Trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VIC, GAS và VNM khi lấy đi của chỉ số lần lượt 2,63, 0,99 và 0,9 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là BID, VCB và VHM là 0,73, 0,45 và 0,41 điểm.
Thanh khoản trong tuần qua suy giảm nhưng vẫn xấp xỉ mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 4.500 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 28,5% xuống 19.850 tỉ đồng tương ứng khối lượng giao dịch giảm 17,3% xuống 967 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 33,7% xuống 2.433 tỉ đồng tương ứng khối lượng giao dịch giảm 33% xuống 175 triệu cổ phiếu.
Với việc thị trường điều chỉnh trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành chính đều có sự sụt giảm. Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm hơn 2% do ảnh hưởng của các cổ phiếu TDH, VIC và HDG giảm lần lượt 2,9%, 2,3% và 2%. Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm 0,93% do việc POW, PVS và GAS mất 2,3%, 1,9% và 1,7%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 0,22% với các cổ phiếu tăng mạnh nhất trong ngành là BID, VCB và EIB với mức tăng 1,9%, 0,6% và 0,5%. Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần mua ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 470 tỉ đồng.
VHG (CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam) là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất tuần với mức tăng 34% từ 560 đồng lên 750 đồng, ghi nhận 9 phiên tăng trần liên tiếp. Cổ phiếu NVT (CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay) cũng tăng trần 4 phiên và tăng 30% trong tuần từ 8.850 đồng lên 11.500 đồng. Chiều ngược lại, HSL (CTCP Chế biến Nông sản Hồng Hà Sơn La) là cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất tuần với 16,5% từ 11.850 đồng xuống 9.890 đồng.
Ngày 28/3, cổ phiếu VSH (CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) được thỏa thuận 29,2 triệu cổ phiếu tại mức giá 17.500 đồng/cp, tương ứng với số cổ phần mà Công ty TNHH Perfetto đã đăng ký bán ra. Ước tính giao dịch này lên tới hơn 511,6 tỉ đồng.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng giảm nhẹ trong tuần diễn ra Đại hội cổ đông vừa qua. Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu ước đạt 70.000 tỉ đồng, tăng 27% so với kết quả năm 2018. Ngược lại, kế hoạch lợi nhuận ròng chỉ ở mức 6.700 tỉ đồng, giảm 22% so với thực tế năm 2018.
Cổ phiếu VCG của Vinaconex cũng giảm gần 5% cùng thông tin tòa án tạm dừng khẩn cấp kết quả bầu cử HĐQT, BKS của Vinaconex. Cổ phiếu GTN (GTNfoods) đi xuống hai phiên cuối tuần sau khi HĐQT GTNFoods không đồng ý với đề nghị chào mua công khai gần 47% vốn điều lệ của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Cổ phiếu VGC cũng giảm nhẹ sau phiên đấu giá gần 80,6 triệu cổ phần tại Tổng công ty Viglacera (Mã: VGC) do Bộ Xây dựng nắm giữ. Kết quả, Bộ Xây dựng chào bán thành công 69 triệu cổ phiếu và thu về số tiền 1.587 tỉ đồng.
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất E1VFVN30 với 11,6 triệu chứng chỉ quỹ, tiếp theo là CTG (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam) với 5,5 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, NBB (CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy) là mã bị bán ròng nhiều nhất với 4,6 triệu cổ phiếu.
ORS (CTCP Chứng khoán Tiên Phong) là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất tuần trên sàn HNX với mức tăng 41% từ 3.400 đồng lên 4.800 đồng, tiếp theo là VE4 (CTCP Xây dựng điện VNECO4) với mức tăng 36%. Ở chiều ngược lại, PSI (CTCP Chứng khoán Dầu khí) là giảm mạnh từ 3.500 đồng xuống 2.700 đồng.
Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua ròng SHB với 4,4 triệu cổ phiếu, tiếp theo là PVS (Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) với 831.000 cp. Ở chiều ngược lại, VGC (Tổng Công ty Viglacera - CTCP) là mã bị bán ròng nhiều nhất với 420.000 cp.
Nhật Huyền
Kinh tế & Tiêu dùng