Sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 27/7, TAND TP HCM tuyên án đối với nhóm “đại bàng” đánh chết học viên trong trại cai nghiện ma túy.
Các bị cáo có mặt tại tòa. Ảnh: Ngọc Hoa
Học viên cai nghiện bị đánh hội đồng đến chết
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thái Ngọc Dũng (SN 1979, quê Bình Dương) và bị cáo Phan Văn Tiến (SN 1981) cùng mức án 14 năm tù giam.
Bốn đồng phạm của Dũng là Hồ Hoài Mỹ (SN 1985) và Lê Thanh Truyền (SN 1994) bị tuyên phạt cùng 10 năm tù; Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (SN 1982) lãnh 6 năm 6 tháng tù và Trần Văn Tuấn (SN 1996) lĩnh 5 năm tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngoài mức án trên các bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình bị hại 165 triệu đồng tiền mai táng phí và tổn thất tinh thần, đồng thời cấp dưỡng cho 2 người con của bị hại cho tới khi đủ 18 tuổi.
Theo nội dung vụ án, tại phòng số 8, khu 1, Cơ sở xã hội Nhị Xuân (quận 12, TP.HCM) có Dũng, Tiến, Mỹ, Truyền, Quý, Tuấn và một số học viên khác ở. Trong phòng này, các học viên chia thành 3 mâm theo thứ bậc.
Theo quy định ngầm, ai là học viên mới vào phòng phải trải qua “màn tập dượt” nhập phòng. Sau khi trải qua màn đánh đập nhập phòng, các học viên mới còn bị các “đại bàng” ở mâm 1 hầu hạ và làm các công việc khác trong phòng.
Ngày 4/4/2015, UBND phường Tân Thới Hiệp (quận 12, TP.HCM) ra quyết định đưa học viên Nam (quê tỉnh Nam Định) là đối tượng nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Nhị Xuân để quản lý, cắt cơn cai nghiện tập trung.
Nam được 4 cán bộ quản lý khu 1 đưa vào phòng 8 của khu này để ở trong thời gian cắt cơn. Khi Nam vừa vào phòng đã bị Thái Ngọc Dũng (trưởng phòng và được xếp ở mâm 1) đánh và yêu cầu cúi đầu xuống nhưng Nam phản ứng.
Do Nam không chịu làm theo quy định ngầm của phòng nên các đàn em trong mâm 1 của Dũng xông vào đánh Nam ngất xỉu, sau đó chết trên đường đến bệnh viện cấp cứu.
Có bỏ lọt tội phạm?
Tại phiên tòa xét xử, các bị cáo đồng loạt khai khi sự việc xảy ra, có sự chứng kiến của cán bộ quản lý khu 1. Cán bộ nói cần dạy cho bị hại ngoan ngoan nên các bị cáo hiểu ra phải đánh bị hại.
Nhiều bị cáo tỏ ra cay cú, chỉ thẳng mặt 2 cán bộ quản lý Khu 1 liên quan đến vụ án này và chỉ trích với những lời lẽ bức xúc.
Các bị cáo cũng cho biết bất cứ ai mới nhập phòng cũng đều bị đánh, nếu không làm theo thì cán bộ sẽ đánh. Riêng bị cáo Quý một mức kêu oan cho rằng mình không đánh bị hại, có quá nhiều người đánh nên bị cáo không nhìn rõ ai là người trực tiếp đánh anh Nam.
Liên quan đến lời khai này của các bị cáo, trước đó cơ quan cảnh sát điều tra xác định có dấu hiệu về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên đã 2 lần ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 4 cán bộ quản lý Khu 1 để điều tra.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, Viện KSND TP HCM đã không phê chuẩn vì cho rằng các cán bộ này không chịu thừa nhận và cơ quan điều tra không chứng minh được việc thiếu trách nhiệm của các cán bộ này. Do đó, cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra với các cán bộ này.
Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại cho rằng trong vụ án này hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội Giết người chứ không phải là tội Cố ý gây thương tích. Bởi các bị cáo dù biết sức khỏe bị hại không tốt những vẫn đánh vào nhiều vùng trọng yếu cơ thể nạn nhân với lực tác động vô cùng mạnh.
“Đây là hình thức tra tấn vô cùng dã man của các bị cáo khiến bị hại vừa nhập phòng được vài tiếng đồng hồ thì tử vong”, luật sư nêu.
Tuy nhiên, quan điểm này của luật sư đã không được HĐXX chấp nhận. HĐXX sau khi nghị án đã cho rằng có đủ cở sơ xác định các bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích nên đã tuyên mức án như trên.
Về nội dung lời khai của các bị cáo rằng có nhìn thấy cán bộ quản lý khi các bị cáo đánh nạn nhân. Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố những cán bộ này nhưng VKS không phê chuẩn. Trong khuôn khổ quyền hạn xét xử của tòa chỉ xét xử những gì Viện KSND TP.HCM truy tố. Vì vậy, HĐXX không thể xem xét trách nhiệm của những người liên quan mà cơ quan điều tra đã đình chỉ trước đó.
Ngọc Hoa
Theo ĐSPL, Vietnammoi