Sau hơn một tiếng chờ đợi, phiên đấu thầu thứ hai chính thức khởi động khi Ngân hàng Nhà nước công bố giá sàn 43,23 triệu đồng một lượng, thấp hơn mức mua bán thị trường.
Sau hơn một tiếng chờ đợi, phiên đấu thầu thứ hai chính thức khởi động khi Ngân hàng Nhà nước công bố giá sàn 43,23 triệu đồng một lượng, thấp hơn mức mua bán thị trường.
Cũng như phiên đầu tiên, hôm nay Ngân hàng Nhà nước không khống chế giá trần, chỉ công bố giá sàn, là mức khởi điểm để các doanh nghiệp bỏ thầu. Giá sàn hôm nay thấp hơn mức đặt cọc thông báo hôm qua gần 400.000 đồng một lượng và cũng rẻ hơn giao dịch thực tế trên thị trường lúc này.
Phiên đấu thầu bán vàng thứ hai bắt đầu lúc 8h30 sáng nay. Đúng theo trình tự, các đơn vị làm thủ tục đăng ký và xét tư cách dự thầu. 22 đơn vị được chọn, tăng một so với phiên đấu thầu đầu tiên diễn ra hôm 28/3. Họ sẽ chia nhau bỏ thầu trong tổng số 26.000 lượng vàng, mỗi đơn vị không quá 5.000 lượng.
Đến gần 10h, giá đấu thầu vẫn chờ ban tổ chức hội ý. Ảnh: Thanh Bình.
Đến gần 10h, các doanh nghiệp vẫn ngồi chờ trong phòng đấu thầu vì giá chưa được công bố, chậm hơn lần trước. Một số đơn vị tỏ ra thông cảm vì diễn biến thế giới đêm qua có thể khiến Ngân hàng Nhà nước khó khăn hơn trong việc ấn định giá thầu.
Nhưng một đại diện tỏ ra tự tin cho rằng giá thế giới còn xu hướng giảm, nếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức đấu hợp lý, bán hết 26.000 lượng, đồng thời chốt mua trên tài khoản nước ngoài, vẫn có khả năng thu lãi cho ngân sách và kéo sát giá trong nước với thế giới.
Trong khi đó, áp lực từ thị trường thế giới buộc các doanh nghiệp giảm giá mua bán khi mở cửa sáng nay, nhưng ít phút sau lại điều chỉnh tăng trở lại dù thế giới tiếp tục giảm. Khoảng cách giữa giá mua và giá bán được nới rộng lên tới 200.000 đồng mỗi lượng, cho thấy sự thận trọng của doanh nghiệp. Giá mua bán thường sát nhau nếu doanh nghiệp muốn kích cầu và ngược lại.
Mở cửa giao dịch đầu ngày, Tập đoàn DOJI báo giá vàng miếng SJC 43,25-43,43 triệu đồng, chỉ giảm 250.000 đồng bán ra, còn mua vào rẻ đi 330.000 đồng so với sáng qua. Nửa giờ đồng hồ sau, doanh nghiệp này bất ngờ nâng giá mua bán thêm 60.000 đồng mỗi lượng, lên 43,31-43,49 triệu đồng bất chấp thị trường thế giới đang rớt mạnh gần 10 USD (gần 250.000 đồng) so với mở cửa
Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới. Ảnh: Anh Quân.
Giá mua bán vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay giảm 170.000-290.000 đồng, xuống quanh 43,25-43,47 triệu đồng.
Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý cho biết lúc 8h50, doanh nghiệp này thu mua và bán vàng SJC lần lượt ở 43,30-43,45 triệu đồng, giảm lần lượt 210.000-310.000 đồng so với đóng cửa hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mở cửa đầu ngày với mức 43,2-43,4 triệu đồng mỗi lượng, giảm 200.000-400.000 đồng mỗi lượng so với đóng cửa chiều qua. Nhưng nửa tiếng sau lại tăng giá cả chiều mua lẫn bán thêm 50.000 đồng. Đến hơn 9h, lại đưa về mức mở cửa. Biên độ mua - bán nới rộng lên 200.000 đồng, thay vì mức vài chục nghìn chiều qua.
Mức giảm này khá khiêm tốn so với mức điều chỉnh của giá vàng thế giới khi thị trường này vừa chứng kiến sự lao dốc xuống mức thấp nhất 10 tháng qua, trước áp lực bán tháo kỹ thuật và sự rớt mạnh của giá dầu thô.
Mỗi ounce vàng quốc tế tiếp tục giảm thêm 10 USD (tương đương 0,8%) so với mở cửa, xuống sát 1.546 USD một ounce. Nếu tính theo tỷ giá của ngân hàng thương mại 20.960 đồng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi tương đương 39,06 triệu đồng. Mức giá này thấp hơn 4,4 triệu đồng so với niêm yết bán vàng SJC của các doanh nghiệp.
Như vậy, kể từ khi diễn ra phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên đến nay, độ vênh giữa vàng nội và ngoại liên tục mở rộng, so với hôm qua, mức chênh hiện cao hơn 300.000 đồng.
Tình hình giao dịch những ngày gần đây cũng chậm hẳn khi phần lớn nhà đầu tư và người dân đều "án binh bất động" chờ kết quả phiên đấu thầu sáng nay.
Thanh Bình - Lệ Chi
Theo VnExpress