Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Nhựa Bình Minh (BMP): Doanh thu thuần quý III/2022 đạt 1.495,8 tỷ, tăng trưởng 183,8%

Theo DSC, doanh thu thuần quý III/2022 của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) đạt 1.495,8 tỷ, tăng trưởng 183,8% trên nền thấp cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng được cải thiện từ 23,6% hồi đầu năm lên 28,3% trong quý vừa qua nhờ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh và BMP gia tăng sản xuất giúp giảm áp lực lên chi phí sản xuất.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Được biết, CTCP Nhựa Bình Minh có tiền thân là Nhà máy Công tư Hợp doanh Nhựa Bình Minh thành lập năm 1977. Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng đầu và có uy tín tại Việt Nam về các sản phẩm ống nhựa và phụ tùng ống nhựa các loại phục vụ cho ngành cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, điện lực, xây dựng công nghiệp và dân dụng.

Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với CTCP Nhựa Bình Minh (BMP)) Chứng khoán DSC cho biết, BMP hiện sở hữu và vận hành 04 nhà máy sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An và Hưng Yên với tổng công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm. BMP hiện là doanh nghiệp số 1 về mảng ống nhựa ở Việt Nam với hơn 25% thị phần, trong đó BMP chiếm tới hơn 50% thị phần tại thị trường miền Nam.

Báo cáo phân tích của DSC cũng cho biết, biên lợi nhuận gộp của BMP được cải thiện nhờ việc giá hạt nhựa PVC – nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn chi phí đầu vào của doanh nghiệp nhựa xây dựng, đã giảm mạnh và hiện đang duy trì quanh mức giá 830 USD/tấn, thấp hơn 56% so với đỉnh hồi tháng 10/2021. Bên cạnh đó việc các nhà máy của BMP gia tăng công suất khi nền kinh tế phục hồi trở lại sau đại dịch cũng làm giảm áp lực lên các chi phí cố định của doanh nghiệp.

Cũng theo DSC, BMP đã tăng giá bán khoảng 40% trong năm 2021 sau 10 năm không hề tăng giá bán, DSC kỳ vọng việc Nhựa Bình Minh duy trì giá bán ở mức cao trong bối cảnh giá hạt nhựa PVC giảm sâu sẽ giúp đạt được mức biên lợi nhuận cao quý IV. Ngoài ra điều này còn giúp BMP gia tăng sức mạnh cạnh tranh về giá trên thị trường nhờ chi phí thấp, trong tương lai BMP có thể sẽ chia sẻ lợi ích với các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng nhằm giữ vững thị phần số 1 miền Nam và đẩy mạnh “đánh chiếm” thị phần tại miền Bắc.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, BMP cũng phải chịu những rủi ro như việc tăng giá nguyên liệu hạt nhựa đầu vào (PP, PE…) nếu giá dầu tăng cao; ngành nhựa có rào cản gia nhập ngành thấp dẫn đến mức độ cạnh tranh cao; thị trường vật liệu xây dựng nói chung và nhựa xây dựng nói riêng có nguy cơ giảm sút do thị trường bất động sản tại Việt Nam đang khá trầm lắng.

DSC cho biết, kết quả kinh doanh của BMP khởi sắc sau khi về tay của người Thái do Nhựa Bình Minh được hưởng lợi từ hệ sinh thái của “ông trùm” ngành nhựa Thái Lan – SCG (công ty mẹ của The Nawaplastic Industries). Hệ sinh thái này bao gồm từ cung cấp 1 phần nguyên liệu sản xuất đầu vào cho BMP cho tới năng lực quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp và kinh nghiệm dày dặn trên thị trường ngành nhựa. DSC đánh giá đây sẽ là lợi thế cạnh tranh trong trung và dài hạn của BMP so với các doanh nghiệp cùng ngành khác.

Doanh thu thuần quý III/2022 của BMP đạt 1.495,8 tỷ, tăng trưởng 183,8% trên nền thấp cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng được cải thiện từ 23,6% hồi đầu năm lên 28,3% trong quý vừa qua nhờ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh và BMP gia tăng sản xuất giúp giảm áp lực lên chi phí sản xuất.

Trong đại hội cổ đông thường niên 2022, Ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch doanh thu tăng 24,4% so với cùng kỳ lên 5.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 109% lên 448 tỷ đồng. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã thực hiện 77,6% kế hoạch doanh thu đặc biệt đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2022.

“Trong năm 2020 và 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh khó khăn song BMP vẫn duy trì 4 đợt trả cổ tức tiền tỷ với tỷ lệ từ 14,8 - 28,4%, điều này cho thấy doanh nghiệp có dòng tiền ổn định bất chấp khó khăn. Trong quý năm 2022, BMP đã triển khai 3 đợt trả cổ tức bằng tiền vào tháng 1,5 và 10 với tỷ lệ tương ứng là 12,5%, 13,5% và 31%. Đợt trả cổ tức vào cao bất thường vào tháng 10/2022 vừa qua là nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc, doanh nghiệp về đích kế hoạch lợi nhuận 2022 khi mới kết thúc Q3/2022 nên BMP đã ngay lập tức “phân phối thành quả” cho các cổ đông của mình.” Chứng khoán DSC cho biết.

DSC dự phóng kết quả kinh doanh BMP trong quý IV sẽ khởi sắc, trong năm 2022 doanh thu của Nhựa Bình Minh ước tính đạt 6.010 tỷ đồng (tăng 31,7% so với năm trước), cùng với lợi nhuận sau thuế đạt 615 tỷ đồng (tăng 187,4%), tương ứng với EPS 7.512 đồng/cổ phiếu. Bằng việc kết hợp giữa phương pháp định giá P/E và DCF với trọng số ngang nhau, DSC đưa ra mức định giá cho cổ phiếu BMP ở mức 74.300 đồng/CP, UPSIDE 26% so với giá đóng cửa ngày 26/10/2022.

Nhật Minh

Theo KTĐU

Từ khóa: