Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Nhựa Tiền Phong (NTP) dự chi 194 tỷ đồng trả cổ tức đợt 1/2022

Với hơn 129 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp cần chi hơn 194 tỷ đồng để trả cổ tức. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 15/12.

CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (Mã: NTP) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án chi trả cổ tức đợt 1/2022.

Theo đó, doanh nghiệp lên phương án trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương ứng với mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 1.500 đồng. Thời gian chốt danh sách vào ngày 1/12.

Như vậy, với hơn 129 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp cần chi hơn 194 tỷ đồng để trả cổ tức. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 15/12.

Về hoạt động kinh doanh tại NTP, trong quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.321 tỷ đồng. Do giá vốn trong kỳ tăng 34%, cao hơn mức tăng của doanh thu thuần nên biên lãi gộp của Công ty chỉ đạt 19,5%, thấp hơn mức 25,3% của cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 83,8 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Nhựa Tiền Phong lãi sau thuế 410,3 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp nhựa xây dựng có thị phần lớn tập trung ở miền Bắc. Nguyên liệu đầu vào của Nhựa Tiền Phong phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu nên sự biến động giá nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí vận tải đường biển từ ngước ngoài về Việt Nam tác động đến giá vốn của Công ty. 

Theo nhận định từ VCBS, nhựa nhiệt dẻo Polyvinyl clorua (PVC) trong nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023 sẽ duy trì ở mặt bằng giá thấp trong vùng 800-1.000 USD/tấn, giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành nhựa tích cực do nguồn cung thiếu hụt tại Mỹ đã phục hồi và nguồn cung trên thế giới tăng mạnh.

Trong ngắn hạn, các nhà sản xuất lớn tại Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc có đầu tư mở rộng sản xuất PVC ngay trong năm 2022 với công suất hàng triệu tấn, trong đó từ nay tới năm 2026, công suất PVC sẽ tăng 17% lên mức 70 triệu tấn/năm.

Nhu cầu PVC sụt giảm mạnh tại Trung Quốc do thị trường bất động sản hụt hơi, nhất là khi nhu cầu PVC cho xây dựng tại quốc gia này chiếm tới 62%. Đến hết năm 2023, VCBS nhận định nhu cầu sẽ tiếp tục yếu khi số lượng các dự án bắt đầu triển khai tại Trung Quốc tại thời điểm này rất thấp do ống nhựa được sử dụng nhiều khi các dự án hoàn thành và phải mất trên 1 năm từ thời điểm bắt đầu xây dựng.

Giá PVC có mức tương quan lớn với than cốc vì phần lớn sản lượng sản xuất hiện nay phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, chi phí sản xuất (than cốc) được dự báo giảm mạnh xuống mốc 280 USD/tấn trong năm 2023, giúp các nhà sản xuất PVC tại Trung Quốc duy trì mức giá bán cạnh tranh với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ khi các quốc gia này đang trong tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng và giá đầu vào neo cao.

Trong khi giá nhựa PVC được kỳ vọng duy trì ở mức thấp thì sản lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa xây dựng vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Nửa đầu năm 2022, số căn hộ bất động sản được triển khai tại miền Bắc cho thấy mức tăng trưởng tốt sau thời gian dài sụt giảm. Điều này thúc đẩy sản lượng tiêu thụ ống nhựa tại khu vực này trong nửa cuối 2022 và 2023

Trong dài hạn, VCBS nhận định sản lượng tiêu thụ vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn khi tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn thấp và kỳ vọng các vấn đề về pháp lý các dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ trong năm 2023 sẽ là bệ phóng thúc đẩy mạnh nguồn cung bất động sản trong năm 2024.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: