con tàu chông chênh dễ đắm như Apple đã từng gặp phải khi Steve Jobs từng từ bỏ công ty ra đi vào 1985.

Phạm Thế Quang Huy
theo Dân Trí

Từ khóa: