Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Nhóm ngành nào sẽ được các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng” trong năm 2024

Thị trường chứng khoán 2024 dự báo sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ hơn, tuy nhiên về nhóm ngành sẽ không có sự tăng trưởng đồng đều. Nhà đầu tư sẽ tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận và định giá cổ phiếu, hỗ trợ cho mức tăng nhẹ của giá cổ phiếu trong năm nay.

Picture 1
Nhóm ngành nào sẽ được các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng” trong năm 2024.

Theo ông Lê Ngọc Hưng - chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS), đà giảm của lợi nhuận ròng của doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường đã thu hẹp đáng kể trong quý III/2023, với mức giảm chỉ -1,5% so với cùng kỳ và so với quý II và quý I/2023 khi lần lượt là -14% và -21%.

Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng có xu hướng cải thiện trong những tháng cuối năm 2023, lãi suất và tỷ giá hạ nhiệt, chuyên gia của MBS kỳ vọng lợi nhuận thị trường sẽ ghi nhận tăng trưởng dương trong quý IV/2023, từ đó đưa lợi nhuận thị trường cả năm 2023 giảm nhẹ -2% so với năm 2022.

MBS dự báo trong năm 2024, lợi nhuận ròng doanh nghiệp trên thị trường sẽ tăng +16,8% so với cùng kỳ, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và tiêu dùng. “Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý III và quý IV của năm 2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023”.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, trong năm 2024, với kỳ vọng rằng sự phân hóa giữa các cổ phiếu sẽ tiếp tục rõ nét hơn đặt trong bối cảnh mức độ biến động lớn của thị trường, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư cần vừa sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những doanh nghiệp có triển vọng tốt, vừa chú ý lựa chọn thời điểm giải ngân khi giá cổ phiếu vẫn đang được giao dịch ở vùng định giá hợp lý để đảm bảo mục tiêu quản trị rủi ro.

Theo đó, các cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn là nhóm ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào như hiện tại là yếu tố hỗ trợ tích cực về chi phí vốn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng, phần còn lại là vấn đề tìm kiếm đầu ra.

Dù phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong năm 2023, sự phân hóa được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong năm 2024. Theo đó, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp với mức lợi nhuận chấp nhận được trong năm 2024.

Triển vọng của thị trường chứng khoán năm 2024 phụ thuộc nhiều vào lãi suất  và sự phục hồi của lợi nhuận
Ảnh minh họa.

Tiếp đến, theo các chuyện gia, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, do đó nhà đầu tư có thể sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã bước sang chu kỳ bán hàng sau khi hoàn thành xong giai đoạn đầu tư.

Để kích thích tăng trưởng kinh tế, chính phủ sẽ tiếp tục xu hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với trọng tâm là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, theo đó mang đến tác động tích cực cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng.

Cuối cùng là cổ phiếu phòng thủ. Theo VCBS, nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu với khung thời gian dài cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành có tính chất “phòng thủ”, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và hoạt động ở những ngành như công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước,… 

Các chuyên gia nhận định, năm 2023, thanh khoản thị trường bình quân đạt 17.500 tỷ đồng, giảm 14,8% so với năm 2022. Thị trường bước vào năm 2024 được giới đầu tư kỳ vọng tích cực hơn về cả điểm số và thanh khoản.

Triển vọng thị trường trong năm 2024 đến từ các nhân tố như: nền lãi suất thấp (lãi suất huy động ở các ngân hàng lớn hiện thấp hơn cả hồi Covid-19); xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới; lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi 16,8% so với cùng kỳ; thị trường bất động sản phục hồi nhẹ, các vấn đề khó khăn tiếp tục được tháo gỡ…

Tiến Hoàng (t/h)/KTDU

Từ khóa: